pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bỏ mặc con cái có bị tước quyền nuôi con?
Bé trai 3 tuổi T.N.A.T nghi bị bạo hành, ép hít ma túy
Theo luật sư Hoàng Thị Kim Nhung, Đoàn Luật sư TPHCM, Phó Giám đốc công ty luật TNHH Hoa Sen, từ vụ việc bé trai 3 tuổi nghi bị bạo hành, ép hít ma túy tại TPHCM, sẽ xác định hành vi vi phạm liên quan đến quyền trẻ em của những người liên quan.
"Bé trai 3 tuổi T.N.A.T, sinh năm 2020 nghi bị hành hạ, ngược đãi. Căn cứ vào Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, Luật Trẻ em 2016 để nhận định rằng, trẻ bị đe doạ và xâm phạm quyền trẻ em trầm trọng hoặc có nguy cơ bị xâm phạm các quyền trẻ em như quyền được sống, được bảo vệ, chăm sóc trong tương lai, thì người cha ruột, hoặc người thân thích của trẻ, có thể khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết để giành quyền nuôi con từ người mẹ", luật sư Hoàng Thị Kim Nhung cho biết.
Tại khoản 2, Điều 68 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về việc Bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con, như sau: Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
Tại khoản 1, khoản 2 Điều 69 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ, như sau:
1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Cũng theo luật sư Hoàng Thị Kim Nhung, con cái có Quyền và nghĩa vụ theo Quy định tại Điều 70 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 như sau: Được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức.
Hay nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng được quy định tại Điều 71 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Luật Trẻ em năm 2016 cũng quy định rõ về các hành vi của cha mẹ, người giám hộ bị nghiêm cấm khi nuôi dưỡng trẻ em như sau:
Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm của Luật Trẻ em quy định, nghiêm cấm các hành vi:
1. Tước đoạt quyền sống của trẻ em.
2. Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
3. Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em.
4. Tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn.
5. Sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
6. Cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình.
…
9. Bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em.
"Như vậy, có thể thấy hành vi của chị N.T.N và người tình của chị này là Lê Văn Bậm (đã bị tạm giữ hình sự) trong trường hợp này có thể coi là hành vi "bỏ rơi", "bỏ mặc" trẻ em trong một môi trường nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng, sự phát triển nhân cách và hình ảnh của trẻ. Ngoài ra, nếu có căn cứ xác định đúng đã xảy ra hành vi của chị N.T.N và Lê Văn Bậm về việc rủ rê, dụ dỗ trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, cho trẻ sử dụng chất gây nghiện, thì hành vi của các đối tượng trên đủ để cấu thành về tội phạm liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật trên", luật sư Hoàng Thị Kim Nhung phân tích.
Xác định việc có căn cứ để tước quyền nuôi con của người mẹ
Luật sư Hoàng Thị Kim Nhung đưa ý kiến: Trên thực tế, các quy định của pháp luật luôn đảm bảo ưu tiên quyền lợi cho con trẻ về mọi mặt bao gồm mặt thể chất và mặt tinh thần. Theo đó, vợ/chồng muốn giành quyền nuôi con cần phải đáp ứng các điều kiện về vật chất và tinh thần cho con. Cụ thể:
Các điều kiện về vật chất bao gồm: Điều kiện về chỗ ở; Điều kiện để học tập; Điều kiện về thu nhập;…
Các điều kiện về tinh thần đảm bảo quyền lợi cho con gồm: Điều kiện về thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng con; Điều kiện sức khỏe để nuôi con; Các yếu tố về đạo đức; tình cảm dành cho con; học vấn, văn hóa; không có tiền án, tiền sự;…
Trong vụ việc bé trai 3 tuổi nghi bị bạo hành, ép hít ma túy, người cha ruột của bé là anh Trần Minh Tài có thể giành quyền nuôi con từ tòa án bằng cách khởi kiện một vụ án giành quyền nuôi con từ người mẹ.
Để đảm bảo vụ kiện có căn cứ theo quy định pháp luật, anh Trần Minh Tài cần chứng minh các điều kiện để giành quyền nuôi con, cũng như chứng minh lỗi của người mẹ hoặc việc vi phạm nhân cách, đạo đức, lối sống đồi trụy của người mẹ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của con trai mình sau này.
Các chứng cứ chứng minh điều kiện giành quyền nuôi con khi ly hôn
Theo luật sư Hoàng Thị Kim Nhung, để chứng minh điều kiện nuôi con, vợ/chồng cần giao nộp các tài liệu, chứng cứ để được tòa án xem xét. Các chứng cứ chứng minh điều kiện giành quyền nuôi con có thể gồm: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà; Hợp đồng thuê nhà dài hạn; Hợp đồng lao động; Thang, bảng lương; sao kê tài khoản, thu nhập; sổ tiết kiệm;…
Ngoài các tài liệu, chứng cứ chứng minh bản thân đủ điều kiện để đảm bảo quyền lợi mọi mặt cho con, vợ/chồng có thể cung cấp các tài liệu, chứng cứ chứng minh bên còn lại không đủ điều kiện nuôi con như: Chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm quyền, nghĩa vụ của cha mẹ đối với con; Chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm nghĩa vụ vợ chồng như: Ngoại tình; bạo lực gia đình; Chứng cứ chứng minh bên vợ/chồng không đủ điều kiện về kinh tế, sức khỏe, đạo đức để nuôi con…