Các cấp Hội LHPN Thủ đô chung tay quảng bá sản phẩm của hội viên, phụ nữ phụ nữ

PVH
14/11/2023 - 16:04
Các cấp Hội LHPN Thủ đô chung tay quảng bá sản phẩm của hội viên, phụ nữ phụ nữ

Phụ nữ tham gia HTX, sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị. Ảnh minh hoạ

Trên địa bàn Hà Nội, các chủ thể - đặc biệt là phụ nữ- tham gia xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương có quy mô sản xuất còn nhỏ, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, sức cạnh tranh chưa cao; vì vậy rất cần sự chung tay, vào cuộc của các cấp, ngành và đoàn thể hỗ trợ hoạt động sản xuất, quảng bá, giao thương sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của Thủ đô.

Phát triển sản phẩm đặc trưng trong HTX nông nghiệp cũng còn nhiều khó khăn

Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, trong đó, tiêu chí quan trọng gắn liền với đời sống người dân là "Tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn", gồm: Xã có hợp tác xã hoạt động hiệu quả; xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực đảm bảo bền vững; thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP...

Bà Trịnh Thị Nguyệt, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), cho biết: Trước đây, chị em sản xuất nông nghiệp thường lo toàn bộ quy trình từ mua giống, chăm sóc, nuôi trồng, thu hoạch, đóng bao, cho đến công đoạn mang ra chợ bán, hoặc thương lái thu gom. Cách thức này không đem lại hiệu quả, mà chị em còn đối diện với nhiều rủi ro, kém năng suất và thường bị ép giá hàng hoá. Khi tham gia vào chuỗi sản xuất, chị em đảm nhiệm các phần việc trong chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ, các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho bà con, nên chị em yên tâm sản xuất, giảm được nhiều công đoạn, nhân lực. Tuy nhiên, bà Nguyệt cũng nhìn nhận thực tế, tham gia chuỗi liên kết, bà con nông dân vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào tình hình sức khoẻ của doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó chánh Thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, cho biết: Tính đến tháng 8/2023, Hà Nội có 1.170 HTX nông nghiệp đang hoạt động. Theo kết quả phân loại, có 61,02% HTX hoạt động từ khá trở lên, 38,9% HTX hoạt động trung bình, yếu.

Trong đó, có 132 HTX nông nghiệp với 448 sản phẩm được công nhận là sản phẩm đặc trưng. 100% HTX có sản phẩm được chứng nhận theo tiêu chuẩn của chương trình mỗi xã một sản phẩm đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phát triển HTX nông nghiệp Hà Nội còn khó khăn như, năng lực trình độ lãnh đạo HTX qua đào tạo còn chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu bằng kinh nghiệm; vốn điều lệ hạn chế; số lượng HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị còn hạn chế, chưa phát triển nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn; sản phẩm chủ yếu của các HTX nông nghiệp là sản phẩm thô chưa qua chế biến…

Đối với việc phát triển sản phẩm đặc trưng trong HTX nông nghiệp cũng còn nhiều khó khăn vướng mắc, trong đó nổi lên là các chủ thể tham gia có quy mô sản xuất còn nhỏ, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, sức cạnh tranh chưa cao, sản xuất chưa theo hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu của thị truờng. Từ thực tế này đòi hỏi sự vào cuộc, chung tay của các cấp, ngành và đoàn thể hỗ trợ hoạt động sản xuất, quảng bá, giao thương sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của Thủ đô.

Các cấp Hội LHPN Thủ đô chung tay quảng bá sản phẩm của hội viên, phụ nữ phụ nữ- Ảnh 1.

Tăng cường liên kết giữa phụ nữ sản xuất và nữ chủ doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Ảnh minh hoạ

Các cấp Hội LHPN Thủ đô chung tay quảng bá sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm sáng tạo của phụ nữ

Tại sự kiện kết nối, quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương, làng nghề của phụ nữ Thủ đô mới đây, bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, cho biết: Vùng đồng bằng sông Hồng gồm Thủ đô Hà Nội và 10 tỉnh, thành phố là điều kiện thuận lợi thúc đẩy hợp tác phát triển trong nhiều lĩnh vực như du lịch, công nghiệp, dịch vụ, thương mại, đầu tư...

