Bệ phóng từ gia đình

28/06/2017 - 08:00
Nguyễn Chí Hiếu, Võ Tường An, Phạm Kim Hùng, những người trẻ đã đến ĐH Stanford (Mỹ) bằng nhiều cách khác nhau nhưng cùng gặp nhau ở một điểm chung là: Điểm tựa gia đình.
Giấy khen cũng chỉ là... tờ giấy

Nguyễn Chí Hiếu, tiến sĩ tại ĐH Stanford, từng có tên trong danh sách “100 sinh viên xuất sắc nhất thế giới” nhưng cũng là người dám khẳng định 32 tuổi mới biết mình thích và hợp với ngành gì.
nguyen-chi-hieu.jpg
Nguyễn Chí Hiếu, tiến sĩ tại ĐH Stanford
Con đường mà Hiếu đã đi qua, không thể không kể đến vai trò của gia đình. Trong câu chuyện kể về mình, Hiếu cho biết, khi mới học lớp 3, lớp 4, Hiếu đã học rất giỏi và nhận được nhiều giấy khen. Đến một ngày, Hiếu cảm thấy chán học và nói với bố mẹ là không muốn học nữa, vì giấy khen đã treo đầy nhà rồi.

Bố của Hiếu không nói gì, chỉ có một hành động là lấy hết giấy khen của anh treo trên tường, xé nát rồi cho hết vào thùng rác và nói: Con thấy đó, giấy khen chỉ là những tờ giấy thôi, nó đến với con được nhưng cũng có thể mất đi bất cứ lúc nào. Quan trọng là cái gì nằm trong đầu và trong tim của con”. Hành động của bố ngày đó Nguyễn Chí Hiếu chưa hiểu nhưng giờ nghĩ lại thì đó chính là động lực để Hiếu có được thành công như hôm nay.

Anh cũng cho biết trong gia đình, bố anh là giáo viên dạy Toán còn mẹ là giáo viên dạy Văn. Vì vậy, khi vào lớp 6, gia đình đã xảy ra tranh luận về việc Hiếu nên học theo ngành của bố hay của mẹ. Cuối cùng Hiếu đã chọn học tiếng Anh. Lên lớp 10 việc này cũng lặp lại.

Gia đình là điểm tựa

Võ Tường An, cái tên thực sự nóng trên mạng xã hội năm 2016 khi đỗ tới 12 trường ĐH của Mỹ. Trong đó có nhiều trường ĐH nổi tiếng như Stanford, Harvard, Yale, Cornell... An sinh ra và lớn lên tại Quảng Ngãi trong một gia đình bố mẹ đều là bác sĩ. Năm lên 4 tuổi, bố mẹ đã dạy Tường An học đọc, học viết, lên 5 tuổi em đã đọc thông, viết thạo.
vo-tuong-an-va-bo-me.jpg
Võ Tường An (giữa) cùng bố mẹ
Bố mẹ cũng hay kể về những người giỏi và từ năm cấp 2, tham gia bất kỳ một cuộc thi nào, Tường An luôn là người đứng đầu. Trong những năm học THCS, việc lựa chọn môn học như thế nào đều do bố mẹ An quyết định. Nhìn lại bản thân, Tường An cho biết, em là bản sao của hình tượng mà mình nghĩ ra. So với các bạn cùng trang lứa, An luôn có tiêu chuẩn, mục đích cho riêng mình.

“Tôi vẫn còn nhớ, những ngày đầu sang Mỹ, thời tiết bên đó âm 20oC, tôi gọi điện về khóc với bố mẹ nhưng bố mẹ dập máy. Vì bố mẹ nói, lựa chọn đi du học là của con, nên con phải biết cách để thích nghi”, An chia sẻ. Chính sự kiên quyết đó của bố mẹ đã tạo nên một Tường An hôm nay.

Còn với Phạm Kim Hùng, cựu sinh viên của ĐH Stanford và từng được coi là “cậu bé vàng” trong đội tuyển Olympic Toán học Việt Nam, điều may mắn nhất trong những năm học cấp 1, cấp 2 của Hùng là có được một tuổi thơ vô tư, không có áp lực học hành. Thứ hai là có không gian và thời gian để nuôi dưỡng tình yêu toán học.
pham-kim-hung-1.jpg
Phạm Kim Hùng, cựu sinh viên ĐH Stanford
Năm 2005, khi thi xong Olympic Toán học, mọi người đều vào lớp cử nhân tài năng của trường ĐH Khoa học Tự nhiên để sang Pháp thì Hùng chọn ngã rẽ cho riêng mình. Em xin nghỉ học vì muốn viết một cuốn sách và điều quan trọng hơn là muốn sang ĐH Stanford để học Công nghệ thông tin. Nhìn lại chặng đường đã đi, Hùng cho rằng bố mẹ không cần phải đi theo con cái suốt cuộc đời. 

Tuy nhiên, trước đó, sự ảnh hưởng của gia đình sẽ tác động rất lớn đến mỗi đứa trẻ sau này. Gia đình là nơi tốt nhất để trả lời câu hỏi: Chúng ta sẽ trở thành người như thế nào trong tương lai?

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm