Bữa ăn trên nương


Phong Thu
Mộc Lan
20/10/2022 09:00

Từ tháng 9-10, những người phụ nữ dân tộc Mông ở xã Lóng Luông (Vân Hồ, Sơn La) bắt đầu mùa thu hoạch ngô. Những bữa ăn ngay trên nương của những người phụ nữ người Mông thể hiện tình đoàn kết, gắn bó trong gian khó đã được trao truyền từ đời này sang đời khác.

Mùa đổi công

Người Mông ở huyện Vân Hồ canh tác hai loài cây chính là ngô và mận. Mùa thu hoạch mận thường kéo dài từ tháng 4-5. Khác với mùa thu hoạch mận, có nghĩa là cây mận trong vườn nhà nào thì nhà nấy tự thu hái, mùa ngô bắt đầu từ tháng 9-10 và họ bắt đầu tập tục đổi công cho nhau. Hình thức lao động tập thể đổi công vẫn được những người phụ nữ Mông ở huyện Vân Hồ duy trì hơn 300 năm nay, từ khi người Mông đến vùng đất này khai khẩn, dựng bản lập làng.

Sau khi đi thăm nương ngô về, Mùa Thị Dia ở bản Lóng Luông đã tất tưởi đi quanh bản, mời hàng xóm đi trẩy ngô. Dia bảo: "Cả tuần nay tôi đi thu hoạch ngô cho làng xóm rồi, giờ đến nương ngô nhà tôi đã chín vàng, cũng phải mời chị em cùng thu hoạch". Theo cách giải thích của Dia, đổi công đã thành lệ, thành luật ở bản người Mông này. Có hai việc mà chị em người Mông ở Vân Hồ được dân bản nhờ không bao giờ được từ chối, bận mấy cũng phải đi, cũng phải tham gia là dựng nhà và thu hoạch ngô. Mùa ngô này, ở Lóng Luông, phụ nữ cả bản đổi công cho nhau, nhà nào ngô chín sớm, thì thu hoạch trước.

Bữa ăn trên nương - Ảnh 2.

Bữa ăn trên nương có cái nóng của nắng, có vị mặn của giọt mồ hôi

Nhà Dia có khoảng 2 ha ngô. Dia tính, chỉ cần mời khoảng 5 chị em trong bản, thu hoạch hai ngày là xong hết. Nương ngô ở bên kia quả núi, cách bản khoảng một tiếng đi bộ.

Sáng hôm sau, đã thấy 7 người phụ nữ tập trung ở trước nhà Dia. Dia bảo: Trong 7 người thì có 3 gia đình nhà Mùa Thị Dính, Giàng Thị Vừa, Mùa Thị Minh cử cả vợ và con gái lớn đến giúp nhà Mùa Thị Dia. Thậm chí, Giàng Thị Vừa mới đẻ con được 6 tháng cũng cõng con lên nương giúp gia đình Dia.

Bữa ăn trên nương - Ảnh 3.

Bữa ăn của hai mẹ con chị Giàng Thị Vừa

"Vắt đá" ra hạt ngô

Mùa Thị Dia cho biết, khoảng chục năm trước, cứ đến vụ thu hoạch, người Mông ở Vân Hồ thường bảo là đến "mùa ăn mồ hôi" bởi nghịch cảnh được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa. Vì thế, ngoài để ngô làm mèn mén (món ăn truyền thống của người Mông chế biến bằng hạt ngô), để nuôi lợn gà thì bán chả được bao, thậm chí còn không bù được tiền giống và phân bón.

Tuy nhiên, những năm gần đây, khi Chính phủ quy hoạch Sơn La thành tỉnh trọng điểm về sản xuất nông sản thì cây ngô ở Vân Hồ đã thoát khỏi thân phận "được mùa, mất giá - được giá, mất mùa". Với hệ thống giao thông liên kết vùng thuận tiện, hạt ngô của chị em phụ nữ Mông ở Lóng Luông chỉ thu hái xong đưa ra đến Quốc lộ 6 đã có thương lái thu mua với giá có lời.

Tuy nhiên, công việc "vắt đá" ra hạt ngô của những người phụ nữ Mông nơi đây vẫn còn nhọc nhằn. Mùa Thị Dia cho biết, mỗi khi đi nương, chị em thường quan sát những loại rau rừng để có thể chế biến cho bữa trưa. Rau tầm bóp vào mùa này mọc nhiều trên nương ngô, chị em chỉ việc hái và chế biến thành món canh cho bữa ăn trên nương mà lại không mất tiền.

Mỗi khi đi nương chị em dân tộc Mông quan sát những loại rau rừng để có thể chế biến cho bữa trưa. Chị em chuẩn bị nấu bữa cơm trưa ở bất cứ nơi đâu có bóng mát

Thông thường, Mùa Thị Dia sẽ dậy sớm, nấu cơm đùm vào gùi, trên đường lên nương ngô sẽ hái rau rừng. Cách chế biến trên nương cũng cực kỳ đơn giản, được rau gì sẽ nấu canh hổ lốn rau ấy.

Bữa ăn trên nương - Ảnh 5.

Bữa cơm trên nương của những người phụ nữ dân tộc Mông chỉ có cơm và canh rau rừng

Bữa ăn trên nương - Ảnh 6.

Sau bữa ăn, chỉ cần dăm ba thân ngô để ô cũng tạo thành bóng mát để chị em dân tộc Mông chăm con và nghỉ trưa

Hình thức đổi công vào vụ thu hoạch ngô và bữa cơm trên nương của những người phụ nữ Mông ở Vân Hồ đã thành "cái lý người Mông" bao đời nay. Những bữa ăn trên lưng núi đã giúp cho chị em dân tộc Mông bớt được thời gian đi lại vào mùa vụ. Nhìn những bữa ăn đạm bạc như thế mới thấy được sự nhọc nhằn của công việc "vắt đá" ra nông sản.

Bữa ăn trên nương - Ảnh 7.

Sau bữa ăn, chị em tranh thủ thêu thùa

Bữa ăn trên nương - Ảnh 8.