Buôn bán tình dục trẻ em, phát tán ấu dâm trong "thế giới ảo"

Nhu Thụy
30/07/2020 - 09:20
Buôn bán tình dục trẻ em, phát tán ấu dâm trong "thế giới ảo"
Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em trên toàn thế giới ngày càng tăng. Theo Liên hợp quốc (LHQ), nạn xâm hại tình dục trẻ em đã biến tướng thêm hai hình thái mới. Thực trạng này đòi hỏi LHQ, các quốc gia cần đề ra những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn, nghiêm trị và ngăn chặn sớm những kẻ thực hiện hành vi ấu dâm.

Những con số báo động

Nạn ấu dâm được phản ánh rất rõ thông qua các dữ liệu toàn cầu về số lượng lớn vụ xâm hại tình dục trẻ em. Một phân tích tổng hợp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ 65 nghiên cứu tại 22 quốc gia năm 2014 cho thấy, tỷ lệ xâm hại tình dục cao nhất xảy ra ở châu Phi (34,4%) và châu Á (23,9%), trong khi ở châu Mỹ và châu Âu lần lượt là 10,1% và 9,2%. Nam Phi là quốc gia có tỷ lệ xâm hại tình dục ở cả bé gái (43,7%) và bé trai (60,9%) cao nhất thế giới.

Đến nay, theo thống kê của LHQ, mỗi năm ước tính có khoảng 300.000 phụ nữ bị hãm hiếp và 3,7 triệu người phải đối mặt với các hoạt động tình dục. Trong số khoảng 900.000 trẻ em bị ngược đãi mỗi năm, 9% bị xâm hại tình dục. Theo thống kê của Tổ chức RAINN (Hiếp dâm, Lạm dụng và Mạng lưới loạn luân quốc gia) của Mỹ, cứ sau 73 giây, một người Mỹ bị tấn công tình dục. Cứ sau 9 phút lại có một nạn nhân bị tấn công tình dục là trẻ em. Tuy nhiên, có một sự thật đáng buồn là chỉ có 5/1.000 thủ phạm trong các vụ tấn công tình dục trẻ em bị kết án tù.

Việc xâm hại tình dục là nguyên nhân gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, tâm lý của trẻ em. Về sức khỏe, xâm hại tình dục có thể làm tổn thương cơ quan sinh dục, gây rối loạn tiêu hóa, gây một số bệnh phụ khoa, thậm chí lây bệnh qua đường sinh dục, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình phát triển cơ thể của các em trong tương lai. Xét trên phương diện tâm lý, trẻ bị xâm hại có thể mắc các triệu chứng trầm cảm, thường xuyên có thái độ lo sợ, tự ti, từ đó làm suy giảm nhận thức và mất năng lực giao tiếp xã hội.

Vụ bê bối gần đây nhất liên quan đến Joel Davi, người nổi tiếng là một nhà hoạt động trẻ tích cực trong cuộc chiến chống lại bạo lực tình dục, lại bị bắt giữ với cáo buộc tấn công và lạm dụng tình dục trẻ em. Hắn từng là đại biểu thanh niên và điều phối viên đặc biệt của LHQ trong các vấn đề về bạo lực tình dục. Hắn thậm chí còn tham gia vào Ủy ban điều hành Chiến dịch quốc tế nhằm ngăn chặn tình trạng hiếp dâm và bạo lực tình dục. Đây là một tổ chức có quy mô rất lớn, quy tụ trên 5.000 tổ chức nhỏ hơn hoạt động về nhân quyền cùng hàng ngàn chuyên gia trên toàn thế giới. Cố vấn lâu năm của LHQ về quyền trẻ em Peter Newell cũng đã bị kết án về tội tấn công tình dục. Ông đã bị tống giam và thụ án 6 năm sau khi nhận tội.

Nguy cơ cao trong thế giới ảo

Theo báo cáo của LHQ, nạn xâm hại tình dục trẻ em đã biến tướng thêm hai hình thái mới là buôn bán tình dục trẻ em, phát tán văn hóa phẩm độc hại liên quan đến ấu dâm thông qua internet và là nguyên nhân ngày càng lớn gây ra nạn buôn người. Với sự phát triển của công nghệ, tội phạm ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi để che giấu dấu vết của chúng. Chúng đang sử dụng các mạng riêng ảo để che giấu vị trí của chúng, triển khai các kỹ thuật mã hóa để che giấu nội dung. Mặt khác, những kẻ ấu dâm còn sử dụng một loạt công cụ di động và trực tuyến - bao gồm mạng xã hội để kiểm soát và xem cảnh hiếp dâm trẻ em một cách ẩn danh. Với việc chia sẻ trên mạng xã hội ngày càng tăng mạnh, loại bỏ khiêu dâm trẻ em trong số hàng tỷ lượt tải là một thách thức lớn.

2 hình thái mới của nạn xâm hại tình dục trẻ em - Ảnh 2.

Nhà hoạt động chống lại bạo lực tình dục Joel Davi bị bắt giữ với cáo buộc tấn công và lạm dụng tình dục trẻ em

64% các vụ lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến ở Philippines được khởi xướng từ nước ngoài nên gây khó khăn rất lớn cho công tác quản lý và xử phạt. Lực lượng chức năng của nước sở tại không có công cụ để phát hiện, khống chế hành vi lạm dụng được phát trực tiếp khiến lạm dụng, tấn công tình dục trẻ em qua internet được nhiều kẻ tiếp tay. Công nghệ phát triển và thông tin ngày càng đi xa hơn sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng nhiều hơn. Trong đó, việc người dân các nước nghèo tìm mọi cách để có tiền dễ dẫn đến tình trạng buôn bán trẻ em và bắt trẻ em để thực hiện các hành vi cưỡng bức tình dục thông qua công nghệ thông tin như ở Philippines.

Chung tay ngăn chặn tấn công tình dục trẻ em

Đã đến lúc ngăn chặn tấn công tình dục trẻ em cần phải được xã hội và các quốc gia trên thế giới quan tâm nhiều hơn nữa để không còn nước mắt, sự ám ảnh bởi những cơn ác mộng từ yêu râu xanh. LHQ kêu gọi các nước chung tay loại trừ vấn nạn này. LHQ yêu cầu các công ty kinh doanh internet cần có giải pháp công nghệ nhằm giảm thiểu các nội dung độc hại, gây nguy hiểm cho trẻ em trong môi trường trực tuyến và vấn đề này cần được ưu tiên hàng đầu.

Trong những năm gần đây, cảnh sát các nước như Mỹ, Anh, Australia và khắp châu Âu đã phối hợp điều tra, bắt giữ nhiều tội phạm ấu dâm. Nhưng các tổ chức bảo vệ nhân quyền kêu gọi thế giới cần phải tăng cường đối phó với tình trạng nhu cầu xem video, hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em trên mạng ngày càng gia tăng. FBI ước tính có đến 750.000 người dùng internet thường xuyên tìm kiếm hình ảnh, video ấu dâm trên toàn cầu.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng đã công bố chính sách không dung thứ cho những hành vi xâm hại tình dục, tăng cường các biện pháp để xử lý những hành vi sai trái, lập đường dây nóng. Những biện pháp mới được ban hành bao gồm: Sử dụng thiết bị điện tử để theo dõi những nhân viên LHQ bị cáo buộc là có hành vi quấy rối tình dục, những đối tượng đã từ chức hoặc bị cách chức trong quá trình điều tra. Các nhân viên trong những hệ thống của LHQ cũng như các đối tác phải tham gia các khóa học điện tử về việc phòng tránh và báo cáo về những hiện tượng xâm hại tình dục. Ngoài ra, LHQ còn phân phát tài liệu bằng 6 ngôn ngữ chính thức và một số ngôn ngữ khác trong toàn bộ hệ thống LHQ về trách nhiệm và nghĩa vụ của các nhân viên LHQ liên quan đến việc phòng tránh và báo cáo về những hiện tượng xâm hại tình dục. Các cơ quan liên quan trên toàn bộ hệ thống LHQ phải có báo cáo hàng quý về vấn đề này.
Nguồn: UN, NYT
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm