Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Không cần thiết phải tiếp tục cách ly toàn quốc

PV
15/04/2020 - 17:49
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Không cần thiết phải tiếp tục cách ly toàn quốc
Tại buổi họp Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19 chiều nay 15/4, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, việc phòng chống dịch đã có kết quả bước đầu, không cần thiết phải tiếp tục cách ly toàn quốc; đồng thời đề xuất kéo dài cách ly xã hội với 12 tỉnh có "nguy cơ cao" lây nhiễm Covid-19.

Chiều nay 15/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi họp Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19. Phát biểu tại buổi họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, sau 2 tuần thực hiện cách ly xã hội, số ca nhiễm đã giảm sâu so với 10 ngày trước đó. Tuy nhiên, tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Bày tỏ đồng tình với việc phân chia các tỉnh, thành ra các nhóm, đặc biệt là nhóm "nguy cơ cao" và nhóm "có nguy cơ" lây nhiễm Covid-19 để có những biện pháp ứng phó phù hợp, kịp thời, ông Mai Tiến Dũng cũng đề nghị tiếp tục kéo dài thời gian cách ly xã hội với 12 địa phương trong nhóm "nguy cơ cao" lây nhiễm Covid-19 đến hết ngày 22/4.

Dù vậy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu quan điểm: "Không nhất thiết phải tiếp tục cách ly toàn quốc". Bởi ở những địa phương có nguy cơ lây nhiễm thấp, thì dù không cách ly xã hội, người dân vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống như đeo khẩu trang, không tụ tập đông người…

Theo ông Mai Tiến Dũng, với các địa phương nguy cơ lây nhiễm thấp có thể giảm dần mức độ cách ly xã hội; có thể cho các cửa hàng hoạt động trở lại nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp phòng chống lây lan bệnh dịch như giới hạn số khách, không tụ tập quá 10 người, khoảng cách tiếp xúc trên 2m...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng: Không cần thiết phải tiếp tục cách ly toàn quốc - Ảnh 1.

Nhiều địa phương kiến nghị xem xét mở dần một số hoạt động thiết yếu ít có nguy cơ lây nhiễm. Ảnh minh họa

Cũng tại phiên họp trực tuyến này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết từ khi thực hiện Chỉ thị 16, thành phố chỉ tăng 5 ca nhiễm mới và có 12 ngày không có ca nhiễm mới, giảm 88% so trước đó 15 ngày. Điều đó cho thấy, việc thực hiện "cách ly xã hội" đã có kết quả tích cực.

Bên cạnh việc nêu cao tinh thần tuyệt đối không lơ là mất cảnh giác, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa, ông Nguyễn Thành Phong cũng kiến nghị xem xét mở dần một số hoạt động thiết yếu ít có nguy cơ lây nhiễm. Các cơ sở đó phải đáp ứng được bộ tiêu chí kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ, đồng thời giao cho chính quyền địa phương giám sát. Qua đó thực hiện được mục tiêu kép, vừa phòng chốn dịch vừa kích thích kinh tế trong bối cảnh chưa xác định được thời điểm kết thúc dịch.

Trong buổi họp chiều nay 15/4, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 kiến nghị Thủ tướng phân loại các địa phương theo 3 nhóm: Nhóm có nguy cơ cao, nhóm có nguy cơ và nhóm nguy cơ thấp để có biện pháp phòng chống dịch.

Theo đó, nhóm nguy cơ cao gồm 12 tỉnh/ thành: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình (Trường Yên), Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Hà Tĩnh. Ban Chỉ đạo đề xuất tiếp tục thực hiện nghiêm tất cả các nội dung Chỉ thị 16, áp dụng cách ly xã hội với các tỉnh/thành này đến hết ngày 22/4/2020.

Bên cạnh đó, có 15 tỉnh thuộc nhóm "có nguy cơ", gồm: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp. Các tỉnh còn lại là thuộc nhóm "nguy cơ thấp".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm