Bệnh lao xương khớp: Không thể chủ quan

Bài và ảnh: An Khê
21/12/2020 - 14:59
Bệnh lao xương khớp: Không thể chủ quan

Lao xương khớp được là một trong những dạng bệnh lao nguy hại nhất

Lao xương khớp là bệnh của hệ thống xương khớp do vi khuẩn lao gây ra. Đây được coi là bệnh lao thứ phát do vi khuẩn lao từ phổi hoặc hệ tiêu hóa đi theo đường máu hoặc bạch huyết đến khu trú tại một bộ phận nào đó trong hệ xương khớp gây ra bệnh.

Bệnh lao xương khớp có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào khi bị vi khuẩn lao tấn công và thường gây bệnh ở các xương khớp chịu trọng lực lớn như khớp háng, khớp gối và cột sống. Lao xương khớp được coi là một trong những dạng bệnh lao nguy hại nhất. Nếu bệnh không được phát hiện sớm và điều trị tích cực sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống, vì hậu quả của bệnh này là gây tàn phế nặng nề tới các xương khớp bị lao. Để lại di chứng nặng nề ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của người bệnh.

Bệnh lao xương khớp: Không thể chủ quan - Ảnh 1.

Hai mẹ con chị Đường Thị Oanh đang điều trị tại bệnh viện Phổi TW

Cháu Cà Văn Bảo (2007), nhà ở bản Tam, Chiềng Đen, thành phố  Sơn La, tỉnh Sơn La vào viện từ 4/12/2020 do bị viêm khớp háng phải, biến dạng khớp, phù tủy xương và tạo các ổ áp xe phần mềm quanh khớp háng, vùng mông phải và di chứng cứng khớp.

Trong suốt quá trình trò chuyện với phóng viên, chị Đường Thị Oanh là mẹ của Cà Văn Bảo – người dân tộc Thái không ngừng khóc nức nở. Chị kể lại: "Cháu đi học học thể dục môn bật xà ở lớp xong về nhà kêu đau một bên chân không đi được, gia đình cho đi khám thì bác sĩ bảo bị giãn dây chằng không rõ bệnh. Bệnh viện cho về, gia đình lại cho cháu ra chụp chiếu ở phòng khám bên ngoài thì biết được là viêm khớp háng. Chúng tôi cho cháu vào bệnh viện thì được chuyển lên tuyến bệnh viện tỉnh để mổ. Sau khi mổ xong, cháu đi bước thấp bước cao do cơ dính vào nhau và vẫn bị đau. 

Bệnh lao xương khớp: Không thể chủ quan - Ảnh 2.

Chị Oanh mong con khỏi bệnh để được đến trường như các bạn

Được một thời gian cháu lại đau nhiều khớp háng phải không đi lại được, sưng nề vùng mông phải và rất đau. Bác sĩ đã cho chuyển tuyến về bệnh viện Phổi Trung ương để tiếp tục điều trị. Tại đây, cháu đã được điều trị kháng sinh, giảm đau và phẫu thuật nạo viêm ổ áp xe vùng mông phải. Hiện nay cháu đang được tiêm, truyền sau mổ. Từ bé cháu khỏe mạnh, ăn uống tốt, thích vận động, tập thể dục, đá bóng", chị Oanh cho biết.

Bệnh lao xương khớp: Không thể chủ quan - Ảnh 3.

Anh Giàng A Dao không khỏi đau lòng khi có con bị mắc bệnh lao xương đùi

Kinh tế gia đình khó khăn, chủ yếu làm ruộng và trồng cà phê, thu nhập bấp bệnh mùa được, mùa mất, cho nên khi con bị bệnh, vợ chồng chị Oanh lâm vào cảnh khó khăn trăm bề. Từ khi Bảo bị bệnh, gia đình phải đi vay tiền khắp nơi, lại còn phải lo cho hai đứa con ở nhà. Chị Oanh chỉ mong sao con đỡ đau hơn để trở về cùng gia đình, tiếp tục đi học.

Cũng có hoàn cảnh như chị Oanh, gia đình anh Giàng A Dao người dân tộc Mông sống tại xã Tam Đường thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu cũng không khỏi đau lòng khi có con bị mắc bệnh lao xương đùi. Cháu Giàng Thị Da (2014) được bệnh viện Phổi Trung ương chẩn đoán bị áp xe phần mềm đùi trái, huỷ xương đùi trái nhiều ổ, giải phẫu bệnh tổn thương viêm lao.

Anh Giàng A Dao cho biết, vào tháng 3/2020 cháu Giàng Thị Da bị đau ở háng khó đi lại, vì đau nên khóc nhiều. Gia đình cho cháu đi khám ở bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu nhưng không ra bệnh. Tháng 8, gia đình cho con về nhà uống thuốc và đắp thuốc ở quê có đỡ ít. Đến tháng 9 thì thấy háng cháu bị sưng to nên đã đưa đến Bệnh viện tỉnh khám điều trị và được chuyển về Bệnh viện Phổi Trung ương để tiếp tục điều trị. Bệnh viện đã chỉ định mổ vào tháng 11/2020. Đến nay, cháu Da đã đỡ hơn và có thể đi lại được, chờ đến ngày được ra viện. Tuy nhiên vẫn phải tiếp tục điều trị thuốc lao theo phác đồ 1 năm và theo dõi liên tục.

"Hai vợ chồng tôi đều ở nhà làm ruộng, con bị bệnh đi chữa chạy tốn nhiều tiền cho nên gia đình lâm vào cảnh khó khăn, phải đi vay mượn anh em, hàng xóm để chữa bệnh cho cháu. May rằng cháu được bệnh viện kêu gọi hỗ trợ 5 triệu tiền từ một nhà hảo tâm và quỹ PASTB (Patient support foundation to end tuberculosis là quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh Lao) cùng với sự chăm sóc tận tình chu đáo của bác sĩ khoa Nhi. Chỉ hy vọng cháu hỏi hẳn bệnh để còn được về nhà, tiếp tục đi học", anh Giàng A Dao tâm sự. Trong suốt những ngày cháu Giàng thị Da bị bệnh lao khớp, anh là người đồng hành cùng con trên mọi nẻo đường.

Bệnh lao xương khớp: Không thể chủ quan - Ảnh 4.

Ths, bác sĩ Nguyễn Thị Hằng – Phó Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Phổi Trung ương

Theo Ths, bác sĩ Nguyễn Thi Hằng – Phó Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, nhờ những tiến bộ về mặt chẩn đoán và điều trị, hiện nay bệnh lao nói chung và lao xương khớp nói riêng có thể được chữa khỏi hoàn toàn với điều kiện chẩn đoán sớm và điều trị sớm đúng nguyên tắc. Các triệu trứng của lao xương khớp là các dấu hiệu sưng, đau mỏi và hạn chế vận động các vùng xương khớp bị tổn thương mức độ, nhiễm khuẩn, sưng các khớp, bệnh nhân lao xương khớp sẽ thấy các hoạt động vận động khó khăn hơn do các khớp và xương đau nhẹ hoặc vừa phải nên bệnh nhân và người nhà có thể chủ quan không chú ý đến bệnh. Chẳng hạn, nếu lao cột sống thì không cúi, không ngửa được; lao khớp háng thì không dạng được khớp háng, không ngồi xổm và co duỗi được chân... Các dấu hiệu khác có thể gặp ở giai đoạn muộn khi không được chẩn đoán và điều trị là teo cơ, cứng vận động khớp; gù vẹo, gấp khúc cột sống trong lao cột sống, đi tập tễnh lệch người trong lao khớp háng; liệt và rối loạn cơ tròn do ổ áp-xe lạnh gây chèn ép vào tủy sống,...

Bệnh lao xương khớp: Không thể chủ quan - Ảnh 5.

Ths, bác sĩ Nguyễn Thi Hằng đang thăm khám cho bệnh nhân

Những đối tượng dễ mắc lao xương khớp là trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng lao bằng vắc-xin. Có tiếp xúc với nguồn lây đặc biệt là nguồn lây lao phổi, hiểm, tiếp xúc thường xuyên liên tục; đã và đang điều trị lao sơ nhiễm, lao phổi hay lao ngoài phổi khác. Trẻ suy dinh dưỡng, mắc các bệnh phải điều trị bằng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài (ung thư), trẻ mắc các bệnh suy giảm miễn dịch,…

Theo bác sĩ Hằng khuyến cáo, các gia đình cần có kiến thức về bệnh để đưa con đi khám và được chữa trị kịp thời, đặc biệt là không cho con chữa bằng thuốc lá nếu chưa được chẩn đoán đúng bệnh, bởi lao xương khớp có nguy cơ tàn phế cao nếu không được chữa trị.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số người chết do lao năm 2016 ở Việt Nam là khoảng 13.000 người, cao hơn nhiều so với con số tử vong do tai nạn giao thông. Số người chết chủ yếu là những người chưa được phát hiện và điều trị theo đúng hướng dẫn của Chương trình Chống lao quốc gia. Và mặc dù BHYT là chính sách rất hiệu quả để dành cho người mắc bệnh lao song ước tính hiện nay vẫn có trên 20.000 người mắc lao chưa có BHYT. Vì vậy, để thiết thực hỗ trợ cho người bệnh; đồng thời, giúp giảm gánh nặng cho Quỹ BHYT, Bộ Y tế thành lập Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) với mục tiêu là hướng tới việc mua thẻ BHYT cho người bệnh lao chưa có thẻ; trợ giúp kinh phí đồng chi trả cho người bệnh lao có thẻ BHYT điều trị trong thời gian dài; hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn phát hiện sớm và chữa khỏi bệnh lao, không lây lan ra cộng đồng và tiến tới chấm dứt bệnh lao.

Cho tới thời điểm này, Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao – PASTB đã quyên góp được 12,8 tỷ đồng, trong đó thực hiện hỗ trợ được 2.019 người bệnh, mua 319 thẻ BHYT với tổng số tiền đã hỗ trợ gần 5,8 tỷ đồng. Hiện nay, kinh phí điều trị bệnh lao vẫn là gánh nặng đối với những người nghèo và cận nghèo, đối tượng chiếm tỷ lệ cao trong số những người mắc lao. Theo GS TS.Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Phòng chống lao quốc gia: BHYT là một chính sách rất hiệu quả để giúp cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, đặc biệt quan trọng với người mắc bệnh lao.

Tuy được Nhà nước hỗ trợ nhưng kể cả những người có BHYT thì kinh phí đồng chi trả dù là 5% vẫn là gánh nặng, đặc biệt là người bệnh nghèo, cận nghèo. Hiện vẫn còn khoảng 20.000 bệnh nhân lao chưa có thẻ BHYT. Thời gian tới, Quỹ PASTB mong muốn các đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tiếp tục chung tay, ủng hộ và đồng hành cùng Quỹ, góp phần đạt tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030.

Mọi thông tin đóng góp xin vui lòng chuyển khoản trực tiếp cho Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao – PASTB: Tài khoản: 16010000288699 tại Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Sở Giao dịch 3, Hà Nội. Hoặc đóng góp trực tiếp tại Trụ sở chính Quỹ PASTB: Tầng 1 Nhà K, 463 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm