Cải thiện môi trường sống từ xử lý rác tại hộ gia đình

CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG SỐNG TỪ XỬ LÝ RÁC THẢI TẠI HỘ GIA ĐÌNH

Bằng việc xây dựng “Tổ phụ nữ xử lý rác tại hộ gia đình”, Hội LHPN huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) đã cải thiện hành vi đối xử với môi trường của các hội viên thông qua việc xử lý và phân loại rác tại nguồn. Qua đó thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn huyện Tân Phú Đông.

Tân Phú Đông là huyện cù lao của tỉnh Tiền Giang nên công tác thu gom và xử lý rác thải còn gặp nhiều khó khăn, đơn vị thu gom chỉ thực hiện thu gom rác theo các tuyến đường chính dọc theo đường tỉnh 877B và các tuyến đường huyện. 

Những địa bàn dân cư sống xa khu trung tâm như ven đê, các tuyến đường nhánh nhỏ tại các ấp, rác thải sinh hoạt của người dân chủ yếu do người dân tự xử lý như đốt, đào hố chôn,… làm ảnh hưởng đến môi trường.

Cải thiện môi trường sống từ xử lý rác tại hộ gia đình - Ảnh 1.

Các hội viên huyện Tân Phú Đông chăm sóc đường hoa tại địa phương

Theo bà Lê Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Phú Đông, hiện nay Hội có nhiều mô hình về bảo vệ môi trường như: "Tổ Phụ nữ tiết kiệm giúp nhau xây nhà vệ sinh", "Tuyến đường xanh - sạch - đẹp", "Tổ Phụ nữ xử lý rác tại hộ gia đình"… Mô hình nào cũng hoạt động hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ, đặc biệt là trong việc bảo vệ môi trường tại gia đình và cộng đồng. Nhưng trong đó, nổi bật nhất là mô hình "Tổ phụ nữ xử lý rác tại hộ gia đình".

Để thực hiện mô hình này, Hội đã nghiên cứu để hướng dẫn Hội cơ sở về quy mô xây dựng mô hình, cách thức tổ chức, đối tượng, điều kiện thành lập và mục tiêu thực hiện mô hình. Ban đầu thực hiện thí điểm mỗi xã thành lập 1 tổ với số lượng từ 20 đến 30 thành viên. Mỗi tổ bầu chọn ra ban quản lý tổ gồm tổ trưởng, tổ phó và thư ký. Chi hội phụ nữ làm tổ trưởng của mô hình.

Cải thiện môi trường sống từ xử lý rác tại hộ gia đình - Ảnh 3.

Để thực hiện mô hình này, Hội đã nghiên cứu để hướng dẫn Hội cơ sở về quy mô xây dựng mô hình, cách thức tổ chức, đối tượng, điều kiện thành lập và mục tiêu thực hiện mô hình

Trong đó, mỗi thành viên tham gia mô hình phải phấn đấu đạt các tiêu chí như: Không xả rác bừa bãi tại gia đình và đường làng, ngõ xóm ở khu dân cư; có thùng rác tại hộ gia đình, biết và thực hiện phân loại rác; biết xử lý rác tại hộ gia đình, trong đó thành viên được hướng dẫn và thực hành xử lý rác hữu cơ bằng cách thực hiện ủ rác hữu cơ bằng thùng composite hoặc sử dụng ủ bằng những vật dụng sẵn có tại gia đình hoặc chôn lấp, mỗi hố rác một cây xanh; duy trì việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ trong nhà và ngoài môi trường xung quanh.

Cải thiện môi trường sống từ xử lý rác tại hộ gia đình - Ảnh 4.

Bà Lê Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Phú Đông - hướng dẫn bà con phương pháp ủ phân hữu cơ

Để mô hình được sự đồng thuận và hoạt động với hiệu quả cao, Hội phụ nữ cơ sở đã tuyên truyền trong hội viên phụ nữ có ý thức bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi, hướng dẫn chị em nhận biết rác hữu cơ và rác vô cơ và thực hiện phân loại rác tại hộ gia đình.

Cải thiện môi trường sống từ xử lý rác tại hộ gia đình - Ảnh 5.

Hội viên, phụ nữ kiểm tra phân sau khi được phân hủy thành phân compost để bón cho cây trồng

Từ hướng đi chính xác và cách thực hiện hiệu quả, năm 2020, đã có 6 tổ được thành lập tại 6 xã với 132 thành viên. Hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện đều nhận thức đúng về vệ sinh môi trường, thực hiện chuyển đổi hành vi trong việc thu gom và xử lý rác tại hộ gia đình, thực hiện vệ sinh môi trường trong gia đình và ngoài cộng đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện ủ rác làm phân compost vừa giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cho hộ dân tiết kiệm được chi phí trong trồng trọt. Phân compost được dùng bón cho cây trồng rất tốt, có thể thay thế cho các loại phân hữu cơ được bán trên thị trường.

Cải thiện môi trường sống từ xử lý rác tại hộ gia đình - Ảnh 6.

Lễ ra mắt tuyến đường xanh - sạch - đẹp của xã Tân Thới, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang

Thấy được hiệu quả thiết thực của mô hình, năm 2021 - 2022, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện tiếp tục chỉ đạo nhân rộng tại các ấp trên địa bàn 6 xã, trong các cuộc sinh hoạt chi, tổ hội tiếp tục tuyên truyền và giới thiệu về mô hình để chị em làm theo. Đến nay toàn huyện nhân rộng được 28 tổ/35 ấp tại 6 xã với 704 thành viên tham gia.

Cải thiện môi trường sống từ xử lý rác tại hộ gia đình - Ảnh 7.

Hội LHPN huyện Tân Phú Đông có nhiều hoạt động bảo vệ môi trường thiết thực được đánh giá cao

Thấy được những hiệu quả của mô hình, nhiều chị em hội viên đã đồng tình hưởng ứng, tích cực thực hiện tại hộ gia đình. Đến nay trên địa bàn huyện có trên 90% hộ hội viên, phụ nữ thực hiện chuyển đổi hành vi trong việc thu gom và xử lý rác tại hộ gia đình, thực hiện vệ sinh môi trường trong gia đình và ngoài cộng đồng.

Mô hình "Tổ phụ nữ xử lý rác tại hộ gia đình" đã góp phần giải quyết những vấn đề về vệ sinh môi trường tại gia đình và cộng đồng tại huyện Tân Phú Đông. Hội viên, phụ nữ cảm thấy phấn khởi và rất vui mừng khi được Hội tạo điều kiện để các chị tiếp cận với phương pháp xử lý rác tại nhà, vừa giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra, vừa giúp cho hộ có phân bón cho cây trồng tiết kiệm được chi phí. Qua đó các chị càng tin tưởng hơn, gắn bó hơn đối với tổ chức Hội.

Mô hình "Tổ phụ nữ xử lý rác tại hộ gia đình" còn góp phần thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Linh An (thực hiện)

Xuất bản: 27/10/2022