pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Cần thu hẹp khoảng cách thu nhập và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại Hà Nội"
Dân tộc Dao ở Hà Nội
Vừa qua, Ban Dân tộc TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện công tác dân tộc gắn với Kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Ban Dân tộc TP Hà Nội.
100% xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới
TP Hà Nội hội tụ 50 dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó sinh sống thành cộng đồng ở 119 thôn, 14 xã của 5 huyện (Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức); đông nhất là đồng bào dân tộc Mường và dân tộc Dao.
Tại Hội nghị, Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho biết, những năm qua, các chính sách đúng đắn, kịp thời, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự nỗ lực, cố gắng của đồng bào, đã tạo nên bước chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế - xã hội và làm thay đổi diện mạo ở vùng dân tộc, miền núi của Thành phố.
Đến nay, các xã vùng DTTS và miền núi của Thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm gần 11%, tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn 0,42%; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng trên 55 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 60 triệu đồng/người/năm. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ sản xuất và đời sống vùng đồng bào DTTS từng bước được đầu tư đồng bộ. 100% xã vùng DTTS, miền núi đều hoàn thành Chương trình xây dựng Nông thôn mới.
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 là phát triển toàn diện, nhanh, bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả lợi thế của vùng đồng bào DTTS và miền núi và tinh thần tự lực của đồng bào DTTS; bảo vệ môi trường và không gian sinh sống của đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, mức sống và thu nhập của nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi ngang bằng với nhân dân các xã vùng ngoại thành Hà Nội; cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Thành phố; giữ vững tỷ lệ 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 60% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt trên 40%, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ. Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi, hằng năm thu hút trên 3% lao động sang làm việc các ngành, nghề: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Đến năm 2030 có 40% lao động người DTTS biết làm các ngành nghề: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh bền vững
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đánh giá cao việc Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo sát sao, cụ thể, chăm lo phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua. Trong đó, UBND Thành phố đã ban hành 4 Kế hoạch để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Nhờ vậy, hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào từng bước được đầu tư đồng bộ, đến nay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều đạt chuẩn nông thôn mới, đang hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bền vững.
Ông Hầu A Lềnh cho rằng, với Thủ đô Hà Nội, thực tế hiện nay, sự chênh lệch về thu nhập, giàu nghèo giữa vùng DTTS miền núi và vùng đồng bằng trên địa bàn Thành phố còn có khoảng cách khá xa. Vùng DTTS và miền núi vẫn là vùng kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chậm phát triển và dễ bị tổn thương nhất. Trước tình hình đó, đòi hỏi cơ quan công tác dân tộc, đội ngũ những người làm công tác dân tộc từ Thành phố đến cơ sở cần chủ động, tích cực tham mưu cho Thành phố đề ra chủ trương sát, đúng tình hình thực tế, phù hợp nguyện vọng của đồng bào, góp phần khắc phục hạn chế, bất cập, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh phát biểu.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh nhấn mạnh: "Tôi mong muốn và trân trọng đề nghị đồng bào các DTTS của Thủ đô tiếp tục phát huy truyền thống và thành tích đã đạt được, vượt qua mọi khó khăn thách thức, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh bền vững, tiến tới làm giàu chính đáng, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc; phát huy nhân cách, hồn cốt, bản sắc của chính dân tộc mình.