Cần làm tốt hơn nhiệm vụ giám sát, phản biện trong các cấp Hội

Ban Chính sách - Luật pháp, TƯ Hội LHPNVN (tổng hợp)
27/08/2020 - 19:30
Cần làm tốt hơn nhiệm vụ giám sát, phản biện trong các cấp Hội

Nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa phát biểu tại hội nghị

Giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ là một trong những khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2017 - 2022 của Hội LHPN các cấp.

Ngày 24/8/2020, TƯ Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN TP Hà Nội tổ chức Hội nghị khảo sát, đánh giá việc thực hiện khâu đột phá "Nâng cao hiệu quả thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ" và Chương trình hành động số 06/CTHĐ-BCH ngày 08/2/2018 của Ban Chấp hành TƯ Hội LHPN Việt Nam về thực hiện khâu đột phá tại huyện Đông Anh và thành phố Hà Nội.

Nhiệm vụ Đảng giao, Hội có trách nhiệm thực hiện tốt

Hội  nghị có sự tham gia của bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; bà Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp (TƯ Hội LHPNVN); bà Lê Thị Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội và lãnh đạo, cán bộ Hội LHPN TP Hà Nội, lãnh đạo Huyện ủy Đông Anh và các cấp Hội LHPN TP Hà Nội.

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả 4 năm thực hiện khâu đột phá và 2 năm thực hiện Chương trình hành động số 06/CTHĐ-BCH, rút ra bài học kinh nghiệm, xác định những thuận lợi, khó khăn, hạn chế, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới và qua đó có cơ sở khoa học để tham mưu cho Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành về nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất trong nhiệm kỳ 2022 - 2027.

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cho biết: khâu đột phá về công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách được đề ra tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017-2022. Nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội đã được các cấp Hội LHPN thực hiện từ nhiều năm nay, nhưng từ năm 2014, Hội thực hiện giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về "Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội". Đây là nhiệm vụ Đảng giao, Hội có trách nhiệm làm giám sát, phản biện xã hội tốt hơn, thực chất hơn. Nếu không làm giám sát thì không có bằng chứng cho công tác phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách.

Tại buổi làm việc với các cấp Hội LHPN huyện Đông Anh, đoàn giám sát đánh giá cao Hội LHPN huyện Đông Anh đã thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao, thực hiện nhiệm vụ một cách bài bản. Tuy nhiên đây là nhiệm vụ khó, đặc biệt là nhiệm vụ phản biện xã hội và theo dõi sau giám sát, giám sát việc giải quyết các vụ việc. Vì vậy, tại Hội nghị này cần phải thẳng thắn trao đổi làm rõ những thuận lợi, khó khăn, hạn chế cụ thể của những nhiệm vụ này để làm cơ sở xác định nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới 2022 - 2027.

Đoàn khảo sát cũng quan tâm đến nhiệm vụ lên tiếng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của phụ nữ; xem xét việc đưa vào chỉ tiêu nhiệm kỳ 2022 - 2027 như thế nào cho phù hợp. Đông Anh là địa bàn có nhiều doanh nghiệp, có đông lao động di cư, Đoàn cũng rất quan tâm đến công tác đề xuất chính sách cho lao động nữ di cư trên địa bàn huyện Đông Anh của huyện Hội trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới.

Cần làm tốt hơn nhiệm vụ hiện giám sát, phản biện trong các cấp Hội - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, trao đổi tại hội nghị

Trao đổi những vấn đề đoàn khảo sát đặt ra, các đại biểu cho biết, trong thời gian qua, các cấp Hội LHPN huyện Đông Anh đã thực hiện giám sát nhiều nội dung liên quan, như: Vệ sinh an toàn thực phẩm, Y tế, giáo dục, Bảo hiểm và các chương trình liên quan đến trẻ em (tiêm chủng, người dân đi khám); Phòng chống bạo lực gia đình; Đề án nâng cấp huyện Đông Anh lên quận, xã lên phường; Chi trả chế độ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… Sau giám sát, một số kiến nghị đã được tiếp thu, ví dụ như Hội LHPN xã Việt Hùng (Đông Anh) giám sát thu gom rác (chủ yếu là hội viên phụ nữ đi thu gom rác). Sau giám sát, Hội đã đề xuất chính sách bảo hiểm y tế cho 100% đối tượng thu gom rác. Đề xuất này được tiếp thu và thực hiện. Từ đề xuất của Hội LHPN, tới nay huyện Đông Anh có chính sách mua bảo hiểm y tế cho các hộ cận nghèo. Ngoài ra, 24/24 cơ sở đã tổ chức hội nghị cho trẻ em thực hiện bảng kiểm an toàn. Các em phát hiện ra những cung đường chưa an toàn (tối, gồ ghề, thoát nước, điểm đen giao thông, vv…) để các đại biểu lắng nghe và sau các hội nghị đối thoại đó, tất cả các vấn đề đã được cải thiện rất nhiều. Công tác lên tiếng, bảo vệ phụ nữ cũng được Hội Phụ nữ cơ sở thực hiện tốt. Khi gặp những vấn đề ở xã, chị em đều tìm đến với Hội.

Đối với giám sát giải quyết các vụ việc, Hội đều trực tiếp tham gia các vụ việc giải quyết về ly hôn, bảo vệ quyền nuôi con, chia tài sản... Địa bàn xã Kim Chung, nơi có đông lao động nhập cư, sau khi tổ chức Hội nghị đối thoại với nữ công nhân lao động, đã có sự chuyển biến trong giảm giá điện, nước cho công nhân. Sau hoạt động đối thoại, nữ công nhân lao động có nhận thức đầy đủ hơn về quyền của mình, từ đó đã chủ động hỏi về quyền lợi của mình...

Tuy đạt được một số kết quả nhưng nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội còn những khó khăn nhất định như: việc hợp tác, phối hợp của các ngành, đơn vị được giám sát; Năng lực của đội ngũ cán bộ Hội về giám sát còn hạn chế; Nguồn lực, kinh phí dành cho công tác giám sát, phản biện xã hội còn hạn chế; Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ Hội ở một số lĩnh vực để làm phản biện xã hội còn chưa sâu, chưa chắc. Khả năng xác định vấn đề, phân tích, tổng hợp của cán bộ hiện còn hạn chế. Trong nhiệm vụ lên tiếng bảo vệ phụ nữ, Hội phụ nữ cơ sở hiện còn gặp khó khăn trong việc quan tâm, tạo điều kiện của các ngành, sự tham gia phối hợp, vào cuộc của một số ngành liên quan như công an. Một số vụ việc không mời Hội tham gia, chỉ một số vụ việc dễ, liên quan thì mời Hội đến để đảm bảo có đại diện phụ nữ tham gia. 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Cường, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh, đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của Hội LHPN Huyện Đông Anh trong thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ổn định trên địa bàn, qua đó thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương trong thời gian qua. Để tạo điều kiện cho Hội LHPN và các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt nhiệm vụ phản biện xã hội, Đông Anh có cơ chế quy định cơ quan soạn thảo văn bản sẽ phải bố trí nguồn ngân sách dành cho hoạt động phản biện xã hội do Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện. Ông Nguyễn Văn Cường cho biết, việc chọn khâu đột phá của Hội là rất trúng, rất đúng và tốt cho nhiệm vụ chính trị của địa phương. Vì vậy, các cấp Hội trên địa bàn cần phát huy hơn nữa vai trò tham mưu cho cấp ủy trong tổ chức, thực hiện nhiệm vụ này.

Cần làm tốt hơn nhiệm vụ hiện giám sát, phản biện trong các cấp Hội - Ảnh 2.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Cường phát biểu tại hội nghị

Các cấp Hội Hà Nội tích cực, chủ động thực hiện giám sát, phản biện xã hội

Tại cấp thành phố, từ năm 2017 đến nay, các cấp Hội LHPN thành phố Hà Nội đã chủ trì, thành lập 2.499 đoàn giám sát; giám sát qua báo cáo 3.266 văn bản; giám sát qua 436 đơn thư, phản ánh của hội viên phụ nữ; tham gia 343 đoàn giám sát do Ủy ban Mặt trận tổ quốc Thành phố, các ban ngành thành phố chủ trì; giám sát 92 cuộc đối với cán bộ, đảng viên. Nội dung giám sát trên 100 chính sách, tập trung về vấn đề an toàn thực phẩm, pháp luật về trẻ em, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và giám sát việc giải quyết vụ việc xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em, việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên… Sau giám sát, đã có 3.598/3.993 kiến nghị, đề xuất kiến nghị của Hội được giải quyết.

Hội LHPN thành phố tích cực tham gia phản biện xã hội, đóng góp vào dự thảo luật pháp, chính sách. Từ năm 2017 đến nay, các cấp Hội LHPN thành phố Hà Nội đã tổ chức 356 hội nghị phản biện xã hội; tham gia đóng góp vào 3.694 lượt văn bản dự thảo luật, chương trình, đề án của thành phố với 5.933 ý kiến góp ý. Bên cạnh đó, Hội tích cực tham gia ý kiến phản biện các dự thảo Nghị quyết của HĐND, Quyết định của UBND về chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên phụ nữ, vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội.

