Xã Hương Bình (mới), tỉnh Hà Tĩnh những ngày tháng 7, nắng như đổ lửa. Trong cái nắng oi ả ấy, trang trại nấm bào ngư của Hợp tác xã (HTX) Nấm bào ngư Hải Yến vẫn đang tất bật chuẩn bị cho vụ mới. Dưới những nhà màng được che chắn cẩn thận, hàng vạn bịch phôi nấm được chăm sóc kỹ lưỡng, hứa hẹn một mùa thu hoạch bội thu khi thời tiết thuận lợi trở lại.
Toàn cảnh trụ sở và khu sản xuất của Hợp tác xã Nấm bào ngư Hải Yến (xã Hương Bình mới, tỉnh Hà Tĩnh).
Năm 2015, khi vừa tốt nghiệp Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) ngành Công nghệ thực phẩm, chị Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1991, hiện là Giám đốc HTX Nấm bào ngư Hải Yến) đứng trước nhiều ngã rẽ. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, mẹ làm ruộng, bố đi rừng, bản thân chị Yến cũng một phần được tiếp sức nhờ việc vay vốn ưu đãi để học đại học.
Bạn bè cùng trang lứa rủ nhau lên thành phố tìm kiếm cơ hội, nhưng chị Yến lại chọn về quê hương tại thôn Bình Hải, xã Hương Bình (mới) (trước đây thuộc xã Hương Bình, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) - một quyết định mà nhiều người cho là "ngược dòng" vì đất đai ở đây không thuận lợi để trồng các loại cây đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao.
Chị Nguyễn Thị Hải Yến, Giám đốc HTX Nấm bào ngư Hải Yến kiểm tra các bịch phôi nấm bào ngư.
Tuy nhiên, điều mà chị Hải Yến nhận thấy lại là một tiềm năng khổng lồ khác: Rơm rạ từ sản xuất nông nghiệp lại bỏ đi rất nhiều. "Lúc đó, tôi nghĩ, tại sao mình không tận dụng những phế phẩm này để tạo ra giá trị?", chị Hải Yến chia sẻ.
Với kiến thức được trang bị ở nhà trường, chị Hải Yến tìm hiểu và nhận thấy nấm bào ngư dễ trồng, có thể tận dụng rơm rạ làm giá thể. Ý tưởng vừa tạo thu nhập cho gia đình, vừa tạo việc làm cho bà con địa phương nhen nhóm trong tâm trí cô gái trẻ.
Người lao động sơ chế rơm rạ làm giá thể trồng nấm bào ngư tại HTX.
Ban đầu, mọi thứ đều thủ công và quy mô rất nhỏ, chỉ khoảng 50m². Chị Yến tự mày mò, nghiên cứu, đối mặt với không ít thất bại. Có những lúc nấm không nhú ra, có lúc bị nhiễm bệnh, tưởng chừng phải bỏ cuộc. Nhưng với niềm tin vào hướng đi của mình, chị vẫn kiên trì.
"Thấy hiệu quả dần, tôi quyết định thành lập tổ hợp tác, rồi phát triển thành HTX Nấm bào ngư Hải Yến", chị Hải Yến kể lại. Năm 2021, sau 7 năm hoạt động theo mô hình tổ hợp tác, HTX Nấm bào ngư Hải Yến chính thức ra đời với 12 thành viên, chủ yếu là phụ nữ địa phương.
Từ khởi đầu khiêm tốn với chỉ 50m² trồng nấm, đến nay HTX của chị Hải Yến đã mở rộng quy mô lên 600m², sản xuất khoảng 20 tấn nấm mỗi năm. Đáp ứng nhu cầu mở rộng, chị đầu tư máy sấy, lò hấp phôi nấm công suất từ 500 đến 2.000 bịch, với tổng chi phí khoảng 80 triệu đồng. Tính chung, tổng vốn đầu tư vào mô hình đến nay đã lên tới 1,2-1,3 tỷ đồng, chủ yếu từ vốn vay ngân hàng và sự đóng góp của các thành viên HTX.
Hoạt động ổn định, HTX hiện tạo việc làm cho khoảng 10 lao động thời vụ và một kế toán làm thường xuyên, với mức thu nhập trung bình từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. So với làm ruộng hay chăn nuôi thường nhiều rủi ro do dịch bệnh, nghề trồng nấm mang lại công việc ổn định hơn, góp phần cải thiện đáng kể thu nhập cho phụ nữ nông thôn, nhất là những người không thể đi làm xa.
Trang trại trồng nấm bào ngư của HTX đã mở rộng từ 50m² lên 600m², sản xuất khoảng 20 tấn mỗi năm.
Trong số những người gắn bó lâu dài với HTX có bà Trần Thị Hậu, hiện là Phó Giám đốc HTX. Bà Hậu chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Từ khi chuyển sang trồng nấm, đến năm nay đã chính thức thoát nghèo".
Bà Hậu nói tiếp: "Giờ thu nhập ổn định hơn rất nhiều, mỗi tháng cũng được vài chục triệu đồng, nhất là vào mùa cao điểm, sản lượng có thể đạt tới 8 tấn. Hiện gia đình tôi duy trì trồng khoảng 2-3 vạn bịch nấm mỗi lứa. Sau khi thu hoạch, chúng tôi thuê xe tải, xe khách chở đi tiêu thụ khắp nơi".
Bà Trần Thị Hậu, Phó Giám đốc HTX, người đã thoát nghèo nhờ trồng nấm và nay có thu nhập ổn định.
Bà Hậu tâm sự, từ chỗ làm nhỏ lẻ, nay nấm đã trở thành "trụ cột" kinh tế của gia đình, giúp bà nuôi 5 người con ăn học, trong đó có 4 người đã tốt nghiệp đại học. "Tôi mong hợp tác xã ngày càng phát triển để giúp thêm nhiều chị em lúc nông nhàn, đặc biệt là những người hoàn cảnh khó khăn có cơ hội thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống".
Không dừng lại ở vai trò một giám đốc HTX, chị Yến còn là thành viên Ban Thường vụ Hội LHPN xã Hương Bình mới (trước là Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Bình cũ), nơi chị có điều kiện kết nối, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp và hỗ trợ nhiều chị em khác cùng làm kinh tế. Nhiều phụ nữ đến học hỏi mô hình, lấy phôi về trồng, hoặc làm đại lý phân phối sản phẩm của HTX.
Với mong muốn phát triển mô hình trồng nấm theo hướng bền vững và lan tỏa giá trị cộng đồng, hiện nay chị Yến đang từng bước đẩy mạnh liên kết kinh tế. HTX do chị làm Giám đốc không chỉ cung cấp phôi giống, bao tiêu đầu ra cho các hộ liên kết mà còn chủ động mở rộng kênh tiêu thụ qua website (namhaiyen.com), các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, TikTok và các kênh mạng xã hội như Facebook, YouTube.
Đồng thời, chị tích cực tham gia hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh để quảng bá thương hiệu. Mục tiêu của chị là trong 3 năm tới, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/năm, góp phần khẳng định vị thế của nấm bào ngư Hải Yến trên thị trường.
Chị Yến mở rộng tiêu thụ nấm bào ngư qua các sàn thương mại điện tử.
Nhờ cách làm bài bản, sáng tạo, sản phẩm của chị đã vượt ra khỏi phạm vi địa phương, hiện diện tại nhiều xã, phường và được người tiêu dùng tại các tỉnh, thành như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh tin tưởng lựa chọn. HTX cũng đang tiếp cận các thị trường tiềm năng khác như Hà Nội, Huế, Quảng Bình…
Không dừng lại ở đó, chị Yến đang ấp ủ kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. "Tôi dự định mở thêm xưởng mới, đầu tư thêm máy móc, đa dạng hóa sản phẩm. Hiện tôi đang huy động vốn từ các thành viên và tìm kiếm nguồn hỗ trợ từ chương trình phát triển nông nghiệp. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, tôi rất mong muốn mô hình này sẽ tiếp thêm động lực cho nhiều phụ nữ nông thôn, giúp họ làm chủ sinh kế và làm giàu ngay tại quê nhà", chị Yến bày tỏ.
Tuy vậy, con đường phía trước vẫn còn không ít thách thức. Theo chị Yến, trở ngại lớn nhất hiện nay là thiếu vốn và thiết bị sản xuất. HTX vẫn chủ yếu làm thủ công, chưa có máy sấy lạnh, máy đóng gói – những thiết bị có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường, thậm chí hướng tới xuất khẩu.
Trước đây, chị từng vay 400 triệu đồng từ Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh để mở rộng sản xuất, mỗi tháng phải trả lãi gần 1 triệu đồng. "Mùa nắng nóng sản lượng nấm rất thấp, gần như không có thu. Nhưng tôi vẫn kiên trì vì tin rằng đây là hướng đi bền vững, chỉ cần đầu tư đúng và đủ thì chắc chắn sẽ thành công", chị Yến chia sẻ.
Chính từ quyết tâm ấy, mô hình trồng nấm bào ngư không chỉ giúp gia đình chị ổn định cuộc sống mà còn tạo sinh kế, thu nhập cho nhiều hộ dân xung quanh – trong đó có cả những người yếu thế, hoàn cảnh khó khăn. Chị Hải Yến là một trong những điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2021-2025, góp phần thiết thực vào mục tiêu giảm nghèo bền vững ngay tại cộng đồng.