100 năm quyền bầu cử của nữ giới
Năm 2020 là tròn 100 năm phụ nữ Mỹ được quyền đi bầu cử. Lật lại quá khứ, ngày 18/8/1920, sau khi tiểu bang Tennessee đồng ý thông qua Tu chính án số 19, quyền bầu cử của phụ nữ Mỹ đã có đủ số tiểu bang (2/3 trên tổng số các bang) đồng thuận để Tu chính án này chính thức có hiệu lực trên toàn liên bang Mỹ.
Cuộc vận động lịch sử kéo dài hơn 70 năm (1848-1920) cho quyền chính trị và dân sự căn bản này của phụ nữ Mỹ thường được biết đến với tên gọi là Phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ đã có một cái kết tốt đẹp và mở ra một kỷ nguyên mới cho nữ quyền tại đây. Hai người phụ nữ được cho là linh hồn và tổ mẫu của phong trào nữ quyền tại Mỹ, Elizabeth Cady Stanton và Susan B. Anthony còn là những nhà hoạt động hàng đầu của phong trào đòi hỏi xóa bỏ chế độ nô lệ tại đây.
Người phụ nữ Mỹ đầu tiên tự ứng cử chức Tổng thống đã xuất hiện từ gần 50 năm trước đó. Năm 1872, Victoria Woodhull đến từ Ohio đã làm nên lịch sử khi bà ra tranh cử với tư cách ứng cử viên của Đảng Bình Quyền (Equal Rights Party) chống lại Tổng thống đương nhiệm Ulysses S. Grant. Cương lĩnh tranh cử của bà gồm những cải cách cấp tiến như ngày làm việc 8 giờ, quyền bầu cử cho phụ nữ, bỏ án tử hình…
Giấc mơ có nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử của người Mỹ vẫn không ngừng nghỉ. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã 2 lần tranh cử năm 2008 và 2016 nhưng thất bại. Có thông tin bà sẽ tái tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 nhưng tin này vẫn chưa được bà khẳng định.
Năm 2019 còn là cột mốc của 5 nữ nghị sĩ đảng Dân chủ tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Bà Amy Klobuchar - Thượng nghị sỹ bang Minnesota nhiệm kỳ 3 - đã chính thức tham gia cuộc đua tranh chức Tổng thống Mỹ năm 2020 với ông Donald Trump. Bà nhấn mạnh việc bà tham gia cuộc đua tranh chức Tổng thống Mỹ là vì tất cả người dân Mỹ, đồng thời cam kết nếu trở thành Tổng thống, bà sẽ dẫn dắt nước Mỹ "từ trái tim" và trong ngày đầu tiên nắm quyền, bà sẽ đưa cường quốc số 1 thế giới tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, bà cũng cam kết siết chặt hơn các quy định về kiểm soát súng đạn cũng như đặt ra mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren ủng hộ thiết lập nền kinh tế có lợi cho người nghèo và đấu tranh cho bình đẳng giới. Bà Warren cũng cho biết quan điểm tranh cử của bà là tập trung cải thiện sức khỏe, nền kinh tế và tầng lớp trung lưu tại Mỹ. Bà kêu gọi người dân ủng hộ để đấu tranh chống lại "con đường đen tối" bị phủ bóng bởi những lợi ích nào đó làm tổn thương tầng lớp trung lưu, cũng như tình trạng "tham nhũng chính trị" đang đầu độc nền dân chủ Mỹ. Bà gọi đó là: “Cuộc chiến của tôi, cuộc chiến của chúng ta”.
Bà Kirsten Gillibrand thì đưa ra thông báo trong chương trình "talk show" của kênh truyền hình CBS. Theo nữ Thượng nghị sĩ này, trọng tâm chiến dịch vận động tranh cử của bà sẽ bao gồm vấn đề giới, chống phân biệt chủng tộc, đối đầu với những hệ thống đặc quyền đặc lợi ở Washington và đấu tranh với tình trạng tham nhũng trong chính trị. Bà Gillibrand nổi tiếng về thái độ quyết tâm đấu tranh với vấn nạn xâm hại tình dục trong quân đội và tại nơi công sở. Bà theo đuổi chính sách thúc đẩy bình đẳng giới về thu nhập, đồng thời là người ủng hộ dân nhập cư.
Nữ nghị sĩ đảng Dân chủ bang Hawaii Tulsi Gabbard cũng tuyên bố sẽ ra tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Bà là người Mỹ gốc Samoa đầu tiên và là người theo đạo Hindu đầu tiên trong Quốc hội Mỹ. Nữ chính trị gia này liệt kê y tế, cải cách tư pháp và biến đổi khí hậu như là những vấn đề nền tảng chính.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ của bang California Kamala Harris là người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên tranh cử Tổng thống năm 2020 để "khẳng định tương lai của chúng ta" và "đấu tranh cho các giá trị Mỹ". Bà có vai trò nổi bật trong phong trào #MeToo ở Washington. Bà là một trong những Thượng nghị sĩ đầu tiên kêu gọi Thượng nghị sĩ Al Franken từ chức năm 2018 với cáo buộc về các hành vi không phù hợp. Báo giới nhận định rằng, sự năng động, lôi cuốn, những phẩm chất nổi trội trong cuộc tranh cử, khả năng thu hút các cử tri Mỹ và việc không dính dáng đến các vụ lùm xùm đã khiến bà Harris trở thành ửng viên "trong mơ" của đảng Dân chủ.
Phụ nữ thay đổi bộ mặt Quốc hội Mỹ
Cũng trong năm 2019, khi nhiều phụ nữ tuyên thệ nhiệm kỳ nghị sĩ tại Hạ viện Mỹ, dự báo sẽ có nhiều sự ủng hộ các chính sách và các vấn đề liên quan tới phụ nữ ở Mỹ và nhiều nơi nữa. Với số lượng kỷ lục 102 phụ nữ tuyên thệ nhậm chức tại Hạ viện Mỹ, cán cân quyền lực đã thay đổi ở Washington. Trong số những lớp nữ nghị sĩ mới tại Hạ viện, có những phụ nữ thổ dân đầu tiên, phụ nữ Hồi giáo đầu tiên, phụ nữ da màu đầu tiên được bầu tại bang Massachusettes và Connecticut, những phụ nữ gốc Tây Ban Nha đầu tiên được bầu ở Texas và phụ nữ trẻ tuổi nhất được bầu vào quốc hội. Hình ảnh của những nữ nghị sĩ với tinh thần hào hứng, tràn đầy năng lượng tích cực, đánh dấu một cột mốc quan trọng với người dân Mỹ, đặc biệt là với chính quyền Trump.
35 trong số 102 phụ nữ nói trên đã lần đầu tiên được bầu vào Hạ viện trong bầu cử giữa kỳ tháng 11/2018 trong làn sóng thành công lịch sử của các ứng cử viên nữ. Bà Nancy Pelosi tiếp tục làm nên lịch sử khi trở thành Chủ tịch Hạ viện lần nữa. Vây quanh bà Nancy Pelosi khi tuyên thệ là con của các nghị sĩ đảng Dân chủ. Đây là hình ảnh mang thông điệp rằng, nữ nghị sĩ là những người mẹ hoặc những người từng phải đối diện với kỳ thị giới, nay dũng cảm đứng ra lãnh sứ mệnh thay đổi cho chính họ và cho thế hệ tương lai. Bà Pelosi cho biết khi các thành viên mới tuyên thệ nhậm chức, Quốc hội Mỹ sẽ tươi mới và nền dân chủ sẽ được củng cố nhờ tinh thần lạc quan, lý tưởng, lòng yêu nước.
Bà Kelley Dittmar, trợ lý giáo sư khoa học chính trị tại đại học Rutgers, nhận định: “Đó là chưa từng có tiền lệ tại thời điểm này khi chứng kiến phụ nữ chiếm đa số trong toàn Nghị viện”. Trên cả nước Mỹ, phụ nữ chiếm 28,6% trong Quốc hội sau khi 128 bà tuyên thệ nhậm chức năm 2019. Cách đây 10 năm, phụ nữ đã chiếm 24,3% trong các Nghị viện bang. Các nghiên cứu về phụ nữ phục vụ trong Quốc hội cho thấy, càng nhiều nữ nghị sĩ thì càng nhiều quan điểm và trải nghiệm của họ được lồng ghép vào các cuộc thảo luận chính sách.