Đến nay, Hà Nội có 16/18 huyện, thị xã và 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 111 xã nông thôn mới nâng cao, 20 xã NTM kiểu mẫu. Chương trình mỗi xã một sản phẩm đạt kết quả tốt; toàn thành phố có 1.871 sản phẩm đặc trưng của địa phương, bao gồm 6 sản phẩm 5 sao, 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.162 sản phẩm 4 sao, 692 sản phẩm 3 sao. Trong đó có đóng góp quan trọng của phụ nữ và các cấp Hội phụ nữ với nhiều mô hình phát triển kinh tế, nhiều sản phẩm có giá trị.

Các cấp Hội LHPN Thủ đô chung tay quảng bá sản phẩm của hội viên, phụ nữ phụ nữ- Ảnh 2.

Hội LHPN Hà Nội tổ chức chương trình kết nối, quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề của phụ nữ Thủ đô

Thời gian vừa qua, các cấp Hội LHPN của Thủ đô tổ chức nhiều chương trình, hội chợ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, sản phẩm sáng tạo của phụ nữ Hà Nội. Đây là cơ hội để các cơ sở sản xuất, các HTX, các doanh nghiệp do nữ làm chủ giao lưu, kết nối chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong vùng, cùng đoàn kết vượt qua những khó khăn, thúc đẩy phong trào phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tiềm năng địa phương.

Đồng thời góp phần củng cố lòng tin của người tiêu dùng về chất lượng, thương hiệu sản phẩm Việt, thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Qua đó, nâng cao nhận thức của phụ nữ về kinh tế xanh, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ phát triển sản phẩm, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.

Về hỗ trợ kết nối, giới thiệu sản phẩm đặc trưng trên địa bàn, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết: Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với nhiều quận, huyện như Ba Đình, Đống Đa, Hoàng Mai, Thường Tín, Thanh Oai… liên tục mở điểm giới thiệu và bán sản phẩm này. Việc mở các điểm giới thiệu và bán sản phẩm đặc trưng trên địa bàn các địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ, quảng bá sản phẩm có thế mạnh của địa phương, cũng như các khu vực khác của Hà Nội. Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã có hơn 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm đặc trưng của địa phương trên địa bàn gần 30 quận, huyện, thị xã.

UBND TP Hà Nội đã có Kế hoạch số 312/KH-UBND về Phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn Thành phố năm 2023. Theo đó, để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, ngoài các giải pháp đã được triển khai, TP Hà Nội sẽ phát triển tối thiểu 30 Điểm giới thiệu và bán sản phẩm đặc trưng trên địa bàn, xây dựng 5 trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm làng nghề gắn với phát triển du lịch tại các huyện Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thị xã Sơn Tây.

Các cấp Hội LHPN Thủ đô chung tay quảng bá sản phẩm của hội viên, phụ nữ phụ nữ- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó chánh Thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, cho rằng: Để phát triển sản phẩm đặc trưng trong HTX nông nghiệp, cần thực hiện các giải pháp, đó là: 

Triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các chính sách hỗ trợ các HTX nông nghiệp gắn với chính sách phát triển sản phẩm đặc trưng để nâng cao hiệu quả hoạt động HTX nông nghiệp; 

Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường trong nước và xuất khẩu;

Đẩy mạnh liên kết giữa các HTX hướng tới thành lập Liên hiệp HTX, liên kết HTX với doanh nghiệp để tăng quy mô sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa đủ lớn, chất lượng cao phục vụ cho tiêu dùng thủ đô và xuất khẩu;

Tăng cường xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm đặc trưng vào hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm trên các sản thương mại điện tử…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm