Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ chiều 30/5. |
Tổ 7 gồm đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Giang, Cà Mau, Đồng Tháp. Phát biểu tại phiên thảo luận chiều ngày 30/5, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà, đoàn Bắc Giang, bày tỏ sự đồng tình với với quan điểm của Chính phủ "về nguyên tắc không xem xét giải quyết tố cáo nặc danh, không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo".
Tuy nhiên, đại biểu Thu Hà đề nghị có quy định cách thức xử lý trong trường hợp tố cáo nặc danh, không rõ tên, địa chỉ người tố cáo nhưng có thông tin rõ ràng, có thông tin sự kiện cụ thể, có tài liệu, băng hình kèm theo… để chứng minh cho việc tố cáo và cơ quan Nhà nước không gặp khó khăn khi xác minh, kết luận vụ việc. Vì thực tế người tố cáo thường là cấp dưới, ở thế yếu, bị phụ thuộc nhiều vào người bị tố cáo, có tâm lý lo sợ bị mất việc làm, bị đe dọa tính mạng, tài sản. Như tờ trình đã nêu, có không ít trường hợp người tố cáo bị trả thù, bị trù dập, do đó, người tố cáo sẽ không nêu rõ họ tên, địa chỉ.
Đại biểu Thu Hà kiến nghị sửa đổi khoản a, điểm 1 Điều 22 của dự thảo quy định về trường hợp không xác định được danh tính, địa chỉ người tố cáo. Quy định này cần phải chia thành 2 trường hợp, trường hợp thứ nhất là đơn nặc danh không có chứng cứ, như quy định của Dự thảo. Trường hợp thứ 2 là đơn kèm theo các chứng cứ, thì cần phải báo cáo người có thẩm quyền xác minh nội dung thông tin và xử lý.
Về nội dung Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo (Điều 10), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà kiến nghị, tại khoản 1, bổ sung quy định người bị tố cáo có quyền được giữ bí mật thông tin về nhân thân và nội dung sự việc nếu sự việc gây tổn hại nghiêm trọng tới người bị tố cáo hay người thân thích của họ trước khi chứng minh được nội dung tố cáo là đúng.
Theo báo cáo tổng kết 4 năm thi hành Luật khiếu nại, tố cáo, các cơ quan đã tiếp nhận và giải quyết 33.510 vụ việc trong tổng số 38.333 vụ việc thuộc thẩm quyền. Trong đó, có 12,4% tố cáo đúng; 28,3% tố cáo có đúng có sai; 59,3% tố cáo sai.
Đồng thời, đại biểu Thu Hà đề nghị nghiên cứu để bảo vệ quyền nhân thân của người bị tố cáo như hình ảnh, tính mạng, sức khỏe, thân thể, danh dự, nhân phẩm, uy tín… và người thân thích của họ trước khi chứng minh được nội dung tố cáo là đúng.
Tổ 7 gồm đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Giang, Đồng Tháp, Cà Mau |
Về Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo được bảo vệ (Điều 41), đại biểu Thu Hà cho rằng: Điểm a, khoản 1 quy định: “Yêu cầu người giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ mình hoặc người thân thích của mình khi có căn cứ xác định…”. Tại điểm này, đại biểu Thu Hà cho rằng quy định “khi có căn cứ xác định” sẽ gây khó cho người tố cáo nhận biết được khi nào là có căn cứ. Đồng thời cần phải lượng hóa những tiêu chí, điều kiện cụ thể để người tố cáo thực hiện quyền “được bảo vệ” và làm căn cứ cho các cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ hay không.
Ngoài ra, đại biểu Thu Hà cũng đề nghị nghiên cứu mở rộng đối tượng bảo vệ là người cung cấp chứng cứ, thông tin sai phạm cho người tố cáo; người cung cấp những thông tin cho cơ quan có thẩm quyền trong quá trình thẩm tra, xác minh nội dung tố cáo.