pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cao Bằng: Xuống hang sâu bơm nước, 2 người tử vong, nhiều người bị ngạt khí
Ngày 1/7, UBND huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ ngộ độc khí khiến 2 người tử vong.
Theo đó, chiều 30/6, ông Hứa Văn Háy (SN 1976, xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng) chui vào một hang núi sâu gần 40m để bơm nước lên ruộng. Tuy nhiên, sau 30 phút kể từ khi vào hang, người thân không thấy ông Háy chui ra. Vì vậy, bà Nông Thị Thiên (vợ ông Háy) vào tìm nhưng bị ngạt.
Từ trên miệng hang, anh Hứa Văn Phùi (người địa phương) xuống hang kiểm tra thì phát hiện chị Thiên có biểu hiện khó thở. Cả 2 đã dìu nhau quay ra, khi vừa tới cửa hang thì ngất xỉu. Ngay sau đó, người dân phát hiện và kêu gọi mọi người trong xóm ứng cứu, tuy nhiên ông Háy đã tử vong.
Trong quá trình vào hang cứu vợ chồng ông Háy, đã có nhiều người bị ngất do ngạt khí, trong đó anh Nông Văn Dụ cũng đã tử vong.
Nhận được thông tin, UBND huyện Trùng Khánh đã huy động các cơ quan chức năng đến cứu nạn, cứu hộ. Tuy nhiên, do địa hình khó đi, đêm tối và hang sâu thiếu dưỡng khí do khí thải máy bơm đậm đặc nên công việc cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Đến nửa đêm qua (30/6), thi thể anh Nông Văn Dụ và ông Háy mới được đưa ra ngoài.
Ngoài ra, có khoảng 10 người tham gia cứu ông Háy bị ngạt khí cũng đã được đưa đi cấp cứu. Đến trưa nay (1/7), sức khỏe các bệnh nhân đã ổn định.
Chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, hỗ trợ mỗi gia đình có người tử vong 10 triệu đồng để tổ chức mai táng.
Gần đây, đã có nhiều vụ tai nạn chết người khi xuống giếng, hang sâu. Nguyên nhân là khí cacbon không màu, không mùi, không duy trì hô hấp, có nhiều ở những nơi có sự phân hủy các chất hữu cơ. Các nạn nhân chết vì thiếu oxy và hít phải các khí độc (CO, CO2, CH4, H2S...) tích tụ lại trong lớp nước dưới đáy giếng, đáy hang. Những khí này đều nặng hơn không khí nên tích tụ lại ở chỗ thấp. Những giếng khơi sâu cũng dễ là nơi tích tụ nhiều khí CO2.
Để đảm bảo an toàn, trước khi để người xuống giếng, hang sâu phải thăm dò xem không khí dưới đáy giếng có thở được không. Muốn vậy, có thể dùng cách thử đơn giản: Thắp một ngọn nến, hay đèn, dòng dây thả dần xuống sát mặt nước trước. Nếu ngọn nến vẫn cháy sáng bình thường là không khí đáy giếng vẫn đủ oxy, người có thể xuống được. Nếu ngọn nến chỉ cháy leo lét rồi tắt thì không nên xuống vì phía dưới thiếu oxy và nhiều khí CO2, sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra, cũng có thể nhốt một con gà hay chim vào trong lồng, buộc dây thả dần xuống gần sát mặt nước giếng, nếu con vật bị chết ngạt là dưới giếng có nhiều khí CO2, người không xuống được. Chúng ta cũng phải áp dụng như trên đối với những giếng cạn bỏ hoang lâu ngày, nay muốn vét lại để dùng. Kinh nghiệm dân gian của bà con ta từ lâu đời là trước khi có việc phải xuống giếng thì cắt một cành cây to nhiều lá buộc dây dài thả xuống đáy, rồi rút lên thả xuống như vậy nhiều lần trước khi cho người xuống.