pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần tính phương án bảo đảm việc làm cho người lao động nếu di dời chợ hoa Hồ Thị Kỷ
Tiểu thương kinh doanh tại chợ hoa Hồ Thị Kỷ
Những người nâng niu cái đẹp
Nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ hoa Hồ Thị Kỷ cho biết, chợ hình thành từ những năm 1987 với hình thức tự phát của những người buôn bán hoa nhỏ, lẻ. Đến nay, chợ có hàng trăm tiểu thương kinh doanh rất nhiều loại hoa, chủ yếu là hoa tươi. Chợ bắt đầu họp lúc 0 giờ hằng ngày. Nơi đây tập trung nhiều loại hoa từ hoa hồng đỏ, trắng, vàng, hoa lan, lay ơn, thược dược, đồng tiền, cúc chấm bi, cúc vàng, được các nhà vườn ở thành phố Đà Lạt, hay các tỉnh miền Tây… bỏ mối cho các chủ vựa.
Chợ hoa Hồ Thị Kỷ ngay trung tâm thành phố như có sức sống riêng về đêm. Nơi đây bạt ngàn là hoa, khi họp chợ, lúc nào cũng có hàng trăm tiểu thương đang lựa hoa, tính toán các đơn hàng cho khách. Họ như quên ngủ. Và rạng rỡ những nụ cười và lời chào mời bạn hàng.
Cô Nguyễn Ngọc Tuyền, chủ vựa hoa Ngọc Tuyền tại chợ hoa Hồ Thị Kỷ cho biết: "Ngày xưa, tôi theo má đi bán bông (hoa) ở Tiền Giang, rồi lấy chồng, sinh con. Sau đó về đây sinh sống rồi thấy bén duyên bán bông ngày xưa phụ má, thế là tôi tìm đến các nhà vườn trên Lâm Đồng, rồi từ đó bỏ mối. Và cũng từ đó có bạn hàng".
Tại vựa hoa Ngọc Thắng, chị Thạch Thị Thương (32 tuổi), người phụ bán hoa cho biết, giá hoa cúc khách mua lẻ thì 45-50.000 đồng/10 cây một bó. Còn khách mua hoa trong hộp giấy có giá giao động từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng/hộp giấy. Chị Hương bảo: Buôn bán hoa thì phải có tâm. Cái tâm là khi hoa về mình chăm sóc, nâng niu hoa và chăm sóc khách hàng như người thân ấy thì mới giữ và phát triển được khách hàng.
Nét chấm phá giữa lòng thành phố
Chị Hoàng Thị Hương, chủ vựa hoa Ngọc Thắng, nhận định: "Nhiều ý kiến cho rằng, cần di dời chợ hoa Hồ Thị Kỷ vì ở trong trung tâm thành phố ảnh hưởng đến giao thông. Nhưng chợ hoa đã tồn tại trên 30 năm, nó tồn tại được là có bạn hàng, có mối hoa từ nhà vườn. Quan trọng là người dân thành phố biết được chợ hoa thức ngủ cùng người dân từ các con hẻm nhỏ đến khu chợ dân sinh. Các tiểu thương biết khách hàng mình cần gì để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hoa không là thực phẩm, nhưng hoa đem lại những cảm xúc và năng lượng cho người dân thành phố".
Ông Lã Văn Quân, một tiểu thương buôn bán hoa, chia sẻ: "Chúng tôi đã buôn bán kinh doanh hoa nhiều năm tại chợ hoa Hồ Thị Kỷ. Nhà nước di dời chợ thì chúng tôi chấp hành thôi. Nhưng khi xây dựng chợ hoa mới thì làm sao tạo điều kiện để những người như chúng tôi tiếp cận được bạn hàng, có điều kiện kinh doanh tốt hơn".
Trao đổi với PV Báo PNVN, đại diện UBND quận 10, cho biết: Chợ hoa Hồ Thị Kỷ không có ban quản lý chợ, đây thực chất là khu liên doanh. Các tiểu thương kinh doanh hoa ở đây từ hàng chục năm trước, có nhiều mối hàng ở các tỉnh phía Nam. Họ chủ yếu bán lẻ và bỏ sỉ về các tỉnh. Hoa thường được bán trong ngày nên tiểu thương không có nhu cầu di dời về nơi có kho bãi rộng, có hệ thống trữ lạnh hiện đại.
Doanh nhân Lê Viết Hồng, chuyên về hoa tươi, điện hoa, cho rằng: "Chợ hoa Hồ Thị Kỷ tồn tại trên 30 năm và trong thời gian đó, chợ hoa đã điểm xuyết những mảng màu tươi sáng, mới lạ cho thành phố. Tôi nghĩ, lãnh đạo thành phố cần có sự hài hòa giữa quản lý nhà nước và nhu cầu của thị trường để tạo nét chấm phá sinh động trong đời sống của người dân thành phố. Hơn nữa, đội ngũ tiểu thương ở chợ rất lớn, đa phần là chị em phụ nữ. Hằng ngày, họ đang góp phần tô thêm những sắc thắm cho nhiều gia đình, không gian… của thành phố. Nếu di dời cũng cần tính đến bảo đảm việc làm cho những lao động này".