Nghị quyết số 28/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH đã nêu rõ: Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu. Đây là vấn đề đang được dư luận xã hội, người dân quan tâm; đặc biệt là các phương án tăng tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ.
Tại buổi tọa đàm về BHXH do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức 3/8, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết: Tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) và Bộ luật này sẽ được trình Quốc hội vào năm 2019.
Theo ông Lợi, hiện nay, Bộ LĐTB&XH đang đưa ra các kịch bản tăng tuổi nghỉ hưu; cụ thể như: nữ tăng lên 58, nam 62 tuổi; hay nữ lên 60 và nam 62 tuổi; hay nữ 60, nam tăng 65 tuổi và mỗi một năm thì tăng một số tháng.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là kịch bản đưa ra để lấy ý kiến rộng rãi của cơ quan, ban ngành đoàn thể và người dân.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, hiện nay đang có 2 luồng tư tưởng; thứ nhất là quan điểm sửa quy định về tuổi hưu phải nam – nữ bình đẳng, ngang bằng về tuổi nghỉ hưu. Luồng quan điểm này cho rằng không nên có sự chênh lệch của tuổi hưu, để đảm bảo công bằng quyền lao động và cơ hội thăng tiến của phụ nữ.
Tuy vậy, luồng ý kiến khác cho rằng, nếu nâng tuổi hưu với cả khu vực lao động nặng nhọc, độc hại như các ngành nghề da giày, dệt may… thì rất khó khăn với lao động nữ ở khu vực này.
Ông Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm: “Chắc chắn tuổi hưu cần phải nâng, nhưng nâng như thế nào, lộ trình ra sao, đối tượng nào được nâng trước?”. Với lực lượng lao động hành chính sự nghiệp có điều kiện lao động tốt rồi thì cần phải nâng tuổi nghỉ hưu.
Bên cạnh đó, ông Lợi nhấn mạnh: Một điều khẳng định chắc chắn trong Bộ luật Lao động là những người làm công việc nặng nhọc độc hại, ở vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, phải được nghỉ hưu sớm hơn.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, khẳng định: “Việc nâng tuổi nghỉ hưu không phải vì lo sợ vỡ quỹ hay thiếu tiền, mà nâng tuổi nghỉ hưu là tổng hòa của rất nhiều yếu tố”. Thứ nhất, tuổi thọ và sức khỏe của người Việt Nam từ năm 1960 đến nay tăng rất nhiều. Thứ 2 là quan hệ đóng - hưởng BHXH. Đồng thời, phải nghiên cứu kĩ đối với từng nhóm ngành nghề, từng đối tượng để điều chỉnh.
Với việc tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), có nhiều ý kiến lo ngại giới trẻ sẽ khó có cơ hội tìm việc làm và thăng tiến. Bà Nguyễn Thị Minh cho rằng: Cơ hội để lớp trẻ phấn đấu thì không chỉ riêng khu vực nhà nước. Với tình hình kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, với tốc độ phát triển công nghệ như hiện nay thì giới trẻ không thiếu việc làm. Các bạn có thể tích lũy kinh nghiệm đến độ tuổi nào đó chúng ta thi tuyển vào các vị trí lãnh đạo, biên chế trong nhà nước nếu đáp ứng đủ yêu cầu.
Còn ông Bùi Sĩ Lợi khẳng định: “Không thể nói nâng tuổi nghỉ hưu sẽ cản trở lực lượng lao động trẻ”. Lao động trẻ được đào tạo ra trường là để tự khẳng định bản thân trong thị trường lao động; không phải ai cũng vào làm ở khu vực Nhà nước.