Bữa ăn gia đình giúp trẻ giao tiếp, ứng xử tốt hơn

18/12/2017 - 11:33
Đã có bằng chứng chứng minh trẻ em thường xuyên ăn chung những bữa cơm cùng gia đình sẽ có khả năng giao tiếp, kỹ năng xã hội và mức độ khỏe mạnh tốt hơn.

Theo PGS-TS Lê Ngọc Văn, Viện Gia đình và Giới: “Bữa ăn gia đình có tầm quan trọng rất lớn với cuộc sống gia đình. Bữa ăn gia đình luôn là vấn đề để đoàn tụ, khi có vấn đề gì vui thì chúng ta phải liên hoan, bạn bè gặp nhau, cơ quan tổ chức sự kiện thì cần tổ chức bữa cơm thân mật, như đám cưới cũng cần có bữa cơm thân mật, ăn cơm cùng nhau – tức là chúng ta chia sẻ tình cảm yêu thương, gắn bó, đồng thời có điều kiện để giao tiếp với nhau. Trong cuộc sống hiện đại, ta càng cần phải có những bữa cơm gia đình bởi ai cũng bận rộn, vợ làm công việc của vợ, chồng làm việc của chồng, con thì suốt ngày đi học. Bữa cơm chung chính là điều kiện để gặp gỡ nhau để chia sẻ với nhau về công việc, tình cảm, tâm tư, nguyện vọng… tất cả các thứ".

Theo PGS-TS Lê Ngọc Văn: "Đặc biệt, đối với giáo dục con cái, bữa cơm càng cần thiết, qua đó không chỉ tăng cường tình đoàn kết gia đình, yêu thương, chia sẻ, chăm sóc lẫn nhau mà còn là nơi để dạy con về giao tiếp, ứng xử… và hoàn thiện nhân cách".

Với bạn trẻ Nguyễn Thị Kiều Oanh, sinh viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: “Em rất thích làm các bữa ăn gia đình. Theo em, nó giúp mỗi người cảm thấy được sống hạnh phúc hơn, giúp cho thế hệ trước có điều kiện dạy dỗ thế hệ sau những truyền thống tốt đẹp của gia đình. Trong bữa ăn, người lớn trong nhà dạy em rất nhiều điều về những phép tắc không chỉ trong cuộc sống mà còn trong ăn, uống, cư xử như "ăn trông nồi, ngồi trông hướng…".

Trên thế giới, theo tờ UPI mới đây đã dẫn nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Đại học Montreal (Canada) cho rằng bữa ăn gia đình mang lại nhiều lợi ích sức khỏe thể chất và tâm thần.

“Sự hiện diện của ba mẹ trong giờ ăn có thể cung cấp cho con trẻ sự tương tác xã hội trực tiếp, các cuộc trao đổi về những vấn đề xã hội và những mối quan tâm thường nhật”, tác giả nghiên cứu Linda Pagani giải thích.

Theo nghiên cứu, tại bàn ăn của gia đình, trẻ học được những tương tác xã hội trong một bối cảnh tương tự và an toàn về mặt xúc cảm. 

“Việc trải nghiệm những hình thức giao tiếp tích cực có thể giúp trẻ tiếp xúc tốt hơn với những người bên ngoài đơn vị gia đình”, bà Pagani nói thêm.

Bà Pagani và các cộng sự đã sử dụng dữ liệu từ cuộc Nghiên cứu về phát triển trẻ em Quebec, được thực hiện với trẻ em từ 5 tháng tuổi. Những trẻ này chào đời vào các năm 1997-1998 và ba mẹ chúng bắt đầu cung cấp thông tin về các bữa ăn gia đình vào lúc 6 tuổi. Ở tuổi lên 10, thông tin về những thói quen lối sống của trẻ và tình trạng sức khỏe của chúng được các bậc phụ huynh, giáo viên và chính các em cung cấp.

So với trẻ không có những bữa ăn gia đình thường xuyên vào lúc 6 tuổi, trẻ trải nghiệm những bữa ăn như vậy khỏe mạnh hơn, uống nước ngọt có ga ít hơn và có nhiều kỹ năng xã hội hơn ở tuổi lên 10.

Chúng cũng ít có nguy cơ phát sinh những vấn đề về hành vi hơn.

“Phát hiện của chúng tôi cho thấy các bữa ăn gia đình không chỉ là chỉ dấu cho chất lượng môi trường gia đình mà còn là những mục tiêu dễ dàng để các bậc cha mẹ giáo dục về việc cải thiện sức khỏe cho con trẻ”, bà Pagani nhấn mạnh. Kết quả nghiên cứu này đã được công bố trên chuyên san Journal of Developmental & Behavioral Pediatrics

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm