Cách “truyền lửa” khởi nghiệp của Hội LHPN TPHCM

Phạm Thương (ghi)
27/08/2022 - 10:00
Cách “truyền lửa” khởi nghiệp của Hội LHPN TPHCM

Một chương trình Cà phê khởi nghiệp “Chia sẻ để vươn cao” được tổ chức trong tháng 3/2022.

Sau gần 4 năm thực hiện, chương trình Cà phê khởi nghiệp “Chia sẻ để vươn cao” do Hội LHPN TPHCM tổ chức đã trở thành diễn đàn hấp dẫn dành cho hội viên, phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và tạo được tiếng vang trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.

Chị Nguyễn Việt Hà, Phó trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN TPHCM đã có những chia sẻ với Báo Phụ Nữ Việt Nam về kinh nghiệm làm nên thành công của Cà-phê khởi nghiệp: "Chia sẻ để vươn cao".

Thưa chị, đâu là lý do Chương trình Cà-phê khởi nghiệp: "Chia sẻ để vươn cao" ra đời?

Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" được Chính phủ phê duyệt đã đi được nửa chặng đường. Thời gian qua, Hội LHPN TPHCM cũng như Hội LHPN các cấp tại TPHCM đã có nhiều chương trình, hoạt động thiết thực nhằm định hướng, hỗ trợ, tiếp sức cho các dự án, mô hình khởi nghiệp do hội viên phụ nữ thực hiện. Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, ngày 18/4/2019, chương trình kỳ 1 của Cà-phê khởi nghiệp "Chia sẻ để vươn cao" được tổ chức tại Viva Star Cafe (phường 14, quận 10, TPHCM) với chủ đề: Kinh doanh online - Xu thế của thời đại…

Chương trình ra đời nhằm mục đích chia sẻ, trao đổi, giới thiệu và hỗ trợ các ý tưởng kinh doanh, phát triển kinh tế của chị em hội viên phụ nữ trên địa bàn. Chương trình có sự tham gia của các doanh nhân, doanh nghiệp có bề dày phát triển bền vững, các chuyên gia "truyền lửa khởi nghiệp", đồng thời chia sẻ, hướng dẫn cách khởi nghiệp thành công và những kỹ năng, chiến lược trong kinh doanh thời đại số...

Cách “truyền lửa” khởi nghiệp của Hội LHPN TPHCM - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Việt Hà, Phó trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN TPHCM.

Chủ đề thực hiện linh hoạt theo thực tế cuộc sống như: Bí quyết vượt khủng hoảng do đại dịch Covid-19; khởi nghiệp trong thời đại 4.0; kinh doanh online - xu thế thời đại; kinh doanh offline và những khó khăn cần hướng giải quyết…

Liệu đây có phải là một hình thức thay đổi mô hình tập hợp thiết thực dành cho chị em phụ nữ?

Cà phê khởi nghiệp thực chất vẫn là hoạt động hỗ trợ, tư vấn cho chị em khởi nghiệp nhưng nó thay đổi về phương thức tổ chức thực hiện. Chị em kinh doanh thường bận rộn, luôn cân nhắc về thời gian tham gia các hoạt động của Hội. Vậy nên, tổ chức một chương trình ở không gian quán cà phê vào các dịp cuối tuần, chị em sẽ dễ sắp xếp thời gian tham gia. Ở đó, các chị vừa giải trí, thư giãn vừa chia sẻ, giải quyết được công việc, quan sát thực tế, học hỏi nhiều mô hình kinh doanh.

Mô hình đã làm thay đổi không gian họp mặt truyền thống bằng không gian cà phê mở. Tại đây, các chị em tự do trò chuyện, trao đổi về những ý tưởng kinh doanh mình quan tâm. Thậm chí, có cả chủ quán cà phê cũng là phụ nữ khởi nghiệp, là thành viên tích cực truyền cảm hứng khởi nghiệp.

Cà-phê khởi nghiệp "Chia sẻ để vươn cao" đã và đang mang lại những lợi ích thiết thực gì cho chị em phụ nữ?

Hiện nay, phụ nữ đang đối mặt với nhiều rào cản trong khởi nghiệp như tiếp cận tài chính, thiếu tự tin, kinh nghiệm trong quản lý, điều hành doanh nghiệp thời đại số... Vậy nên, chương trình góp phần truyền cảm hứng cho chị em. Đặc biệt, thông qua chương trình nếu phát hiện những ý tưởng khả thi nhưng chị em thiếu vốn, chúng ta phải tính phương án vận động hỗ trợ kinh phí hoặc giới thiệu, bảo lãnh nguồn vay để tạo điều kiện cho cho chị em khởi nghiệp.

Các chị còn được tư vấn các hình thức hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ địa điểm, vị trí trưng bày và giới thiệu sản phẩm - doanh nghiệp giúp các chị tiết kiệm được chi phí quảng bá.

Chương trình còn có sự chia sẻ của các khách mời, các chuyên gia, qua đó cung cấp đến chị em hội viên phụ nữ về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để xây dựng, phát triển các kế hoạch, dự án khởi nghiệp.

Hình thức tổ chức trong không gian mở, tạo sự gần gũi, thân thiện và gắn kết. Tại mỗi buổi cà phê chia sẻ, Hội còn tổ chức ghi hình, xây dựng các đoạn clip ngắn tóm tắt nội dung tư vấn từ 03-05 phút, sau đó đăng tải lên các trang thông tin điện tử, các kênh youtube, fanpage... của Hội để các hội viên có thể xem lại.

Đến nay, sau gần 04 năm, chương trình đã thực sự lan tỏa khắp các quận, huyện trong thành phố, về cơ bản đã làm nên thương hiệu Cà-phê khởi nghiệp: "Chia sẻ để vươn cao".

Cách “truyền lửa” khởi nghiệp của Hội LHPN TPHCM - Ảnh 2.

Trao vốn cho hội viên kinh doanh khó khăn do dịch Covid-19 tại chương trình Cà phê khởi nghiệp “Chia sẻ để vươn cao” do Hội LHPN TPHCM tổ chức.

Vậy đâu là những khó khăn, thách thức để duy trì Cà-phê khởi nghiệp: "Chia sẻ để vươn cao", thưa chị?

Với khoảng không gian nhỏ của các quán cà-phê, số lượng phụ nữ có các dự án khởi nghiệp mong muốn được tham gia chương trình còn hạn chế, số lượt chị em được các chuyên gia tư vấn hỗ trợ không nhiều, đây một trong những hạn chế của chương trình.

Ngoài ra, chương trình còn cần thêm sự tham gia, tư vấn của các doanh nhân nổi tiếng đã khẳng định vị trí trên thị trường, có kinh nghiệm quản lý và sẵn sàng chia sẻ, đầu tư để chương trình có thêm nguồn lực phát triển và hỗ trợ cho nhiều dự án khởi nghiệp của hội viên phụ nữ hơn nữa.

Xin cảm ơn Chị!

Qua gần 4 năm triển khai chương trình, các cơ sở Hội trên địa bàn 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã nhân rộng và điều chỉnh cách thức tổ chức mô hình cho phù hợp với tình hình thực tế của mỗi đơn vị. Riêng Hội LHPN TPHCM, sau 8 kỳ tổ chức đã có gần 400 dự án được trực tiếp tư vấn hỗ trợ.




Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm