Bê bối thi cử: Bộ trưởng Giáo dục nhận thiếu sót, đại biểu vẫn không hài lòng

31/05/2019 - 10:30
Giải trình trước Quốc hội sáng nay, 31/5, liên quan đến ý kiến của nhiều đại biểu về bê bối gian lận thi cử năm 2018, tình trạng bạo lực học đường..., Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trước khi nói rõ hơn vấn đề, đã “xin nhận trách nhiệm và thiếu sót”. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội không hài lòng và tiếp tục "truy vấn" khi cho rằng Bộ GD&ĐT chưa giải quyết đến cùng sự việc.

Theo yêu cầu, sáng nay 31/5, người đứng đầu Bộ GD&ĐT - ông Phùng Xuân Nhạ - có 7 phút để giải trình các vấn đề nhức nhối của giáo dục được đại biểu quan tâm thảo luận về tình hình kinh tế xã hội.

Ông Nhạ thừa nhận rằng, năm 2018 đã xảy ra vụ bê bối gian lận thi THPT Quốc gia gây bức xúc dư luận. “Rà soát quy trình tổ chức thi để tìm nguyên nhân, với trách nhiệm cá nhân là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, tôi xin nhận trách nhiệm và thiếu sót” - ông Phùng Xuân Nhạ nói.

 

nha.jpg
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ giải trình trước Quốc hội về bê bối gian lận thi cử sáng 31/5

Những thiếu sót được tư lệnh ngành giáo dục dẫn ra để nói về gian lận thi cử là phần mềm thi trắc nghiệm có nhiều thiếu sót nên bị kẻ xấu lợi dụng can thiệp điểm. Việc quán triệt quy chế thi chưa được chi tiết nên dẫn đến khâu coi thi lỏng lẻo, bên cạnh đó việc thanh kiểm tra quá trình thi chưa được sâu sát. Và thêm một nguyên nhân nữa là công tác chọn cán bộ tham gia coi thi ở các địa phương chưa đạt yêu cầu.

Nói về việc xử lý sai phạm thi cử, ông Nhạ thông tin đã quyết liệt phối hợp với Bộ Công an trong việc điều tra truy tìm các đối tượng vi phạm, tổ chức rút kinh nghiệm trong toàn ngành và đang tiếp tục xử lý các đối tượng liên quan.

“Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của vụ án, công an vẫn trong quá trình điều tra và các địa phương cũng đang trong quá trình xử lý. Khi có kết quả, chắc chắn các đối tượng gian lận sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Chúng tôi kiên quyết xem xét cho ra ngoài ngành các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm” – ông Nhạ khẳng định.

Để tránh lặp lại gian lận khi kỳ thi THPT Quốc gia 2019 đang đến rất gần, ông Phùng Xuân Nhạ nói về các giải pháp khắc phục như khắc phục về quy chế thi, chọn lọc điều động cán bộ coi thi, tăng cường thanh kiểm tra, chấm thi. “Đặc biệt phần mềm chấm thi trắc nghiệm sẽ được nâng cấp và mã hóa, đánh phách, gắn camera theo dõi. Bài thi tự luận sẽ được chấm 2 vòng và 5% số bài thi sẽ được chấm thử nghiệm” – ông Nhạ nói.

Liên quan đến băn khoăn của nhiều đại biểu về tình trạng bạo lực học đường gia tăng, ông Phùng Xuân Nhạ khẳng định, trước sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD&DTD đã ban hành các văn bản quy định liên quan đến tăng cường, bảo vệ học đường, chống bạo lực. Việc này đang được triển khai rộng rãi trong nhà trường.

“Với đội ngũ hơn 1,5 triệu giáo viên cả nước, phần lớn giáo viên có tâm huyết say mê, chỉ có sốt ít vi phạm thì chúng tôi đã xử lý nghiêm, đề nghị địa phương đưa ra khỏi ngành những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo”.

Một lần nữa, ông khẳng định về việc thực hiện đổi mới giáo dục theo Nghị quyết 29 đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhân Tuy nhiên, sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo, theo lãnh đạo cao nhất của ngành giáo dục là “cần có thời gian”.

“Có những đổi mới chưa thể có kết quả ngay được, cần sự căn bản và toàn diện, trong quá trình đó không tránh khỏi lúng túng, sai sót. Chúng tôi kiên quyết khắc phục trên cơ sở lắng nghe ý kiến của Quốc hội, cử tri”.

Tuy nhiên, phần giải trình của ông Nhạ không khiến đại biểu hài lòng. Ngay sau đó, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) giơ biển tranh luận. Theo phản biện của đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang), Bộ GD&ĐT mới chỉ đi vào giải quyết những trường hợp được nâng điểm mà chưa có hành động đối với những thí sinh đã bị tuột mất cơ hội bởi sự cố gian lận này.

 

bo.jpg
ĐB Nguyễn Mai Bộ cho rằng Bộ GD&ĐT chưa có giải pháp với thí sinh bị mất cơ hội trúng tuyển 

Đại biểu này đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và các trường đã loại số thí sinh gian lận phải có giải pháp để công nhận bù lại cho những thí sinh bị mất cơ hội. “Chúng ta đã có trong tay số lượng bị loại ra thì hoàn toàn có thể tính được những thí sinh có nguyện vọng vào các trường này mà bị đánh trượt. Cần phải có giải pháp này để bảo đảm sự công bằng cho những thí sinh học thật, thi thật trong sự kiện gian lận lần này.” - ông nhấn mạnh.

Các vấn đề tiêu cực của giáo dục, có thể nói chưa bao giờ hết “nóng” trong những phiên thảo luận về kinh tế xã hội của Quốc hội. Kỳ họp nào cũng có nhiều đại biểu thể hiện sự bức xúc khi nhiều nội dung vẫn chưa được khắc phục như đạo đức nhà giáo xuống cấp, gian lận thi cử, bạo lực học đường, bệnh thành tích…

Có đại biểu thẳng thắn cho rằng ngành giáo dục không dám nhìn thẳng vào sự thật để có thể tìm được giải pháp khắc phục một cách căn cơ, thực chất. Bê bối thi cử 2018 cũng dược nhìn nhận là sự “băng hoại nền tảng xã hội, nền tảng giáo dục” theo một số đại biểu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm