Buộc tố cáo khi phát hiện trẻ bị xâm hại

03/04/2016 - 12:22
Dự thảo Luật Trẻ em dự kiến được thông qua tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra sẽ có qui định trách nhiệm tố cáo bắt buộc đối với những người liên quan như cha mẹ, thầy cô, người khám chữa bệnh… khi phát hiện trẻ bị xâm hại.
xam-hai-tinh-duc-tre-em-la-toi-ac.jpg
 (Ảnh minh họa)


Ngày 1/4, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Chăm sóc và bảo vệ trẻ, cho biết: Thống kê của Bộ Công an, mỗi năm nước ta có hơn 1.000 vụ xâm hại trẻ em. Trong đó, xâm hại tình dục trẻ em chiếm khoảng 70%. Theo ông Nam, “con số này không phản ánh đúng tình trạng xâm hại trẻ em”.

Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ trẻ em - 18001567, mỗi năm có khoảng 300 ngàn cuộc gọi phản ánh liên quan đến trẻ em. Ông Nam cho rằng: Qua thu thập số liệu phản ánh cho thấy, xâm hại tình dục trẻ em có nhiều cấp độ, hình thức khác nhau. Hiện nay đang có xu hướng ngày càng tăng lên về số vụ và tính phức tạp. “Ngày càng nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em có tính chất loạn luân, xâm hại trẻ em đồng tính; độ tuổi trẻ em bị xâm hại càng nhỏ hơn, thời gian xâm hại kéo dài”.  

Mặc dù vậy, theo ông Nam, trên thực tế thì “hầu hết các vụ không được tố cáo. Thậm chí, có gia đình giấu giếm hoặc thỏa thuận bồi thường giữa 2 bên là xong”. Chỉ có những vụ nghiêm trọng, gia đình nạn nhân mới tố cáo tới công an.

Cuộc sống hiện đại, mối quan hệ gia đình ngày càng lỏng, ông Đặng Hoa Nam khuyến cáo cha mẹ cần chú ý, phát hiện sớm biểu hiện khác lạ của con em. Các bậc phụ huynh cũng cần học kỹ năng giao tiếp với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ đã bị tổn thương. Chính cha mẹ cần trang bị cho con em những kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ cơ thể; giúp con hiểu những bộ phận nào trên cơ thể không để người khác, thậm chí là người quen, gần gũi động vào.

Sắp tới, trong dự thảo Luật Trẻ em mới, ông Nam cho biết: Có quy định trách nhiệm tố cáo bắt buộc. Khi phát hiện hành vi xâm hại trẻ em, thì cha mẹ, giáo viên, người khám chữa bệnh… bắt buộc phải tố cáo tới cơ quan chức năng. Đồng thời, tiến tới quy định mỗi cấp xã có ít nhất 1 người làm công tác bảo vệ trẻ em, để kịp thời tiếp nhận, trợ giúp trẻ em, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm