Cách mạng Tháng Tám: Cuộc giải phóng kép với phụ nữ Việt Nam

Chế độ phong kiến cuối mùa khiến người phụ nữ bị tước hết quyền lợi

Việt Nam là một quốc gia có bản sắc riêng biệt và vai trò, vị trí của phụ nữ Việt Nam vốn đã được đề cao từ lâu. Lịch sử đã ghi nhận những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Đầu Công nguyên thì có những nữ anh hùng như Hai Bà Trưng, sau đó thì có Bà Triệu và trong trận đại phá quân Thanh dưới sự lãnh đạo của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung có nữ Đô đốc Bùi Thị Xuân, nữ tướng chỉ huy đoàn chiến tượng hàng trăm con voi. Trong kháng chiến chống Mỹ có nữ tướng Nguyễn Thị Định

Cách mạng Tháng Tám: Mốc son đánh dấu bước ngoặt của thân phận phụ nữ Việt Nam   - Ảnh 2.

Bà Triệu khởi nghĩa chống lại ách thống trị của giặc Ngô (248). Tranh: Thiên Thanh

Giáo sư Vũ Minh Giang cho rằng, dẫu trước đó nước ta trải qua một nghìn năm Bắc thuộc, các triều đại phong kiến Trung Quốc liên tục dùng thiết chế Khổng Nho để đồng hóa, nhưng ách cai trị của chúng chủ yếu chấn trị ở lị sở, còn văn hóa người Việt (ngôn ngữ, chữ viết, phong tục, tập quán) vẫn được bảo tồn sau lũy tre làng. Vì vậy, vai trò của phụ nữ đối với gia đình, đối với làng xóm về cơ bản vẫn được bảo tồn.

Tuy nhiên, vào giai đoạn cuối của chế độ phong kiến, triều Nguyễn học theo phong kiến Trung Hoa đề cao giá trị Khổng giáo một cách cực đoan, dẫn đến việc hạ thấp vai trò của người phụ nữ, coi nữ nhi là tầng lớp hạ đẳng – tầng lớp chỉ phục vụ nam giới và không có một quyền hành gì trong xã hội. Thêm vào đó, kể từ khi nước ta mất chủ quyền vào tay người Pháp thì chúng lại sử dụng chính bộ máy phong kiến này để nô dịch cả dân tộc, điều này vô hình chung khiến phụ nữ Việt Nam phải gánh chịu hai tầng áp bức, bị tước đoạt hết quyền lợi vốn có.

Cách mạng Tháng Tám đã hai lần giải phóng phụ nữ Việt Nam

Ý thức được thực trạng trên, ngay từ những ngày đầu hoạt động của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đã đặc biệt chú trọng đến vai trò của phụ nữ. Ví dụ như trong cuốn Đường Kách Mệnh (1927) – tài liệu giảng dạy cho cán bộ để chuẩn bị lực lượng cách mạng, Người đã nói rất rõ: "Muốn thế giới cách mệnh thành công thì phải vận động đàn bà con gái công nông các nước… An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công".

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

"Muốn thế giới cách mệnh thành công thì phải vận động đàn bà con gái công nông các nước… An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công".

Bởi đất nước chỉ có thể giải phóng khi cách mạng huy động được sức mạnh của toàn dân tộc, mà trong đó rất trọng yếu của cách mạng là phụ nữ, một lực lượng chiếm nửa dân số.

Thực hiện phương châm trên, trong quá trình vận động và phong trào Việt Minh, nhiều chị em phụ nữ đã được huy động, được tham gia vào sự nghiệp cách mạng. Họ bắt đầu một chương mới trong lịch sử, trở thành một lực lượng quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và thông qua đó, giải phóng chính bản thân mình. Cho nên khi cách mạng bùng nổ đã có rất nhiều chiến sĩ cách mạng là phụ nữ xuất hiện. Còn trước đó, đã có những bậc tiền bối tiên phong đi trước trong hoạt động bí mật như chị Nguyễn Thị Minh Khai.

Cách mạng Tháng Tám: Mốc son đánh dấu bước ngoặt của thân phận phụ nữ Việt Nam   - Ảnh 3.

Phù hiệu của bà Chu Thọ Tâm (xã Huy Chương, ngoại thành Hà Nội) đeo khi dự mít tinh ở Đình Chèm và tham gia đánh chiếm Phủ Khâm Sai, ngày 19/8/1945.

Do đó, "Phụ nữ dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp tham gia một cách chủ động vào Cách mạng Tháng Tám, chứ không phải là một lực lượng thụ động để cho cách mạng giải phóng mình", giáo sư Giang nhận định. Điều này thể hiện ở việc phụ nữ tham gia kéo cờ, đi tuần hành, dự mít tinh, bắt đầu tham gia vào công việc điều hành các cơ quan, lãnh đạo các tổ chức đoàn thể đi vận động tuyên truyền ở khắp nơi. Trong lực lượng lãnh đạo tổng khởi nghĩa, nhiều nữ chiến sĩ cách mạng đã được giao trọng trách, nhiều cán bộ chủ chốt của Hội phụ nữ Cứu quốc đảm nhiệm vị trí trọng yếu. Qua các hoạt động này, phụ nữ dần dần được giác ngộ về sức mạnh của mình, về vai trò của mình đối với xã hội, đó là điều quan trọng đầu tiên.

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được khai sinh, nước ta ở vào giai đoạn vô cùng khó khăn, "thù trong giặc ngoài", "tứ bề thọ địch" đã tạo ra những thử thách hết sức hiểm nghèo cho chính quyền cách mạng non trẻ. Về ngân sách Nhà nước hầu như trống rỗng, kho bạc Nhà nước chỉ có hơn 1,25 triệu đồng Đông dương (chủ yếu là tiền rách nát, không tiêu được); 90% dân số không biết chữ; từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc 20 vạn quân Tưởng ồ ạt vào Hà Nội, từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam, quân Anh mở đường cho Thực dân Pháp trở lại xâm lược…. Trước tình cảnh này, báo cáo của người Pháp có nêu: "Chính quyền cách mạng này sớm muộn gì cũng chết", vì trong tay khi ấy không tiền, về lực lượng chỉ có một đội quân nhỏ do sáp nhập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân với lực lượng Cứu quốc quân…

Tuy nhiên, ngược lại với nhận định của chúng, bằng lòng yêu nước nồng nàn, chị em phụ nữ đã hăng hái hưởng ứng cuộc vận động xây dựng "Quỹ độc lập" do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta kêu gọi, để rồi có những chị cởi cả hoa tai, nhẫn cưới để góp phần làm nên "Tuần lễ vàng". Lý giải nguyên nhân phụ nữ tham gia tích cực như vậy, giáo sư Vũ Minh Giang cho rằng, bởi trong một thời gian ngắn họ đã nhận ra cuộc cách mạng này giải phóng cho họ tới những 2 lần: Một lần giải phóng cho dân tộc và có mình trong đó; Lần thứ hai là giải phóng phụ nữ với ý nghĩa là tầng lớp chịu thiệt thòi hơn cả.

Cách mạng Tháng Tám: Mốc son đánh dấu bước ngoặt của thân phận phụ nữ Việt Nam   - Ảnh 4.

Phụ nữ Hà Nội tham gia ủng hộ tài chính trong "Tuần lễ vàng", năm 1945. Ảnh: TTXVN

Trong một thời gian ngắn, Chính phủ đã huy động trong nhân dân được 370 kilôgam vàng, 20 triệu đồng vào "Quỹ độc lập", 40 triệu đồng vào "Quỹ đảm phụ quốc phòng".

Phụ nữ khẳng định vai trò qua hai cuộc kháng chiến

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, phụ nữ đảm trách những vai trò quan trọng. Khi những thanh niên trai tráng trực tiếp tham gia chiến đấu ngoài mặt trận thì ở hậu phương phụ nữ là lực lượng trực tiếp chi viện (sản xuất và vận chuyển  lương thực). Cụ thể trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), một chiến trường ở vùng rừng núi hiểm trở, xa hậu phương hàng trăm cây số, đường vận chuyển độc đạo, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, phụ nữ đã tham gia làm dân công vận chuyển lương thực, thực phẩm và chuyền tải thương binh. Đó là những đóng góp rất quan trọng của chị em phụ nữ góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp, cứu nước kết thúc thắng lợi.

Phong trào Ba Đảm đang

1. Ðảm đang sản xuất, công tác, thay thế nam giới đi chiến đấu;

2. Ðảm đang gia đình, khuyến khích chồng con đi chiến đấu;

3. Ðảm đang phục vụ chiến đấu khi cần thiết.

Đến khi chiến tranh phá hoại nổ ra, cả nước dốc toàn lực cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bên cạnh phong trào "Ba sẵn sàng" của thanh niên thì có phong trào "Ba đảm đang" của phụ nữ. Phong trào phụ nữ Ba đảm đang là một mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam. Với việc tham gia tích cực trong phong trào Ba đảm đang, phụ nữ Việt Nam đã thể hiện được vai trò, khả năng cách mạng to lớn, tinh thần yêu nước, lao động sáng tạo, ý chí tự cường vươn lên, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân của hàng chục triệu phụ nữ thời đại Hồ Chí Minh.

Cách mạng Tháng Tám: Mốc son đánh dấu bước ngoặt của thân phận phụ nữ Việt Nam   - Ảnh 6.

Các nữ xã viên Hợp tác xã đẩy mạnh chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Ảnh: Tư liệu

 "Cho nên, khi đánh giá những nhân tố làm nên thắng lợi của kháng chiến chống Mỹ, nhiều học giả đã cho rằng phong trào 'Ba đảm đang' của phụ nữ đã giúp ổn định hậu phương lớn, nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của chiến trường", giáo sư Giang cho hay.

Cách mạng Tháng Tám: Mốc son đánh dấu bước ngoặt của thân phận phụ nữ Việt Nam   - Ảnh 7.

10 nữ Thanh niên Xung phong hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc, ngày 24/7/1968.

Đó là ở hậu phương, còn tại những nơi "bom chồng lên bom, đạn chồng lên đạn" như ở đường mòn Hồ Chí Minh thì hình ảnh những nữ thanh niên xung phong lại chiếm vai trò chủ đạo. Trong đó có những nữ thanh niên xung phong ngã xuống ở Truông Bồn (Nghệ An) hay ở Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Đó là những tấm gương lẫm liệt, hy sinh ở những nơi tưởng như không phải tuyến đầu để chiến đấu, thì lại là nơi có khi hứng chịu sự nguy hiểm gấp nhiều lần.

Không chỉ dừng lại ở đó, trong các mặt trận khác như Ngoại giao, xuất hiện những nhà ngoại giao nữ xuất sắc như bà Nguyễn Thị Bình, về sau được đánh giá là một trong những nhà ngoại giao nữ tài ba trên thế giới. 

Còn trên mặt trận chỉ huy, bà Nguyễn Thị Định là người chỉ huy phong trào Đồng khởi (1960) để tạo ra một bước ngoặt quyết định cho cách mạng miền Nam, chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Về sau bà Định trở thành Phó Tư lệnh Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam và là nữ Thiếu tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Trong 10 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1965 - 1975), lực lượng Thanh niên Xung phong đã mở được 102 con đường chiến lược với tổng chiều dài 4.130 km, vận chuyển 10 vạn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực cho chiến trường; trực chiến, chốt giữ, bảo đảm 3.000 trọng điểm giao thông quan trọng thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt; san lấp trên 100.000 hố bom...

Trong các giai đoạn tiếp theo, phụ nữ Việt Nam không ngừng vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, trong điều hành đất nước và trong mọi lĩnh vực (khoa học, nghệ thuật…). Thời gian gần đây, phụ nữ dần dần có xu hướng trở thành một lực lượng đông đảo của giới trí thức trẻ, điều này thể hiện ở việc tỷ lệ nữ giới đỗ đại học ngày càng cao hơn nam giới. Trong lĩnh vực KH&CN, số lượng phụ nữ chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng hơn 42%. Ở một số ngành như GD - ĐT, nữ còn chiếm đến 53,2%. Ở các trường đại học lớn, tỷ lệ nữ cán bộ giảng dạy, có trình độ đại học trở lên khá cao, gấp nhiều lần so với những năm ở nửa cuối thế kỷ XX.

Ranh giới giữa nam - nữ chỉ còn là sự khác biệt về mặt sinh học

"Cùng với những thay đổi của đất nước và sự phát triển của cách mạng, năng lượng của phụ nữ Việt Nam ngày càng được giải phóng và phát tiết ra những năng lực tiềm tàng mà trước đó chưa từng có".

Giáo sư Vũ Minh Giang

Đảng Cộng sản Việt Nam rất chú ý tới vai trò của người phụ nữ trong xã hội nói chung và trong việc tham gia quản lý, lãnh đạo trong các cơ quan của Nhà nước, trong các cơ quan của hệ thống chính trị, trong các doanh nghiệp… nói riêng, cho nên ở đại hội nào cũng lưu ý tới chuyện tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo. 

Để nắm bắt cơ hội này, giáo sư Giang cho rằng, phụ nữ Việt Nam trước hết cần phải tự tin vào năng lực của mình. Trong từng điều kiện cụ thể của mỗi người phải học tập, trang bị đầy đủ kiến thức để phát triển ngày càng hiện đại, tự tin, năng động và vững vàng hơn, từng bước khẳng định vị thế của mình trong xã hội.

Cách mạng Tháng Tám: Mốc son đánh dấu bước ngoặt của thân phận phụ nữ Việt Nam   - Ảnh 10.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (thứ hai từ trái qua) và Ban tổ chức Giải thưởng L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học trao giải cho các nhà khoa học nữ.

Thứ hai, trước khi đòi hỏi sự bình đẳng trong xã hội thì trước hết phải bình đẳng trong mỗi gia đình. Bởi ngoài những chức năng đặc biệt (sinh đẻ, nuôi con…) trong khi đó quỹ thời gian của phụ nữ cũng chỉ có như nam giới. Vì vậy, muốn phụ nữ có thể làm tốt các công việc khác thì phải có sự phân công lao động hợp lý giữa người nam và người phụ nữ trong gia đình trên cơ sở thấu hiểu, chia sẻ. Người nam giới trong gia đình phải tạo điều kiện, chia sẻ công việc trong nhà. Đồng thời, người phụ nữ cần phải được tạo mọi cơ hội để được phát triển, cân bằng giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa vị trí và vai trò. 

Thứ ba, phụ nữ cần phải chủ động, trong việc phát hiện những chính sách chưa phù hợp, cản trở sự tiến bộ của nữ giới. Qua đó, tham gia đóng góp, đề xuất những chính sách có lợi đối với sự phát triển của phụ nữ.

Nhìn chung, trong sự phát triển đi lên, giáo sư Giang nhìn nhận ranh giới giữa nam và nữ chỉ còn là sự khác biệt về mặt sinh học, còn về mặt xã hội và tài năng, cũng như tất cả những vấn đề khác có tính chất xã hội - chính trị - xã hội đã không còn sự khác biệt. Ông nhấn mạnh: Thực tế đã cho thấy, những đóng góp to lớn cho gia đình và xã hội, cường độ lao động, tri thức và trí tuệ trong lao động, thời gian lao động của phụ nữ thật đáng kinh ngạc.

Cách mạng Tháng Tám: Mốc son đánh dấu bước ngoặt của thân phận phụ nữ Việt Nam   - Ảnh 12.

Phụ nữ Hà Nội bỏ phiếu bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa I, ngày 6/1/1946. Ảnh: Tư liệu

"Đối với phụ nữ, về một phương diện nào đó, Cách mạng Tháng Tám còn có ý nghĩa lớn hơn tất cả những người bình thường khác".

Giáo sư Vũ Minh Giang

 Theo giáo sư Vũ Minh Giang, nhắc đến Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 là nói đến một dấu mốc lịch sử – chúng ta đã chấm dứt gần một thế kỷ bị ngoại bang nô dịch và tình cảnh đất nước không còn tên trên bản đồ thế giới. Không chỉ vậy, nó còn đánh dấu một bước ngoặt trong sự đổi đời của giới nữ, cùng dân tộc vươn lên để trở thành người sống tự do, nhưng được sống tự do cùng với sự đổi mới là lật đổ chế độ phong kiến, khôi phục địa vị bình đẳng của người phụ nữ trong xã hội.