Cần khuyến khích tính sáng tạo của các địa phương, ngành trong cụ thể hóa mục tiêu “hạnh phúc”

PV (thực hiện)
27/03/2021 - 09:00
Cần khuyến khích tính sáng tạo của các địa phương, ngành trong cụ thể hóa mục tiêu “hạnh phúc”

Ảnh minh họa

Yếu tố "hạnh phúc" là một điểm nhấn được nhắc đến nhiều lần trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Chủ trương này làm sâu sắc hơn giá trị lớn lao của 6 chữ "Độc lập-Tự do-Hạnh phúc".

Trao đổi với PNVN, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), cho biết: Mục tiêu phấn đấu của Cách mạng nước ta từ lâu rồi, từ khi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, khát vọng rất lớn của Bác là làm sao đất nước được độc lập, đồng bào được tự do, hạnh phúc. Sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, tiêu ngữ "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" đã đi liền cùng Quốc hiệu Việt Nam, từ "Việt Nam Dân chủ cộng hoà" và sau này là "Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Đấy chính là mục tiêu phấn đấu của Cách mạng, của Đảng, Nhà nước ta khi đất nước giành được độc lập.

Trong thư của Bác Hồ gửi Ủy ban nhân dân các cấp vào ngày 17/10/1945 có câu: "Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì cả". Mục tiêu của Cách mạng là ta phải giành được độc lập, rồi từ cái độc lập ấy mới phát triển đất nước để mang lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Nếu không phấn đấu cho mục tiêu "tự do", "hạnh phúc" thì "độc lập cũng không có nghĩa lý gì" như Bác từng nói.

Sau này khi đất nước thống nhất năm 1975, Đảng ta đã đề ra mục tiêu: Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân. Mục tiêu "hạnh phúc của nhân dân" đã được đề ra trong các Nghị quyết Đại hội. Từ khi Đổi mới, mục tiêu "hạnh phúc" càng rõ hơn, đất nước ta có điều kiện hơn để hiện thực hoá mục tiêu này. Đến Đại hội XIII, Đảng đã đề ra mục tiêu chiến lược, trong đó có nội dung kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Mục tiêu cụ thể của nhiệm kỳ khoá XIII là: Đến năm 2025, đất nước vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Năm 2020, Việt Nam đạt thu nhập bình quân đầu người là 2.779 USD/người, gấp khoảng 10 lần so với trước Đổi mới. Từ nay đến 2025, chúng ta phải đạt thu nhập bình quân đầu người là 4.700-5.000 USD/người mới vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, mục tiêu của chúng ta là đạt thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Cả mục tiêu cụ thể và mục tiêu chiến lược của Đảng đều hướng đến phát triển đất nước. Phát triển ở đây không chỉ có phát triển kinh tế mà còn là phát triển văn hoá-xã hội, phát triển con người... Tất cả những mục tiêu phát triển đó đều hướng đến vấn đề trung tâm là hạnh phúc của nhân dân. Có thể nói, đây chính là sự vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về hạnh phúc của đồng bào và cũng là của chủ nghĩa Mác-Lênin. Mác từng có câu nói nổi tiếng: "Người nào mang lại hạnh phúc cho nhiều người nhất thì người đó hạnh phúc nhất".

Cần khuyến khích tính sáng tạo của các địa phương, ngành trong cụ thể hóa mục tiêu “hạnh phúc” - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

- Theo ông, để hiện thực hoá mục tiêu "hạnh phúc của nhân dân", nâng cao chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, chúng ta cần làm gì?

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Vừa qua, trong Đại hội Đảng bộ của các tỉnh, có Yên Bái đưa chỉ số hạnh phúc vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, phấn đấu vì hạnh phúc của người dân địa phương. Theo tôi, chúng ta nên khuyến khích các địa phương sáng tạo, đưa ra những tiêu chí và sắp tới mình cũng phải làm trên quy mô toàn quốc để có những chỉ số hạnh phúc phù hợp với đất nước mình. Hiện nay trên thế giới, hàng năm đều có công bố xếp hạng các quốc gia hạnh phúc. Mình có thể căn cứ vào kinh nghiệm của các nước, vào điều kiện của đất nước mình, nhất là tính ưu việt của chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa để cụ thể hoá mục tiêu "hạnh phúc" cho phù hợp.

Theo tôi, hạnh phúc không chỉ là về vật chất mà còn ở tinh thần, ở chất lượng cuộc sống, chứ không chỉ mức sống. Về chất lượng cuộc sống, đó có thể được thể hiện ở mức độ hài lòng của người dân, là sự yên tâm khi được sống trong một xã hội an toàn, là sự hạnh phúc khi bình đẳng giới có trong mỗi gia đình, các thành viên quan tâm, yêu thương nhau, không có bạo lực gia đình, bạo hành với phụ nữ, trẻ em.

Tôi cho rằng, mục tiêu "hạnh phúc" không phải cái gì cao siêu mà ở trong cuộc sống của mỗi người. Mỗi người hạnh phúc thì sẽ có quốc gia hạnh phúc. Mục tiêu đó phải đi vào chương trình hành động của các địa phương, các ngành trong thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

- Muốn khơi dậy khát vọng đó trong mỗi người dân Việt Nam nói chung, phụ nữ nói riêng, chúng ta cần chú trọng điều gì, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Theo tôi, việc khơi dậy khát vọng trước hết là từ trong mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý, từ trong tổ chức Đảng, chính quyền để họ phải thấy đó là trách nhiệm của mình. Người cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với thách thức để đưa địa phương của mình, ngành, lĩnh vực do mình phụ trách phát triển vì hạnh phúc của người dân. Đồng thời, phải làm sao để người dân biết nuôi dưỡng khát vọng vươn lên, khát vọng làm giàu một cách chính đáng, hợp pháp.

Được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước ta, phụ nữ Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế bắt nguồn từ sự đồng bộ trong hệ thống chính sách của ta chưa thực sự hoàn chỉnh để tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển. Làm sao để đạt được bình đẳng trong chính sách tiền lương, trong thu nhập, tạo điều kiện cho phụ nữ làm việc... Về phía chủ quan, vẫn còn những phụ nữ cam chịu, chưa thật sự có khát vọng vươn lên. Để khơi dậy khát vọng trong mỗi người phụ nữ, tôi cho rằng cần có sự vào cuộc của nhiều tổ chức, cơ quan, trong đó có cơ quan truyền thông báo chí, để động viên, khích lệ ý chí, nghị lực vươn lên của người phụ nữ, góp sức xây dựng và phát triển đất nước.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2021 của Liên hợp quốc, Việt Nam đã thăng hạng từ vị trí thứ 83 lên 79, trên nước láng giềng Trung Quốc (84) hay một số quốc gia Đông Nam Á như Malaysia (81), Myanmar (126).

Báo cáo do Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc công bố ngày 19/3/2021. Bảng xếp hạng dựa trên 6 yếu tố: Tổng sản phẩm quốc nội trên đầu người, tuổi thọ, quyền tự do, sự hào phóng, phúc lợi xã hội và tình trạng tham nhũng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm