pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi: “Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa”
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân
Chia sẻ với PNVN nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022, bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, cho biết:
Việc được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm to lớn được Đảng giao để tôi cùng với tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2025. Diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19 trong năm 2021 đã ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân, đặt ra nhiều thách thức trong việc triển khai thực hiện "mục tiêu kép" theo chủ trương chung của Chính phủ, đó là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Với tinh thần chủ động, ngay từ khi dịch bệnh xuất hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã nhận định, đánh giá đúng tình hình, kịp thời đề ra phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách, phù hợp với diễn biến dịch bệnh của từng giai đoạn và thực tiễn của tỉnh. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cùng vào cuộc quyết liệt, hiệu quả. Đặc biệt, được sự tin tưởng, đoàn kết, ủng hộ của người dân đã mang lại những kết quả khá toàn diện trên cả phương diện công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, được thể hiện qua một số nét nổi bật sau:
Các biện pháp phòng, chống dịch cho đến nay cơ bản đúng hướng, kịp thời và hiệu quả. Nhờ vậy, đã kiểm soát thành công 3 đợt dịch đầu tiên, đã và đang kiểm soát tốt đợt dịch thứ 4 này. Phát triển kinh tế - xã hội đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 theo giá so sánh năm 2020 ước tính đạt 53.501 tỷ đồng, tăng 6,0% so với năm 2020; thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 20.981 tỷ đồng, tăng 42,4% và vượt chỉ tiêu Trung ương giao. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.680 triệu USD, vượt 20% kế hoạch năm; hoàn thành các chỉ tiêu về số huyện và xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm… Những kết quả đạt được của tỉnh nhà trong năm 2021 là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của Quảng Ngãi trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
PV: Để đạt được những kết quả đó, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, bà thấy bản thân cũng như tập thể lãnh đạo của địa phương đã vượt qua những thách thức, khó khăn gì?
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân: Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy giảm nghiêm trọng; kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ngãi cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết là tác động bất lợi của đại dịch đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tăng trưởng ở một số ngành chậm lại. Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Nguồn lực của tỉnh còn hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch và thực hiện nhiệm vụ khôi phục, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch. Bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh trong nông nghiệp liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại nặng nề về sản xuất, đời sống người dân…
Trước những việc chưa có tiền lệ, tôi cùng với tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy luôn đoàn kết, thống nhất kịp thời đề ra các chủ trương, phương châm, giải pháp phòng, chống dịch bệnh, thiên tai phù hợp; đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và lưu thông hàng hóa, bảo đảm hoàn thành "mục tiêu kép" theo chủ trương của Chính phủ ở mức cao nhất; yêu cầu cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành đoàn kết, thực hiện nhất quán mục tiêu với "quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa".
PV: Là người đứng đầu cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND tỉnh, bà thấy điều gì tâm đắc và mong muốn thực hiện thời gian tới?
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân: Là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tỉnh, tôi rất quan tâm, trăn trở đối với sự phát triển của tỉnh nhà. Luôn kỳ vọng thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các phương hướng, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XX, đặc biệt là 4 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá, Đảng bộ tỉnh sẽ thực hiện theo phương châm "đồng tâm, đồng lòng, đồng sức, đồng bộ và đồng mục tiêu". Cụ thể:
- (1) Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; (2) Cải cách hành chính, nâng cao thứ hạng các chỉ số về cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; (3) Đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. (4) Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi.
- (1) Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp. (2) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. (3) Đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực cho phát triển.
Nhận thức được tầm quan trọng này, ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành 3 kết luận, 5 nghị quyết chuyên đề cụ thể hóa thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá được Nghị quyết Đại hội XX đề ra. Trong thời gian tới, Tỉnh ủy sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện và định kỳ sơ kết đánh giá kết quả thực hiện, giải quyết những tồn tại, vướng mắc; bổ sung những giải pháp, chủ trương cho phù hợp với tình hình. Tôi xin nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
(1) Lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền khẩn trương cụ thể hóa, thể chế hóa, ban hành các cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả các kết luận, nghị quyết chuyên đề phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị và yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.
(2) Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công tác lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, chú trọng việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường để sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
(3) Khẩn trương chỉ đạo xây dựng Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Tỉnh đang rất khó khăn về nguồn lực đầu tư. Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, ngoài việc xác định nguyên tắc, cơ cấu phân bổ nguồn lực để thực hiện, không có cách nào khác là phải đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, nỗ lực từ nội tại. Do vậy, cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư theo hướng công khai, minh bạch, nhanh, gọn, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi và cải thiện năng lực cạnh tranh của tỉnh để thu hút các nguồn lực từ các thành phần kinh tế vào đầu tư phát triển.
(4) Đối với công tác xây dựng Đảng, bên cạnh triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ đã được xác định, trong năm 2022, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kết luận số 563-KL/TU ngày 27/7/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, khắc phục sự chồng chéo và những bất hợp lý; Kết luận số 298-KL/TU ngày 13/4/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Thực hiện điều động, luân chuyển, bố trí, sắp xếp, kiện toàn cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tiếp tục quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021. Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án lựa chọn, hỗ trợ đào tạo, quy hoạch, theo dõi, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tương lai cho hệ thống chính trị của tỉnh cho 5 năm, 10 năm, 20 năm tới; Đề án điều động, luân chuyển cán bộ, nhất là cán bộ trẻ có năng lực, triển vọng, trong quy hoạch để rèn luyện qua thực tiễn trong nhiệm kỳ 2020 - 2025; Đề án tạo nguồn và phát triển cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.
Tôi tin tưởng rằng với những cố gắng, nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng thuận, phấn đấu của các tầng lớp nhân dân, tỉnh Quảng Ngãi sẽ đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra và sớm trở thành tỉnh phát triển khá của vùng miền Trung.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!