Về hoạt động tham mưu đề xuất chính sách, từ năm 2017 đến nay, các cấp Hội LHPN thành phố Hà Nội đã tham mưu đề xuất được 04 chính sách và được UBND Thành phố phê duyệt và ban hành, trong đó cấp thành phố đề xuất được 03 đề án: (1) Đề án "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2018 - 2027" (gọi tắt là đề án 938); (2) Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018 - 2025" (gọi tắt là đề án 939); (3) Đề án "Tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho phụ nữ trên địa bàn Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2017-2021". 100% Hội LHPN cấp quận/huyện đề xuất với UBND triển khai thực hiện được 02 đề án: Đề án 938 và Đề án 939.

Trong hoạt động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, các cấp Hội LHPN thành phố Hà Nội đã phối hợp với các sở, ban, ngành ở địa phương tổ chức 26 cuộc đối thoại trực tiếp với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với hội viên, phụ nữ thông qua việc tổng hợp ý kiến của hội viên, phụ nữ gửi tới các cơ quan, tổ chức có liên quan về công tác cán bộ, kinh phí hoạt động cho các đơn vị và Hội LHPN thành phố Hà Nội. Qua đó, góp phần đưa tiếng nói của cán bộ, hội viên phụ nữ đến với những người đứng đầu địa phương, giải đáp vướng mắc còn tồn đọng và đưa ra giải pháp khắc phục những nội dung liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em.

Những hạn chế

Đại diện đoàn khảo sát, đánh giá, bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng ban Chính sách - Luật pháp (TƯ Hội LHPN Việt Nam), ghi nhận những nỗ lực, cố gắng và các kết quả quan trọng mà các cấp Hội LHPN TP Hà Nội đã đạt được trong thực hiện khâu đột phá. Với cách làm sáng tạo và lựa chọn nội dung, phương pháp giám sát, phản biện xã hội phù hợp với chức năng nhiệm vụ của tổ chức Hội, thực tiễn của địa phương sẽ đảm bảo cho hoạt động giám sát hiệu quả, thực chất và được cấp ủy, chính quyền nhân dân địa phương ghi nhận. Đồng chí cũng đề nghị trong thời gian tới, các cấp Hội LHPN sẽ mở rộng việc nghiên cứu phát hiện những vấn đề mới từ thực tiễn cuộc sống liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới.

Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hoạt động giám sát, phản  biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ của Hội LHPN thành phố còn một số hạn chế:

- Việc theo dõi tiếp thu giải quyết kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền chưa được thường xuyên, hiệu quả.

- Trong công tác giám sát, các cấp Hội mới chủ yếu thực hiện giám sát chuyên đề, chưa giám sát các vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em trong quá trình tố tụng. Công tác giám sát đối với cấp cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế, còn lúng túng trong việc lựa chọn nội dung và hình thức giám sát. Một số cơ sở Hội còn có tư tưởng ngại va chạm, chưa chủ động trong giám sát. Cán bộ Hội có nhiều thay đổi, thiếu kiến thức, kỹ năng trong giám sát.

- Trong công tác phản biện xã hội, các cấp Hội mới dừng lại với các văn bản của địa phương, chưa chủ động trong việc tham gia góp ý vào các dự thảo chính sách, luật pháp đối với những vấn đề hội viên, phụ nữ quan tâm.

Từ những hạn chế nêu trên, bà Lê Kim Anh – Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội, cũng đề xuất, kiến nghị các giải pháp trong thời gian tới, tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Hội các cấp thực hiện nhiệm vụ này; tiếp tục chọn nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội làm khâu đột phá cho nhiệm kỳ tiếp theo và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động Hội góp phần khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức Hội là cơ quan đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ; hằng năm sớm chỉ đạo, định hướng các nội dung giám sát, phản biện xã hội trong hệ thống Hội là cơ sở để Hội thống nhất với UBMTTQ và xin ý kiến cấp ủy; nghiên cứu luật hóa hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thực hiện; nghiên cứu đề xuất sửa đổi, điều chỉnh định mức chi cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội phù hợp với từng cấp; bố trí cán bộ làm công tác giám sát, phản biện xã hội và đề xuất chính sách có chuyên môn và kinh nghiệm phù hợp; đề nghị các ngành chức năng bổ sung đầu tư nguồn lực hơn nữa cho nhiệm vụ này ở địa phương.

Thay mặt đoàn khảo sát, đánh giá, bà Nguyễn Thanh Cầm tiếp thu các kiến nghị đề xuất của cơ sở đối với TƯ Hội, đặc biệt là kiến nghị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ trọng tâm và là khâu đột phá trong nhiệm kỳ tới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm