Cần làm gì khi chồng cũ mang con đi sau ly hôn?

Đinh Thu Hiền
01/04/2022 - 07:28
Cần làm gì khi chồng cũ mang con đi sau ly hôn?

Ảnh minh họa

Ngày càng có nhiều vụ việc người mẹ vất vả trong hành trình đi đòi con, gặp con do chồng cũ mang con đi giấu hoặc không cho phép gặp mặt. Trong các hoàn cảnh này, người phụ nữ cần phải làm gì?

Trong vụ án bạo hành dã man bé gái 8 tuổi tại Bình Thạnh, TPHCM, bị can Nguyễn Kim Trung Thái là cha ruột của bé N.T.V.A đã không cho phép cháu bé gặp mẹ thời gian dài. Trong hơn 1 năm đó, mẹ của V.A không có thông tin gì về con, không được gặp con nên đã không thể bảo vệ được con mình khỏi sự bạo hành của cha ruột và dì kế.

Ở một trường hợp khác, trong lá đơn cầu cứu gửi về Báo PNVN, chị Nguyễn Thị Thanh H. đã kể về tình cảnh chồng cũ lén đưa hai con đi nước ngoài sinh sống sau ly hôn. Hơn 2 năm nay, chị mất tin tức của các con. Các con không được nói chuyện và gặp mẹ. Chị Thanh H. vô cùng đau buồn vì chuyện này.

Trong vụ việc người cha mang giấu con gái sau ly hôn tại TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, chị Đặng Nguyễn Bảo Ngọc hàng ngày đi tới lui các cơ quan công quyền mong được giúp đỡ để chồng cũ sớm trả lại con cho chị theo quyết định của tòa án và chi cục Thi hành án.

Với các trường hợp như vậy, người phụ nữ cần phải làm gì để đòi lại quyền lợi cho bản thân và con cái? Giải đáp câu hỏi này, luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn Luật sư TPHCM, Chi hội luật sư, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM, cho biết, Điều 81 luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.

"Như vậy, với quy định trên, sau khi ly hôn, tức bản án ly hôn của Toà án đã có hiệu lực pháp luật thì chỉ có ý nghĩa chấm dứt quan hệ pháp lý giữa vợ chồng, còn quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với con cái vẫn phải được đảm bảo thực hiện. Nhưng trên thực tế, nhiều cặp vợ chồng sau khi ly hôn luôn muốn chấm dứt tất cả quan hệ đối với bên còn lại bao gồm tất cả các vấn đề liên quan đến bản thân giữa hai vợ chồng cũng như quan hệ giữa người không trực tiếp nuôi con", luật sư Đỗ Ngọc Thanh phân tích.

Cũng theo luật sư Thanh, mặc dù pháp luật đã nghiêm cấm hành vi ngăn cản quyền thăm nom con và trong bản án của tòa án luôn nêu rõ quyền thăm nuôi con nhưng trong nhiều trường hợp, người trực tiếp nuôi con luôn tìm mọi cách để ngăn cản quyền thăm nuôi con của bên còn lại. Theo đó, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 82 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Chỉ trong trường hợp, người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom của người đó. 

Mặt khác, Nghị định 136/2007/NĐ-CP được quy định tại điểm a khoản 3 điều 15 thì trẻ em dưới 14 tuổi khi xuất cảnh sang nước ngoài thủ tục chuẩn bị cần có chữ ký xác nhận sự đồng ý của bố mẹ hoặc người đỡ đầu hợp pháp. Nhưng hiện nay nhiều trường hợp sau ly hôn, người trực tiếp nuôi con đưa con ra nước ngoài cư trú mà không có sự đồng thuận của người không trực tiếp chăm sóc, gây cản trở, khó khăn cho người thăm nom con còn lại.

Vậy, khi bị cản trở quyền thăm nom con sau khi ly hôn, người không trực tiếp chăm sóc con có thể thực hiện như sau:

Yêu cầu người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con thực hiện đúng nghĩa vụ của họ, đảm bảo cho mình được thực hiện quyền thăm nom con theo bản án hay quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án giải quyết cho thi hành vấn đề thăm nom, chăm sóc con chung theo bản án/quyết định của Tòa án.

Cơ quan Thi hành án có quyền yêu cầu người trực tiếp chăm sóc tạo mọi điều kiện cho người kia được thăm con, không gây khó khăn, ngăn cản quyền thăm nom con của người không trực tiếp nuôi con.

Trường hợp không tự nguyện thi hành, có thể bị cưỡng chế thi hành theo quy định của Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung 2014.

Ngoài ra, việc ngăn cản con gặp cha/mẹ khi người này không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn cũng là một trong các hành vi bạo lực gia đình quy định tại Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Hành vi cản trở quyền thăm nom có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình.

Như vậy, trong trường hợp nếu có căn cứ xác định người trực tiếp nuôi con đưa con ra nước ngoài sinh sống gây cản trở quyền thăm nom con, không thực hiện đúng những gì đã thỏa thuận, quyền được thăm nom được ghi trong quyết định/bản án thì bên không trực tiếp chăm sóc được quyền gửi đơn đến tòa án xin thay đổi người trực tiếp nuôi con. Đồng thời, người khởi kiện có quyền yêu cầu toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời "tạm hoãn xuất cảnh" để giải quyết vụ án có liên quan. 

Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 22/11/2019, có quy định các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh như sau: Người có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm