Cả nước còn gần 5,6 triệu trẻ em nghèo đa chiều

28/11/2018 - 15:17
Tại diễn đàn “Chăm sóc và phát triển trẻ em” do Hội LHPNVN tổ chức ngày 28/11 ở Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Trọng An - Chuyên gia cao cấp về bảo vệ trẻ em - cho biết, nước ta vẫn còn khoảng gần 5,6 triệu trẻ em là trẻ nghèo theo phương thức tính nghèo đa chiều.
Diễn đàn có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Gia đình Xã hội, TƯ Hội LPHN Việt Nam; bác sĩ Nguyễn Trọng An - Chuyên gia cao cấp về bảo vệ trẻ em; PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người; Tiến sĩ Vương Thị Hanh - Giám đốc Trung tâm Giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW), cùng các đại diện của Hội LHPN 3 tỉnh: Tuyên Quang, Hải Phòng, Thái Nguyên.
 
Bác sĩ Nguyễn Trọng An - Chuyên gia cao cấp về bảo vệ trẻ em - cho biết, vẫn còn khoảng gần 5,6 triệu trẻ em là trẻ nghèo theo phương thức tính nghèo đa chiều. Tỷ lệ trẻ em chưa từng đi học vẫn khá cao, đặc biệt là ở một số vùng dân tộc thiểu số, tỷ lệ tử vong của bà mẹ ở miền núi vẫn cao gấp 4 lần so với vùng đồng bằng và hơn 60% hộ gia đình dân tộc thiểu số không được sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
 
an.JPG
Bác sĩ Nguyễn Trọng An - Chuyên gia cao cấp về bảo vệ trẻ em  
 
 
Ông An cho biết thêm, vấn đề trẻ em gái bỏ học và sự chênh lệch về kết quả học tập giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số chủ yếu là do thiếu trường lớp. Bên cạnh đó, tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục vẫn có xu hướng tăng.
 
Đặc biệt, một số vấn đề xã hội mới nảy sinh gây ảnh hưởng đến phát triển trẻ thơ đó là vấn đề trẻ em lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở bị rối nhiễu tâm trí và các vấn đề sức khỏe tâm thần. Việc đầu tư nguồn lực của Nhà nước cho chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em, kể cả tài chính và nhân lực vẫn còn hạn chế so với nhiều nước trong khu vực, nhất là cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thiếu hệ thống nhà trẻ chăm sóc, nuôi dạy cho trẻ em dưới 3 tuổi.
 

Các khảo sát và số liệu gần đây cho thấy, trẻ em nghèo theo các thước đo đa chiều cao hơn nhiều so với tỷ lệ nghèo toàn quốc, nghèo đa chiều khu vực nông thôn cao hơn so với thành thị và tỷ lệ nghèo trẻ em của đồng bào dân tộc thiểu số (nghèo 6 chiều: 39,14%; nghèo 7 chiều: 52,42%) luôn cao hơn so với dân tộc Kinh và Hoa (nghèo 6 chiều: 7,14 %; nghèo 7 chiều: 14,14%). 

 
img_0969_1600x1067.JPG
Hội LHPN Việt Nam đã chọn chủ đề hoạt động năm 2019 là "An toàn cho phụ nữ và trẻ em" 
 

Hội LHPN Việt Nam đã có những hoạt động cụ thể, thiết thực như đề xuất Chính phủ ban hành và triển khai có hiệu quả đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020”, tổ chức các hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức và kiến thức của cha mẹ về chăm sóc, bảo vê, giáo dục trẻ em…

Hội đã chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình hỗ trợ cha mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em dựa vào cộng đồng như “CLB kết nối mẹ và con gái”, CLB cha mẹ nuôi dạy con tốt”… Hiện nay, Hội đang phố hợp với tổ chức Plan thực hiện “Chương trình giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và phát triển toàn diện trẻ thơ” tại một số xã, huyện vùng khó khăn, đồng thời Hội cũng tích cực xây dựng chương trình quốc gia về giáo dục cha mẹ để trình Thủ tướng chính phủ năm 2019. Hội LHPN Việt Nam đã quyết định chủ đề hoạt động năm 2019 là “An toàn cho phụ nữ và trẻ em gái”. 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai (ảnh) - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Gia đình Xã hội, TƯ Hội LPHN Việt Nam - cho biết, hiện nay Hội đã có 19 triệu hội viên với các mạng lưới, CLB và cộng đồng, chính vì thế, khi triển khai các chương trình đã phát huy nguồn lực thực hiện lồng ghép các mô hình vào để truyền tải thông tin. Đến thời điểm này, công tác giáo dục cha mẹ là nhiệm vụ quan trọng được các cấp Hội quan tâm và đưa vào Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII.

mai.JPG
 

Bà Mai cũng cho biết thêm, một con số báo động khi cứ 5 cặp kết hôn thì có 2 cặp ly hôn, vấn đề này gây ra hệ lụy đến các con. Chính vì thế, Hội LHPNVN đã kết hợp với TƯ Đoàn tổ chức nhiều lớp giáo dục tiền hôn nhân cho các cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn.

Từ năm 2013 đến năm 2015: Hội đã chỉ đạo và nhân rộng mô hình nhóm cha mẹ ở 9 tỉnh thuộc miền núi, Tây Nguyên. Đây là những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, có trẻ em với tỉ lệ suy dinh dưỡng rất cao, có những bà mẹ không biết tiếng Kinh, không biết kiến thức chăm sóc trẻ nhỏ. Trong 3 năm, chương trình tác động được 24 huyện, 85 xã thụ hưởng và đã xây dựng được 265 nhóm cha mẹ. Trong nhóm cha mẹ này, đã đạt được mục tiêu là không chỉ có các bà mẹ chăm sóc con mà Hội đã tuyên truyền trong nhóm này phải có các ông bố để cùng tham gia, cùng chia sẻ và cùng có kiến thức. Cùng với việc điều hành, quản lý 265 nhóm này, Hội đã thành lập được đội ngũ 554 tình nguyện viên, trong đó có 460 người là nữ.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm