Can thiệp toàn diện, hiệu quả cho trẻ tự kỷ

An Khê
24/12/2023 - 10:29
Can thiệp toàn diện, hiệu quả cho trẻ tự kỷ
Bé Minh Vũ, 4 tuổi rưỡi (ở Hà Nội), là một đứa trẻ bình thường sau khi sinh. Đến 15 tháng tuổi, Vũ đã biết nói nhiều từ đơn và một vài từ ghép. Cậu bé vui vẻ, hoạt bát, thích vui đùa với mọi người trong gia đình. Nhưng sau đó, gia đình thấy trẻ xuất hiện các hành vi bất thường như ít giao tiếp với mọi người, thích ngồi một mình…

Đặc biệt, Minh Vũ tự chơi với bàn tay và rất sợ tiếng máy hút bụi. Cậu bé đã được chẩn đoán theo dõi tự kỷ lúc 26 tháng tuổi tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Hiểu được vấn đề nghiêm trọng của con, gia đình đã đưa con đến nhiều nơi để điều trị như đi châm cứu, gặp cô giáo giáo dục đặc biệt, can thiệp ngôn ngữ cá nhân. 

Tuy nhiên, triệu chứng của Vũ ít cải thiện. Các hành vi bất thường xuất hiện ngày càng nhiều, bé ăn uống rất khó khăn, ngày càng gầy còm. Mẹ của bé đã phải nghỉ việc để tập trung toàn thời gian hỗ trợ con. 

Mong muốn của gia đình là con có thể nói và giao tiếp được với mọi người để có thể đi học giống như các bạn cùng trang lứa, ăn uống tốt hơn và giảm bớt các hành vi bất thường. Trong 2 tuần điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội, Vũ được các bác sĩ khám toàn diện và sử dụng các đánh giá chuyên sâu về tự kỷ cũng như các vấn đề rối loạn đồng mắc. 

Trẻ được chẩn đoán: Rối loạn phổ tự kỷ mức độ nặng, chậm phát triển tâm thần trung bình, theo dõi tăng động giảm chú ý, suy dinh dưỡng.

ThS.BS Hoàng Khánh Chi, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội, cho biết, để đạt được hiệu quả can thiệp tốt nhất, trẻ tự kỷ cần được phát hiện sớm, chẩn đoán, lượng giá chi tiết để phát hiện đầy đủ các vấn đề rối loạn. Từ đó, bác sĩ đưa ra mục tiêu và phương pháp can thiệp phù hợp với trẻ.

Trường hợp cháu Thanh Mai (ở Hà Nam), 4 tuổi, cũng là một ví dụ điển hình. Cháu vào viện điều trị trong tình trạng mới nói được một vài từ đơn giản, giao tiếp bằng mắt kém, thường phát ra các chuỗi âm thanh bất thường. Bé không chịu ngồi yên, thích chạy vòng tròn, thích nhìn quạt quay và tỏ ra sợ hãi khi bị sấy tóc, bé còn xuất hiện các cơn co giật kể cả khi không bị sốt. 

Trẻ được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ mức độ nặng, kèm theo động kinh. Sau thời gian điều trị tại khoa, đến nay, trẻ đã tập trung hơn khi ngồi học, biết thể hiện những nhu cầu cơ bản với mẹ và mẹ của trẻ đã được hướng dẫn cách chơi, tương tác với con.

Đối với những trẻ mắc chứng bệnh tự kỷ, trẻ cần quá trình can thiệp lâu dài. Bố mẹ, gia đình nên chủ động tìm hiểu thông tin về tự kỷ, tích cực tham gia quá trình điều trị cho trẻ, tận dụng tối đa thời gian bên con để dạy con. 

Mỗi trẻ tự kỷ cần chương trình can thiệp được thiết kế riêng cho trẻ căn cứ vào những đánh giá chuyên sâu theo tình trạng rối loạn chức năng của trẻ, theo mốc phát triển và lưu ý đến sở thích của trẻ cũng như mong muốn của gia đình. 

Trẻ tự kỷ cần được can thiệp bởi các kĩ thuật viên ngôn ngữ trị liệu giúp tăng cường khả năng giao tiếp sớm, hiểu và diễn đạt ngôn ngữ của trẻ.

Ngoài ra, với trẻ mắc chứng tự kỉ, phác đồ điều trị cho trẻ gồm việc học với giáo viên giáo dục đặc biệt, để giúp trẻ tăng cường nhận thức và kĩ năng tương tác xã hội thông qua các buổi học theo nhóm nhỏ. 

Bên cạnh đó, kĩ thuật viên hoạt động trị liệu cùng giáo viên giáo dục đặc biệt đều thực hiện chương trình điều hòa rối loạn giác quan và phương thức phân tích hành vi ứng dụng để giảm thiểu các hành vi bất thường của trẻ.

Cùng với đó, trẻ còn có thể được chuyên gia dinh dưỡng xây dựng chế độ ăn phù hợp, điều trị các bệnh kèm theo như động kinh kết hợp châm cứu, xoa bóp bấm huyệt và sử dụng phương pháp phục hồi chức năng hiện đại là điện kích thích phát âm và oxy cao áp…

Để đạt được hiệu quả can thiệp tốt nhất, trẻ tự kỷ cần được phát hiện sớm, chẩn đoán, lượng giá và điều trị bởi đội ngũ cán bộ đa chuyên ngành như bác sỹ phục hồi chức năng, bác sỹ Y học cổ truyền, bác sỹ dinh dưỡng…

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng bệnh Hoa Kỳ, tỷ lệ trẻ tự kỷ năm 2000 tại nước này là 6,7/1.000. Sau 20 năm, con số này là 27,6/1.000, tăng gấp 4 lần. Còn tại Việt Nam, theo nghiên cứu sàng lọc trên trẻ từ 18 đến 30 tháng tại cộng đồng năm 2012, tỷ lệ trẻ tự kỉ chiếm 4,6/1.000 và năm 2019 là 7,6/1.000.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm