pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Bộ đội biên phòng phải là lực lượng vũ trang nòng cốt"
CBCS Biên phòng hướng dẫn cách đeo khẩu trang y tế đúng chuẩn cho người dân trên địa bàn phường Ka Long, TP Móng Cái, Quảng Ninh. Ảnh minh họa
Sáng nay 19/6, Quốc hội dành thời gian thảo luận về Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. ĐB Lê Thị Nguyệt khẳng định sự cần thiết ban hành luật này. Trong đó, cần coi nhân dân là chủ thể, đồng thời đề cao vai trò quan trọng của bộ đội biên phòng với tư cách là lực lượng vũ trang nòng cốt.
"Đây là một thành phần của Bộ Quốc phòng, nên coi đây là lực lượng nòng cốt chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Dự thảo luật đã được xác định nhiệm vụ, trong đó lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng là quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia có vị trí đặc biệt quan trọng" - ĐB Lê Thị Nguyệt nhấn mạnh.
Cũng theo ĐB Lê Thị Nguyệt, việc xác định nhân dân là chủ thể tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia xuất phát từ quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Đồng thời thể chế mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, phương châm chỉ đạo của chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia đó là xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể quản lý.
"Bảo vệ biên giới quốc gia phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể. Mỗi người dân biên giới là cột mốc, sống dựa vào dân, phát huy sức mạnh của toàn dân, bảo vệ biên giới quốc gia là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân", ĐB Lê Thị Nguyệt bày tỏ.
Nhấn mạnh vai trò nòng cốt của lực lượng biên phòng, ĐB Lê Thị Nguyệt cho rằng, bộ đội biên phòng là lực lượng chuyên trách được thể chế từ chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, là quân chủng của Bộ Quốc phòng và lực lượng chuyên trách cách mạng, chính quy. Bên cạnh đó, Luật Biên giới quốc gia cũng quy định rõ, bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt chuyên trách phối hợp với công an nhân dân và các ngành hữu quan.
"Như vậy biên phòng trong lực lượng vũ trang phải là nòng cốt chứ không phải là có lúc làm chủ và có những đơn vị phối hợp. Chúng ta cần làm rõ điều này trong dự thảo luật để thấy được nòng cốt của bộ đội biên phòng, từ đó có cơ sở thiết kế được các chính sách liên quan đến lực lượng tham gia thực thi nhiệm vụ biên phòng và bộ đội biên phòng một cách cụ thể hơn trong các quy định về chính sách", ĐB Lê Thị Nguyệt đề xuất.
Một số ĐBQH cũng thể hiện sự đồng tình với ý kiến này khi cho rằng, thực tiễn trong hoạt động bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Bộ đội Biên phòng có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. ĐB Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nhấn mạnh, đây là một thành phần của Bộ Quốc phòng, lực lượng nòng cốt chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới đất liền, vùng biển đảo.
Đặc biệt trong đại dịch Covid-19 vừa qua, Bộ đội Biên phòng là một trong những lực lượng nòng cốt phối hợp chặt chẽ với các đơn vị địa phương ngăn chặn hiệu quả việc lây lan dịch bệnh qua biên giới.
"Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã cắm trại liên tục nhiều tháng liền, vợ sinh, cha, mẹ mất cũng không được về, cưới hỏi phải hủy nhiều lần... Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khó khăn, thiếu thốn về vật chất nhưng các đồng chí đã giữ vững tinh thần quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao", ĐB Dương Tấn Quân nói.
ĐB Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) cũng cho rằng, dự thảo luật chưa xác định đúng vị trí, vai trò của lực lượng bộ đội biên phòng khi quy định rằng bộ đội biên phòng chỉ là lực lượng chuyên trách mà không phải là lực lượng nòng cốt.
"Khi nói đến thực thi nhiệm vụ biên phòng, lực lượng nòng cốt phải là bộ đội biên phòng, soi rọi vào 9 nhiệm vụ biên phòng được quy định tại Điều 5 của dự thảo luật và từ thực tiễn cho thấy lực lượng chủ chốt được giao nhiệm vụ thực hiện tất cả những nhiệm vụ đó chính là Bộ đội Biên phòng, đó là những công việc hằng ngày của lực lượng này", đại biểu này phân tích.
ĐB Phùng Văn Hùng nhấn mạnh, thực hiện nhiệm vụ biên phòng còn có nhiều chủ thể khác nhau nhưng bộ đội biên phòng phải là nòng cốt, phải là lực lượng chủ chốt.
Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam gồm 7 chương, 33 điều quy định những nội dung cơ bản về nhiệm vụ biên phòng, lực lượng và phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; hợp tác quốc tế về biên phòng; lực lượng bộ đội biên phòng; bảo đảm và chế độ chính sách về biên phòng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng...
Mục tiêu của dự thảo Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng về biên giới quốc gia, trong đó có Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính thống nhất với các luật hiện hành; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh bộ đội biên phòng và các văn bản pháp luật khác có liên quan, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ đội biên phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.