Bực tức vì kho đồng nát của mẹ chồng trong ngôi nhà sang trọng

28/05/2019 - 18:14
Từ ngày lấy chồng, tôi không phải làm dâu nên giờ đón mẹ chồng lên phụng dưỡng mới tá hoả với những xáo trộn cuộc sống.

Kết hôn hơn chục năm nay, vợ chồng tôi sống với nhau rất vui vẻ, thuận hòa. Cả hai đều kiếm được tiền, lại được gia đình tôi hỗ trợ nhiều nên sớm mua được nhà ở Hà Nội, mua ô tô, cho con học trường quốc tế. Bố mẹ chồng đều ở quê nên tôi gần như chẳng phải làm dâu ngày nào, chỉ thỉnh thoảng về chơi, biếu quà, biếu tiền.

 

Nhưng mọi thứ bắt đầu đảo lộn sau khi bố chồng tôi qua đời. Chồng tôi không nỡ để mẹ ở một mình dưới quê nên đã đón lên thành phố sống cùng. Vì chồng tôi là con một trong nhà nên tôi cũng không thể phản đối chuyện anh phụng dưỡng mẹ. Chỉ có điều, mẹ chồng có nhiều thói quen rất cổ quái lại bảo thủ, không chịu tiếp thu ý kiến của con cái khiến tôi luôn trong trạng thái căng thẳng đến phát điên mỗi khi về nhà.

 

Ai đời, nhà cao tầng mặt phố, chỗ nào cũng bóng loáng, sạch không hạt bụi mà mẹ chồng suốt ngày đi nhặt nhạnh mấy thứ chai lọ, giấy má bẩn thỉu, hôi hám về chất đống như kho chứa đồng nát trong nhà thì ai mà chịu nổi.

img20170103123634750.jpg
Mẹ chồng chăm chỉ đi nhặt đủ thứ chai lọ về chất đống trong nhà (Ảnh minh hoạ)

 

Mới đầu, khi phát hiện hành động này của mẹ chồng, tôi đã cố gắng giải thích rằng đó là việc của mấy bà đồng nát và nó không dành cho bà. Việc của bà là ở nhà xem ti vi, ăn uống, ngủ nghỉ hoặc đi dạo phố, giao lưu hàng xóm, thiếu tiền đã có con cái lo, không phải tự hành mình vì mấy cái vỏ lon vô giá trị.

 

Mà bà làm như vậy không chỉ nhọc thân mà còn khiến con cái mất mặt với những người xung quanh, ai không biết lại tưởng bà bị chúng tôi ngược đãi, bắt phải đi nhặt ve chai kiếm sống. Trong khi đó, tuần nào tôi cũng cho mẹ chồng tiền để bà ở nhà thích gì thì mua, tiêu hết tôi lại đưa chứ nào có bắt bà phải tiêu pha kham khổ.

 

Chồng tôi cũng nhiều lần góp ý nhưng mẹ chồng vẫn tiếp tục nhặt ve chai về tích, khi nào được kha khá mới chịu bán một mẻ. Mỗi mẻ cũng chỉ được mấy chục ngàn đồng. Tôi có thể cho mẹ chồng số tiền gấp 100 lần như thế để bà dẹp cái công việc đó đi nhưng con cái càng nói, bà càng không nghe, một mực làm theo ý mình.

 

Tôi ức chế đến nỗi, cứ nghĩ đến chuyện về nhà và nhìn thấy mẹ chồng là máu trong người sôi lên. Nhiều lúc, tôi ước có thể đuổi bà ra khỏi nhà để lấy lại sự bình yên, thoải mái của mình trước đây nhưng tất nhiên, không bao giờ tôi có thể làm cái điều vô đạo đức ấy.

 

Tôi chỉ còn biết trút hết mọi giận giữ lên đầu chồng dù biết bản thân anh cũng chịu nhiều áp lực. Tính mẹ tôi trước nay vẫn vậy, một khi đã thích gì thì không ai có thể thay đổi được. Ngay cả bố chồng tôi khi còn sống cũng phải lép vế nói chi chúng tôi bây giờ. Chồng tôi bảo: “Chắc có lẽ đó là cái nghiệp của mẹ, cả đời chịu khổ đến khi sướng cũng không biết đường sướng. Thôi thì cứ để mẹ thoải mái làm những gì mình thích. Mẹ cũng đâu còn sống được bao lâu”.

 

Chồng đã nói chí tình chí lý như vậy tôi còn biết làm sao ngoài việc cố gắng “bơ đi mà sống”. Nhưng mẹ chồng tôi không chỉ có mỗi vụ nhặt ve chai mà còn nhiều hành động quái đản khác xuất phát từ tính tiết kiệm quá mức của bà.

 

Nhiều đêm, tôi làm việc khuya trên máy tính, con cái học bài, chồng xem bóng đá bỗng điện tắt phụt khiến cả nhà nhốn nháo như ong vỡ tổ. Hóa ra không phải mất điện mà do mẹ chồng tôi dập cầu dao, bắt mọi người đi ngủ để tiết kiệm điện. Sau vài lần như vậy, tôi luôn có tâm trạng đề cao cảnh giác mỗi khi phải làm việc khuya và mặc định cứ có sự cố gì về điện đóm trong nhà là do mẹ chồng dập cầu dao.

 

Chưa hết, mẹ chồng luôn tiết kiệm nước bằng cách dùng lại nước rửa rau để vo gạo, rửa bát hoặc dội bồn cầu. Tôi phàn nàn rằng làm như vậy không được vệ sinh thì bảo đằng nào chả rửa lại bằng nước sạch, bao nhiêu năm nay ở quê bà vẫn làm như thế có sao đâu, có ai trong nhà bị ốm o, bệnh tật gì đâu…

 

Trong khi, mẹ chồng luôn biết cách làm tôi phát điên thì không hiểu bằng cách nào bà lại rất được lòng cháu nội. Hai đứa nhỏ nhà tôi cứ đi học về là quấn lấy bà nội, ăn cũng bà, ngủ cũng bà, đi chơi cũng bà và luôn bênh bà chằm chặp. Bởi vậy, tôi không còn cách nào khác là phải tiếp tục sống chung với lũ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm