Coi con tàu và thuỷ thủ là gia đình thứ 2 của mình
Mùa Xuân rực rỡ đã về trên mọi nẻo đường đất nước. Giữa biển khơi mênh mông của Trường Sa, con tàu thuỷ mang hàng chữ Kiểm Ngư Việt Nam vẫn hiên ngang, sừng sững mải miết theo hải trình của mình. Các thuỷ thủ trên tàu đã cùng nhau đón mùa Xuân mới giữa biển khơi với niềm tự hào đặc biệt của ngày Tết. Họ tuy đến từ nhiều miền quê khác nhau, nhưng có chung một niềm vinh dự là được thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biển trời của Tổ Quốc vào lúc mùa Xuân mới đang về.
Căn phòng truyền thống xinh xắn của con tàu KN 409 được các thuỷ thủ trang trí đầy sắc Xuân, có cây mai vàng, mâm ngũ quả, bánh chưng và cả những câu đối Tết...
Có mặt trên con tàu KN 409, Bí thư Chi bộ Trần Văn Lai, quê gốc ở Quảng Ngãi, nhưng anh sinh ra, lớn lên ở thành phố biển Cam Ranh. Không giấu nổi niềm tự hào, anh chia sẻ: "Em thực hiện nhiệm vụ ở Chi đội kiểm ngư số 4 đến nay được 3 năm, đây là lần thứ 2 em đón Xuân mới trên biển cùng anh em thuỷ thủ của tàu. Lần đầu tiên, em đón Tết trên biển là năm 2020".
Chàng thuỷ thủ còn trẻ, chưa lập gia đình nhưng với gương mặt rắn rỏi, ánh mắt kiên định bảo: "Thực hiện nhiệm vụ trên biển đúng dịp Tết vừa là vinh dự, tự hào của em. Trước khi đi biển, em đã điện thoại về chúc Tết bố mẹ và cả gia đình. May mắn là em luôn nhận được sự động viên của cả gia đình, nên trước ngày đi biển, mẹ em còn bảo: "Con có nhiệm vụ thì cứ yên tâm đi làm, sau Tết được nghỉ thì về chơi với bố mẹ sau".
"Với em, mỗi lần đón Xuân mới trên biển đều có cảm xúc rất đặc biệt. Trên bờ thì có pháo hoa, có đèn trang trí rực rỡ khắp phố phường, mọi gia đình sum họp bên nhau, còn chúng em trực sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo và cùng hoà mình vào không khí đón Xuân mới trên tàu. Mỗi thuỷ thủ chúng em đều coi tàu là gia đình thứ 2 của mình, anh em tự mang tiếng cười, niềm vui hạnh phúc gia đình dành cho nhau để vơi bớt nỗi nhớ nhà" – Trần Văn Lai tâm sự.
Chưa hết nhiệm vụ, chưa thể về nhà
Với Chi đội kiểm ngư số 4, anh Cao Xuân Hải, quê ở Quảng Bình là người đã gắn bó với con tàu KN 418 đến nay là 28 năm. Trên gương mặt dạn dày nắng và gió biển, nụ cười lành hiền, anh tự hào bảo: "Tôi có 14 lần đón năm mới trên biển. Thời gian gắn bó với con tàu, với tôi đó như ngôi nhà thứ 2 của mình, nên chưa khi nào muốn lên bờ. Nếu chưa hết nhiệm vụ, tôi chưa thể về nhà".
Anh Cao Xuân Hải cho biết, vợ anh là cô giáo cấp 2, cũng thay anh chăm lo cho 2 con khôn lớn, chăm sóc cha mẹ già 2 bên ở quê nhà mà chưa bao giờ phàn nàn về chuyện anh thường xuyên vắng nhà. Mỗi lần về phép ít ỏi cũng chỉ đủ cho vợ chồng động viên nhau tiếp tục phấn đấu trong công việc, giữ sức khoẻ để cả gia đình an tâm hơn. "Năm ngoái tôi cũng đón Xuân mới trên biển, gia đình tôi có 4 anh em đều theo nghề quân đội, nên vợ con cũng quen với việc tôi đi làm nhiệm vụ trên biển bất cứ thời gian nào và không biết rõ ngày về. Chỉ khi nào về đến nhà, vợ con và gia đình mới lấy đó làm ngày sum họp. Không chỉ năm nay, mà kể cả năm tới, tôi vẫn sẵn sàng đón Tết trên biển, nếu được cấp trên giao nhiệm vụ" – anh Hải bình thản nói.
Mỗi chuyến đi biển dịp Tết lại giúp em hoàn thiện bản thân hơn
Đang lúi húi sắp xếp lại những vật dụng trên boong tàu, Ngô Văn Duy, chàng thuỷ thủ sinh năm 1992, là Phó Thuyền trưởng tàu KN 409, quê ở Phú Yên cũng lần thứ 2 đón Xuân mới trên biển. "Lần đầu là năm 2019, em khi ấy chưa cưới vợ, năm nay là lần thứ 2 xa nhà vào dịp Tết, cô bạn gái năm đó, giờ đã là vợ em và mới sinh con trai đầu lòng. Trước lúc xuống tàu, em đã điện thoại chúc Tết bố mẹ và động viên vợ con, nên đi biển em luôn an tâm với nhiệm vụ được giao" – Ngô Văn Duy cười tươi kể.
Học xong lớp 12, Ngô Văn Duy tình nguyện vào Chi đội kiểm ngư số 4 nhận nhiệm vụ. Từ nhỏ Duy luôn đón Tết cùng gia đình trong đầm ấm, nhưng từ khi xác định chọn nghề, cả nhà luôn động viên Duy an tâm phục vụ đất nước. "Mỗi chuyến đi biển và đón năm mới trên biển đều rất thiêng liêng, cũng là một lần giúp em hoàn thiện bản thân, tác phong công tác và làm sao để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao" – Duy bộc bạch.
Còn với chàng thuyền trưởng Trần Xuân Dương, quê gốc ở Bình Định, nhưng anh sinh ra và lớn lên ở Khánh Hoà. Anh bảo, trong 10 năm công tác, thì 7 năm anh gắn bó ở Chi đội kiểm ngư số 4. Với anh, đây là lần thứ 3 đón Tết trên biển, lần gần nhất là năm ngoái. Thuyền trưởng Dương bảo: "Với chúng tôi, chỉ lần đầu hơi bỡ ngỡ, còn từ lần thứ 2, 3 trở đi đều thấy ăn Tết trên biển cũng bình thường. Là thuyền trưởng, tôi phải tổ chức cho lễ đón Xuân mới trên biển thật vui, để anh em thuỷ thủ vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình, vợ con".
Dẫu vậy, đón mùa Xuân mới trên biển đôi khi không như ý của thuyền trưởng hay các thuỷ thủ mong muốn. Thuyền trưởng Dương kể: "Cũng có năm thời tiết khắc nghiệt, anh em tàu đang tổ chức đón giao thừa, bất ngờ nhận được lệnh gấp phải đi cấp cứu cho ngư dân. Cũng có khi biển động, sóng quá lớn, các anh em phải dọn dẹp, cố định lại các trang thiết bị, vật dụng trên tàu để tránh bị đổ vỡ khi tàu bị lắc mạnh. Lễ đón Xuân mới vì thế cũng phải bỏ dở hoặc không thể thực hiện. Anh em thuỷ thủ đành đón năm mới trong không gian lặng lẽ, mà không ai nao núng. Mỗi lần cũng nhau vượt qua khó khăn, nguy hiểm, các thuỷ thủ lại càng quyết tâm làm tốt hơn nữa nhiệm vụ đặc biệt được giao đúng dịp Tết.
"Với chúng tôi, 3 ngày đầu năm mới trên biển không thiếu thứ gì về đồ ăn, không khí đón Tết trên tàu cũng được bày trí ấm áp, đủ đầy như ở nhà. Chỉ có điều chắc chắn trong lòng mỗi thuỷ thủ đều có một nỗi niềm, một cảm xúc đặc biệt của những ngày đầu năm mới trên biển" – Thuyền trưởng Dương bộc bạch.
Với nhiều thuỷ thủ, thời khắc đón năm mới trên biển có lẽ ấn tượng nhất chính là được tự tay kéo những hồi còi dài ngân vang giữa trùng khơi, rồi như để hồi còi ấy hoà tan vào từng đợt sóng biển, vào màn đêm tĩnh lặng của biển trời Trường Sa. Như lời các thuỷ thủ tàu kiểm ngư muốn nhắn gửi về đất liền một tấm lòng kiên trung luôn hướng về quê hương đất Mẹ, sẵn sàng chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc.