Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, khẩu phần dinh dưỡng canxi của người Việt còn nghèo nàn, chỉ đạt khoảng 500mg canxi/người/ngày, trong khi nhu cầu canxi của 1 người bình thường là 1.000mg/ngày, nhu cầu canxi ở phụ nữ có thai là 1.200mg/ngày, phụ nữ cho con bú là 1.300mg/ngày. Lượng canxi nạp vào chưa đủ đáp ứng nhu cầu khiến nhiều người bị thiếu canxi trường diễn. Thực tế, trải qua 30 năm, tính từ năm 1985 đến nay, khẩu phần canxi mới chỉ đáp ứng được khoảng 57%-64% nhu cầu của mỗi người trong 1 ngày. Phụ nữ và trẻ em cần canxi nhiều hơn, tuy nhiên 2 đối tượng này vẫn thiếu canxi trầm trọng.
Cũng theo PGS.TS Lê Bạch Mai, dù đời sống đã bớt khó khăn, lượng thịt, cá, trứng được tiêu thụ tăng lên nhưng lượng canxi trong khẩu phần vẫn chưa được cải thiện do nhiều nguyên nhân. Cụ thể là thói quen ăn mặn khiến tăng đào thải canxi, xu hướng sử dụng nước uống có ga tăng (chỉ tính riêng từ năm 2005 đến năm 2009, việc tiêu thụ nước có ga đã tăng gấp đôi) khiến lượng canxi được “nạp” vào vốn ít ỏi lại bị đào thải nhiều ra ngoài. Lý do là nước có ga đẩy canxi ra khỏi cơ thể là chúng làm toan hóa máu, toan hóa nước tiểu và như vậy, canxi sẽ bị đào thải.
Thói quen ăn mặn hay uống nước có gas đào thải canxi ra khỏi cơ thể
Nguy hại cho thai phụ
Với nhu cầu cao về lượng canxi trong thai kỳ, nếu phụ nữ có thai mà thiếu canxi thì cơ thể sẽ tự huy động canxi dự trữ từ xương để cung cấp cho thai nhi. Vì thế, bản thân người mẹ sẽ có nguy cơ giảm mật độ xương, gây loãng xương; thai nhi do không được cung cấp đủ canxi cũng dễ bị còi xương, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, sức khỏe và chiều cao sau này.
Thiếu canxi còn gây nguy cơ tăng huyết áp trong thai kỳ. Khi thiếu canxi trong khẩu phần ăn sẽ gây ra hiện tượng rối loạn khoáng hóa tại xương, cơ thể sẽ giảm sức đề kháng, kém bền, dễ bị co cứng cơ, co giật các cơ... Các nghiên cứu cho thấy, thiếu canxi kéo dài trong khẩu phần ăn (dưới 600mg/ngày) có liên quan đến tăng huyết áp và ung thư ruột.
Phụ nữ có thai, trẻ em và người già nên có chế độ ăn uống và bổ sung canxi phù hợp
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để phòng thiếu canxi, trẻ em và kể cả người lớn tuổi cần được tắm nắng (phơi nắng) hợp lý để hấp thụ vitamin D từ ánh nắng mặt trời. Trước 9h sáng là thời điểm phơi nắng lý tưởng. Vào mùa đông càng phải chú ý đến vấn đề phơi nắng. Về dinh dưỡng, cần chú ý đến một số thực phẩm có lượng canxi cao như: Cua đồng, tôm nhỏ, đậu tương, sữa... Để bảo vệ canxi trong khẩu phần, nên bỏ thói quen ăn mặn, hạn chế sử dụng nước uống có ga. Một số đối tượng đặc biệt như phụ nữ có thai, cho con bú, người già bị loãng xương và có nguy cơ bị loãng xương có thể phải bổ sung canxi trực tiếp theo chỉ định của bác sĩ, mục đích để em bé có đủ canxi từ mẹ và ở người già thì hạn chế được bệnh loãng xương.
Ngoài ra, mọi người cần tăng cường hoạt động thể lực ngoài trời. Đi bộ dưới ánh nắng sẽ giúp tổng hợp vitamin D và canxi rất tốt, giúp xương chắc khỏe, cơ thể dẻo dai.
Hàm lượng canxi trong 100g thực phẩm - Cua đồng: 5.040mg - Tôm nhỏ: 910mg - Cá dầu: 527mg - Sữa tươi: 120mg - Đậu tương: 165mg - Rau đậu: 60mg - Thịt: 50mg |