Cần đảm bảo cơ hội tương đồng với nam giới cho nữ ứng viên ĐBQH và HĐND các cấp

PV
19/06/2020 - 17:28
Cần đảm bảo cơ hội tương đồng với nam giới cho nữ ứng viên ĐBQH và HĐND các cấp

Bà Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo diễn ra ngày 19/6, bà Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đề xuất giải pháp tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp. Trong đó, cần đảm bảo cơ hội ứng cử của phụ nữ theo nguyên tắc tương đồng với nam giới; thực hiện nghiêm quy định "ít nhất 35% nữ vào hiệp thương vòng 3"; cũng như bản thân nữ ứng viên cần chuẩn bị sẵn sàng, nắm bắt cơ hội tham gia các cơ quan dân cử.

Sáng nay (19/6), TƯ Hội LHPN Việt Nam và Quỹ châu Á tổ chức Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm và sáng kiến nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhận định: Dù chỉ chiếm chưa tới 30% trong Quốc hội và HĐND các cấp nhưng phụ nữ đã và đang tham gia, đóng góp tích cực trong các hoạt động của cơ quan dân cử, đóng góp tích cực vào công tác lập pháp, giám sát thực hiện chủ trương, chính sách và pháp luật…

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Nguyệt, thực tế, tỷ lệ nữ trong Quốc hội trong nhiệm kỳ hiện tại không tăng so với nhiệm kỳ trước. Còn tỷ lệ này ở HĐND các cấp có tăng nhưng không đáng kể. Cả Quốc hội và HĐND các cấp không đạt tỷ lệ từ 35% đến 40% nữ đại biểu như Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị đặt ra.

Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này, theo bà Lê Thị Nguyệt, về quy định pháp luật, mặc dù Quốc hội đã sửa đổi tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng có lộ trình, nhưng thực tế tuổi nghỉ hưu vẫn sẽ là một rào càn lớn để phụ nữ khó có thể thực hiện được cơ hội bình đẳng thật sự của mình cho đến khi đạt 60 tuổi nếu các văn bản về đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, ứng cử, đề cử… vẫn lấy tuổi nghỉ hưu làm mốc đưa ra các quy định về độ tuổi để giới thiệu, đề bạt.

Đưa ra một số giải pháp tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp, bà Lê Thị Nguyệt đề xuất: Cần phải đảm bảo cơ hội ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp của phụ nữ theo nguyên tắc tương đồng với nam giới. Trong đó, về tiêu chuẩn ứng cử, không để cho một giới (thực tế là phụ nữ) phải gánh thêm nhiều cơ cấu về dân tộc, về chính trị hoặc các cơ cấu khác.

Cách thức bảo đảm bình đẳng khi có thêm tiêu chuẩn kép nên được thực hiện tương tự như quy định đã có trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 là 40% nam, 40% nữ, 20% còn lại tùy thuộc tình hình thực tế tại thời điểm quyết định tiêu chuẩn đại biểu dân cử.

Về tỷ lệ, theo bà Lê Thị Nguyệt, cần thực hiện đúng quy định của luật bầu cử ĐBQH, HĐND: "Ít nhất 35% nữ vào hiệp thương vòng 3 theo hướng địa phương, cơ quan, đơn vị được cơ cấu, thành phần giới thiệu ứng cử viên đã được phân bổ chỉ tiêu nữ". Nếu không có ứng cử viên nữ, thì không lấy nam giới thay thế chỉ tiêu nữ.

Cần đảm bảo cơ hội tương đồng cho nữ ứng viên ĐBQH và HĐND các cấp - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương (thứ 4 trái qua) cùng các đại biểu bên lề hội thảo

Bên cạnh đó, bà Lê Thị Nguyệt nhấn mạnh: Nhất thiết phải trao cơ hội và bảo đảm để Hội LHPNVN cử thành viên tham gia Hội đồng bầu cử, tổ bầu cử; là thành viên chính thức của MTTQVN trong hiệp thương ĐBQH và HĐND các cấp.

Cùng với đó, Đại diện Hội LHPNVN các cấp tham gia công tác bầu cử phải là người am hiểu, trách nhiệm để tham gia hiệu quả công tác hiệp thương, phát huy vai trò trong các tổ bầu cử.

Theo bà Lê Thị Nguyệt, Hội LHPNVN, các cơ quan, tổ chức hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ từ trung ương đến địa phương và các tổ chức khác cần hỗ trợ phụ nữ bằng các hoạt động thiết thực như phát hiện nguồn, bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng, Nhà nước, MTTQVN để xác định và phân bổ cơ cấu, thành phần phù hợp đảm bảo sự tham gia của phụ nữ.

Hội LHPNVN cần phát hiện nguồn nhân lực nữ đủ tiêu chuẩn làm đại biểu dân cử để sẵn sàng đề xuất, kiến nghị và giới thiệu bổ sung, thay thế trong trường hợp chưa đủ tỷ lệ nữ theo quy định.

Ngoài ra, lãnh đạo Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng lưu ý tới việc đảm bảo bình đẳng giới trong truyền thông bầu cử, thúc đẩy sự quan tâm của cử tri tới cả 2 giới, giúp cử tri nam và nữ hiểu lý do cần có sự tham gia bình đẳng của đại biểu nam và nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp…

Theo bà Lê Thị Nguyệt, nữ ứng viên ĐBQH, HĐND cần có kỹ năng, phương pháp chuẩn và trình bày chương trình hành động trước cử tri.

Thứ nhất, bản thân phụ nữ làm việc trong các lĩnh vực phải tự trang bị kiến thức, kỹ năng, thể hiện năng lực để các cơ quan, tổ chức và nhân dân đánh giá, ghi nhận trong suốt quá trình làm việc.

Thứ 2, sau khi được giới thiệu trước thành ứng cử viên, phụ nữ cần tìm hiểu sâu các quy định pháp luật, các vấn đề thực tế liên quan đến cử tri địa phương, đặc biệt là đời sống của phụ nữ, trẻ em và các vấn đề an sinh xã hội để xác định nội dung viết chương trình hành động tiếp xúc cử tri cho sát thực. Các cơ quan, tổ chức cần hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm đại biểu và kỹ năng, phương pháp chuẩn bị và trình bày chương trình hành động trước cử tri cho nữ ứng cử viên ngay từ sau hiệp thương vòng 1 để có thời gian chuẩn bị chu đáo và hiệu quả.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm