Bước chuyển mình của vùng đồng bào Mường khi thành công dân Thủ đô

Tiến Dũng - Minh Anh
21/10/2024 - 20:43
Bước chuyển mình của vùng đồng bào Mường khi thành công dân Thủ đô

Màn đồng diễn của người Mường ở xã Tiến Xuân Ảnh: Mai Chi

16 năm kể từ khi sáp nhập về Hà Nội, từ vùng đất nghèo, nơi tập trung hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của huyện Thạch Thất, 3 xã Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân đã vươn mình thành miền đất trù phú.
Bài 1: Nghị quyết ra đời từ cuộc sống

Ngày 1/8/2008 là dấu mốc đặc biệt đối với đồng bào Mường 3 xã Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân. Kể từ hôm đó, từ người Mường ở tỉnh Hòa Bình, họ "nhập khẩu" làm công dân Thủ đô. Niềm vui lớn nhưng băn khoăn, trăn trở cũng nhiều. Thời điểm đó, hạ tầng yếu kém, đời sống kinh tế-xã hội của đồng bào 3 xã này so với các xã trong huyện Thạch Thất có một khoảng cách khá xa. "Bài toán" này đòi hỏi cấp ủy và chính quyền phải có những quyết sách mạnh mẽ.

Khoảng cách

Bà Bùi Thị Kim, Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Bình, cho biết, đến tận bây giờ, bà và người dân Yên Bình vẫn chưa thể quên được cảm xúc dâng trào niềm vui khi hay tin mình trở thành công dân Thủ đô. Lúc đó, từ làng trên đến xóm dưới, đâu đâu cũng xôn xao với niềm vui khôn tả.

 Yên Bình lúc còn là xã của Lương Sơn (Hoà Bình) thuộc vùng đồng bằng nhưng khi về Hà Nội lại thuộc vùng núi. 

"So với mặt bằng chung của Thủ đô, xã Yên Bình lúc đó còn cách quá xa. Hạ tầng vừa thiếu thốn vừa cũ kỹ, lạc hậu. Đời sống người dân rất thấp. Thời điểm trước khi về Hà Nội, tôi làm y tế thôn bản. 

Tôi vẫn nhớ những lần người dân trong xã ốm đau, bệnh tật vất vả thế nào. Có người bệnh nặng nhưng vì đường sá khó khăn, nhà lại nghèo nên chị này quyết định mặc cho số phận. Không thể nhìn người dân có thể bỏ mạng, tôi đành vét hết túi mình để thuê xe chở chị này ra Hà Nội và may mắn được cứu chữa kịp thời", bà Kim kể lại.

Bước chuyển mình của vùng đồng bào Mường 
khi thành công dân Thủ đô- Ảnh 1.

Ông Bùi Tiến Sơn, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất, Hà Nội)

Ông Bùi Văn Đáng hiện là Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Yên Bình. Thời điểm năm 2008, ông là Chủ tịch Hội nông dân xã. Theo ông Đáng, trước năm 2008, xã Yên Bình đã có điện lưới nhưng do hạ tầng kém nên điện phập phù. 

Mỗi lần có mưa to, gió lớn, hệ thống điện lại hỏng, cả xã lại mất điện. Người dân muốn chăn nuôi với quy mô lớn cũng không làm được vì điện như thế chăn nuôi sẽ rất rủi ro. 

Ông Đáng nhớ lại: "Năm 2008, dù đã là công dân Thủ đô nhưng chúng tôi vẫn thua kém mọi mặt. Đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất gần như không có gì, hệ thống giao thông trên 90% là đường đất, mùa mưa lầy lội. Việc tổ chức ma chay, cưới hỏi rình rang, tốn kém".

Không chỉ riêng Yên Bình, 2 xã Yên Trung, Tiến Xuân khi mới sáp nhập vào huyện Thạch Thất cũng gặp rất nhiều khó khăn: Cơ sở vật chất chưa được đầu tư cơ bản, 98% hệ thống giao thông chưa được bê tông hóa; trường học, trạm y tế, nhà văn hóa chủ yếu là nhà cấp 4, đa phần đã xuống cấp; hệ thống điện chưa được đầu tư cơ bản, nhiều thôn chưa có điện. 

Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế gặp khó, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp khi người dân chủ yếu trồng sắn, trống mía và canh tác vẫn theo cách truyền thống trong khi hệ thống kênh mương chưa được đầu tư. Tỷ lệ hộ nghèo không dưới hai con số; tỷ lệ hộ gia đình văn hóa dưới 80%, tỷ lệ làng văn hóa dưới 50%.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Sau ngày 1/8/2008, lãnh đạo thành phố, huyện về khảo sát và cho thi công ngay hệ thống điện để đồng bào được thụ hưởng trong sinh hoạt và phục vụ sản xuất kinh doanh. Đường giao thông cũng được bê tông hóa, xây hệ thống mương dẫn nước, xây dựng nhà văn hóa, trường học… 

Bước chuyển mình của vùng đồng bào Mường 
khi thành công dân Thủ đô- Ảnh 2.

Trụ sở UBND xã Tiến Xuân được đầu tư xây dựng khang trang hơn

"Thay đổi lớn nhất là đường giao thông. Trước khi về Hà Nội, hầu hết các con đường ở Tiến Xuân đều đường đất. Mỗi lần có việc phải ra trung tâm Hà Nội, tôi phải đi xe đạp ra bến xe Thạch Thất, sau đó đi xe khách, vất vả vô cùng. Giờ xe buýt chạy 15 phút/chuyến, chỉ cần 7.000 đồng và mất 30 phút, tôi có thể đến quận trung tâm ăn sáng", ông Bùi Tiến Sơn, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Tiến Xuân, nói.

Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Hoàng Long cho biết: Ngay sau khi về Hà Nội, cả hệ thống chính trị xã quyết tâm rất lớn, các đoàn thể đề ra các phong trào thi đua cùng sự quan tâm của cấp trên, đời sống người dân chuyển biến mạnh mẽ.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông láng bóng, đến thăm một số mô hình nông dân sản xuất giỏi, ông Bùi Tiến Sơn, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Tiến Xuân, phấn khởi nói: 

"Trước năm 2008, cả xã nhìn đâu cũng là đồi trọc, những cánh đồng ngô, mía cũng còi cọc, thiếu sức sống. Hộ gia đình nào cũng chăn nuôi nhưng chỉ là vài con trâu, con bò. Dễ hiểu vì sao lúc đó còn cả trăm hộ nghèo. Còn bây giờ, Tiến Xuân đã là vùng đất trù phú, những triệu phú, tỷ phú xuất hiện ngày càng nhiều". 

Theo ông Sơn, xã Tiến Xuân có 69% dân số là người Mường, thời điểm trước ngày 1/8/2008, cuộc sống của người dân còn rất khó khăn. Thế nhưng, sau khi trở thành công dân Thủ đô, tâm thế đã thay đổi. 

Với sự đầu tư mạnh mẽ của thành phố, Đảng bộ xã Tiến Xuân đã đề những mục tiêu cụ thể về kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế… Các đoàn thể đều thi đua, không chỉ hoàn thành mà vượt mục tiêu các nghị quyết đề ra.

"Năm 2008, tôi là Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc. Lúc đó, các đoàn thể đều đưa ra những chỉ tiêu để phấn đấu, các phong trào rất sôi nổi từ cấp ủy đến thôn, xóm, đặc biệt, đảng viên là người tiên phong, gương mẫu. Từ đây, nhiều cách làm hay, nhiều mô hình kinh tế ra đời", ông Sơn chia sẻ.

Bài sau: Những đổi thay đo đếm được

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm