pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bộ trưởng Bộ Y tế nói lý do số ca mắc Covid-19 vẫn tăng
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo với các địa phương. Ảnh: VGP
Chiều ngày 5/9, Chính phủ đã tổ chức cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong giai đoạn giãn cách xã hội và tăng cường thực hiện giãn cách xã hội tại 23 địa phương đã ghi nhận 169.703 ca mắc Covid-19. Hiện nay, số ca mắc mới theo ngày tiếp tục tăng do các địa phương đang thực hiện đợt cao điểm xét nghiệm tầm soát trên diện rộng. So với 1 tuần trước, 7/23 địa phương có số mắc mới trong tuần tăng, trong đó TP. Hồ Chí Minh tăng 9.835 ca (31%).
Cũng theo ông Long, có 16 địa phương ghi nhận số mắc giảm so với tuần trước, gồm Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Yên, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau. Trong đó, có 8 tỉnh: Hậu Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Đồng Nai, Đồng Tháp, Phú Yên, Vĩnh Long, Khánh Hòa, tỷ lệ nhiễm tại cộng đồng giảm liên tục trong 14 ngày qua.
Về kết quả thực hiện tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trên cơ sở các tiêu chí kiểm soát dịch theo hướng dẫn tại Quyết định số 3979/QĐ-BYT và Quyết định số 3989/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 18/8/2021, hiện có 3 nhóm địa phương:
Nhóm 1 gồm 8 địa phương: Sóc Trăng, Bình Phước, Bến Tre, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Nai, Phú Yên, Bình Phước, Phú Yên đang kiểm soát tốt dịch bệnh.
Nhóm 2 gồm 11 địa phương: Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch.
Nhóm 3 gồm 4 địa phương: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Tiền Giang. Nhóm này cần tiếp tục nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch để có thể thực hiện được các tiêu chí kiểm soát dịch.
Về công tác y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, công tác xét nghiệm tiếp tục được đẩy mạnh, trong tuần cả nước đã thực hiện xét nghiệm RT-PCR cho 7.228.897 lượt người. Tính đến ngày 4/9, cả nước đã thực hiện xét nghiệm RT-PCR được 42.517.091 lượt người. Trong đó, từ ngày 27/4 đến nay đã xét nghiệm RT-PCR cho 38.990.152 lượt người.
Ngoài ra, các địa phương đang thực hiện tăng cường giãn cách xã hội cũng đẩy mạnh việc xét nghiệm nhanh trên diện rộng. Trong đó, Bình Dương đã xét nghiệm cho 4,5 triệu người; TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm nhanh cho hơn 3,3 triệu người; tại Đồng Nai là khoảng 2,6 triệu lượt người, tại Long An là hơn 1 triệu người.
Về công tác điều trị, Bộ Y tế cho biết đã huy động tổng lực ngành y tế cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam; điều động số lượng lớn nhân lực y tế với hơn 16.000 người (gồm gần 200 lãnh đạo, chuyên viên của Bộ Y tế; trên 5.000 cán bộ y tế từ các bệnh viện, viện; gần 7.600 giảng viên, sinh viên từ các trường y dược, trên 2.000 cán bộ y tế địa phương các lực lượng y tế công an quân đội); Bộ Y tế cũng đã điều động, phân bổ và cấp xuất hàng nghìn trang thiết bị, máy thở, vật tư, thuốc cho các địa phương đang chống dịch.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, với việc thiết lập và vận hành hiệu quả các trung tâm hồi sức (gồm 11 Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 tại phía Nam, riêng TP. Hồ Chí Minh là 6 Trung tâm) điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch; kết hợp với mở rộng và nâng cao năng lực các tầng điều trị, tăng cường hiệu quả công tác điều phối chuyển tuyến và triển khai điều trị tại nhà, công tác điều trị đã có những kết quả tích cực trong việc hạn chế các trường hợp tử vong, nhất là các trường hợp điều trị tại tầng 3.
Về công tác tiêm chủng, đến nay cả nước đã tiêm được 21.523.792 liều, đạt gần 30% số người từ 18 tuổi trở lên; trong đó 15.112.140 người tiêm 1 liều và hơn 3.205.826 người tiêm đủ 2 liều vaccine. Đến ngày 4/9, số người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine tại một số địa phương như sau: TP. Hà Nội (3.026.125 liều, đạt 52,7%); TP. Hồ Chí Minh (6.130.000 liều, đạt 88,0%),... Hiện tại, ngành y tế vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng nhằm nhanh chóng đạt mục tiêu 70% dân số được tiêm vaccine ngừa Covid-19.