Cách mới trị “giun bò” ngoằn ngoèo ở tay, chân

13/11/2017 - 11:11
Suy tĩnh mạch chi không chỉ gây phồng tĩnh mạch như “giun” trên da, mà còn gây tắc tĩnh mạch, suy hô hấp và tử vong. Thay vì phải mổ mở nhiều biến chứng, phương pháp đốt nhiệt bằng sóng siêu âm và sóng cao tần giúp bệnh nhân nhanh hồi phục.
Phụ nữ mắc bệnh cao gấp 3-4 lần nam giới

Bà Đỗ Thị T. (62 tuổi, Hà Nội) bị suy tĩnh mạch chi (STMC) cả hai bên chân gần 10 năm, dù thường xuyên đeo tất và đã điều trị thuốc, tiêm xơ nhưng các mạch máu vẫn nổi sùi nhìn rất sợ. Hiện bà rất đau, thường xuyên bị chuột rút, phù chân, đi lại khó.

Sợ phẫu thuật mổ mở, bà cứ cố chịu đau, đến khi không chịu được, bà vào Bệnh viện E TƯ khám thì bệnh đã ở mức độ nặng. Bà được chỉ định điều trị bằng đốt nhiệt. Sau 1 ngày được đốt sóng cao tần, bà đã có cảm giảm dễ chịu, chân bớt phù và giảm đau nhiều, không bị sưng hay bầm tím.

anh-ttsk.jpg
Các bác sĩ BV E phẫu thuật suy tĩnh mạch bằng phương pháp mới cho bệnh nhân T.


ThS Phan Thảo Nguyên, Phụ trách khoa Khám bệnh, Trung tâm Tim mạch, BV E cho biết, STMC là bệnh hay gặp ở người trưởng thành, phụ nữ có tỉ lệ mắc cao gấp 3-4 lần nam giới. Bệnh thường gặp ở phụ nữ có gia đình và mang thai nhiều lần, phụ nữ trẻ làm việc văn phòng, người béo phì và những bệnh nhân lớn tuổi.

STMC có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào trong cơ thể nhưng thường gặp ở chi dưới. Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của bệnh STMC dưới thường mờ nhạt và thoáng qua, người bệnh có biểu hiện: Đau chân, nặng chân, mỏi chân, phù nhẹ khi đứng lâu ngồi nhiều, chuột rút vào buổi tối... Những triệu chứng này thường không rõ ràng nên người bệnh ít chú ý và dễ bỏ qua. Giai đoạn tiến triển bệnh sẽ gây phù chân; thay đổi màu sắc da; nặng hơn thì có thể thấy các búi tĩnh mạch trương phồng nổi rõ trên da...

Không có vết mổ, ra viện ngay trong ngày

Cũng theo ThS Nguyên, đa phần bệnh nhân đến điều trị đều ở mức độ nặng, các tĩnh mạch nổi to như các bó “giun” ngoằn nghèo ở chân. Tuy nhiên, các bó “giun” nổi không sợ bằng các biến chứng ngầm bên trong. Các tĩnh mạch giãn to nếu không được điều trị, sẽ có nguy cơ tạo lập cục máu đông và có thể bong ra, theo dòng máu trôi ngược lên phổi, làm tắc mạch phổi, nguy cơ tử vong cao.

tnh-mch-chi-di-b-suy-gin-300x300.jpgSuy tĩnh mạch có biểu hiện như giun bò ngoằn ngoèo ở chân

Trước nay có nhiều phương pháp điều trị STMC như nội khoa (dùng thuốc); phẫu thuật loại bỏ tĩnh mạch suy; can thiệp nội mạch loại bỏ tĩnh mạch suy bằng tiêm chất tạo bọt... Các phương pháp điều trị này thường hay tái phát và gây biến chứng, di chứng sẹo, đau cẳng chân, đứt tĩnh mạch… Đốt nhiệt bằng sóng cao tần, sóng siêu âm là một phương pháp mới an toàn và ít biến chứng.

Phương pháp này có tỷ lệ thành công cao, điều trị triệt để được tĩnh mạch bị suy, an toàn và ít tai biến. Bệnh nhân được can thiệp bằng ống thông qua da nên không để lại sẹo. Thông thường, bệnh nhân được xuất viện ngay trong ngày điều trị. Đặc biệt, do can thiệp ít xâm lấn nên bệnh nhân hồi phục nhanh, có thể đi lại nhẹ nhàng và trở lại với các hoạt động sinh hoạt, làm việc, tập luyện thể thao trong thời gian một vài ngày. Hạn chế của phương pháp là chi phí lớn, khoảng 15 triệu đồng và chưa được bảo hiểm y tế chi trả.
 
STMC liên quan nhiều đến chế độ ăn uống và làm việc. Để phòng bệnh nên tránh đứng lâu, ngồi nhiều, nhất là nhân viên văn phòng, không nên ngồi làm việc một chỗ liên tục trong suốt buổi làm việc, tranh thủ giải lao, đi lại vận động vài phút trong khoảng thời gian làm việc từ 30 đến 60 phút. Trong lúc ngồi làm việc, có thể phối hợp các bài tập vận động chân như co duỗi các ngón chân, gập duỗi cổ chân, nhón gót... để máu lưu chuyển tốt hơn. Ăn nhiều rau quả, chất xơ, vitamin. Nên tập thể dục để giảm cân như: Bơi lội, đi xe đạp, tập dưỡng sinh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm