Cuốn sách “Trần Phú” của nhà văn Sơn Tùng cung cấp những tư liệu quý về cuộc đời hoạt động của Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng cho độc giả, giới nghiên cứu lịch sử Đảng. Cũng qua cuốn sách, một người phụ nữ đã “tìm” được anh trai mình , nhà chí sĩ cách mạng Lê Duy Điếm (1906 - 1930), sau hơn nửa thế kỷ.
Người phụ nữ ấy là bà Lê Thanh (SN 1933), em út của nhà cách mạng Lê Duy Điếm (1906 - 1930). Bà Thanh trước đây là cán bộ giảng dạy Ngữ văn tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, bà là phu nhân của "nhà điểu học" - cố Giáo sư Võ Quý. Đây cũng là hai người trong gia đình bà Thanh được đặt tên đường tại Hà Tĩnh: đường Lê Duy Điếm và đường Võ Quý.
Đồng chí Trần Phú (1904 - 1931) là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta. Tuy nhiên, đến trước năm 1980, chưa có một tác phẩm nào viết cụ thể về ông để giúp độc giả hiểu về cuộc đời, hoạt động cách mạng của một yếu nhân quan trọng trong lịch sử cách mạng nước nhà.
Thậm chí có thông tin cho rằng: "Trần Phú là con một gia đình nông dân nghèo". Điều này, trái với những tư liệu mà nhà văn Sơn Tùng (1928 - 2021) thu thập được trước đó về nhà cách mạng tiền bối này.
Từ đó thôi thúc nhà văn Sơn Tùng viết cuốn sách về Tổng Bí thư Trần Phú để giúp cho độc giả, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu thêm về thân thế, sự nghiệp của nhà lãnh đạo cách mạng kiệt xuất. Cuốn sách được Sơn Tùng khởi bút từ tháng 6/1979 đến ngày 3/10/1979 thì hoàn thành. Nhà Xuất bản Thanh Niên in lần đầu năm 1980 với số lượng hơn 2 vạn bản.
Với việc ra đời cuốn sách này, có thể nói nhà văn Sơn Tùng là một trong những người đầu tiên khai phá mảng đề tài về danh nhân chính trị và đây cũng là cuốn truyện ký đầu tiên viết về Tổng Bí thư Trần Phú. Phải nói đây là một mảng đề tài rất khó, hầu hết những danh nhân chính trị thời đó đều hoạt động cách mạng bí mật, những thông tin của họ đều rất hạn chế và đều là tài liệu mật.
Trong điều kiện sáng tác hạn chế như vậy, việc một nhà văn thương binh cho ra đời một cuốn sách đồ sộ về tư liệu, chính xác về những dữ kiện lịch sử đã tạo nên một sự "rung chấn" trong giới nghiên cứu lịch sử Đảng, cũng như trong giới văn chương. Cuốn sách ngay sau đó đã được đặt trên bàn của những lãnh đạo cao cấp của Đảng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và rất nhiều nhà cách mạng lão thành khác.
Cùng với việc làm rõ cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú, cuốn sách còn cung cấp thông tin quan trọng về rất nhiều nhà cách mạng tiền bối khác. Trong đó có nhà cách mạng Lê Duy Điếm, người trực tiếp đưa đồng chí Trần Phú sang Quảng Châu (Trung Quốc) gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tham dự lớp huấn luyện chính trị cách mạng.
Từ cuốn sách này, chính nhà văn Sơn Tùng cũng không ngờ được rằng chỉ ít lâu sau, ông đã có cuộc gặp gỡ định mệnh với em gái nhà cách mạng Lê Duy Điếm. Nhớ lại câu chuyện này, anh Bùi Sơn Định, con trai nhà văn Sơn Tùng, kể lại:
"Vào một buổi chiều năm 1982, mọi người đương bàn tán sôi nổi với cha tôi về cuốn "Búp Sen Xanh" vừa mới xuất bản. Chờ đến khoảng 5 giờ chiều, khi mọi người đã ra về gần hết, có một người phụ nữ vẫn lặng lẽ lắng nghe từ đầu đến giờ, tiến đến gần cha tôi và giới thiệu: Tôi là Lê Thanh, em út của anh Lê Duy Điếm".
Cả nhà rất xúc động khi đọc cuốn sách này, và thấy thương vô cùng những nhà cách mạng buổi khởi đầu, trong đó có anh tôi. Đến bây giờ, tôi mới biết được anh mình hoạt động cách mạng như thế nào trong những năm tháng đó".
- Anh Sơn Định nhớ lại lời bà Lê Thanh nói -
Sau khi nghe câu chuyện trên, tôi tìm đến gặp bà Lê Thanh ở gần khu chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Bà Thanh chia sẻ, khi đó bà là cán bộ giảng dạy Ngữ văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bà tình cờ mua cuốn sách "Trần Phú" để phục vụ công tác giảng dạy và khi đọc, đã tình cờ phát hiện được những thông tin về anh trai mình.
Cũng trong dịp này, gia đình bà đang làm hồ sơ đề nghị xét công nhận liệt sĩ cho người anh trai. Thủ tục yêu cầu phải có 2 người hoạt động cùng thời với nhà cách mạng xác nhận nhưng gia đình lực bất tòng tâm vì không có thông tin gì cả.
Mang tâm thế ấy, bà Thanh chia sẻ với nhà văn Sơn Tùng và được ông giới thiệu tới gặp nhà cách mạng Cao Hồng Lãnh (SN 1906), người hoạt động cùng thời với đồng chí Lê Duy Điếm để xác nhận. Còn một người nữa vẫn chưa tìm được, nhà văn Sơn Tùng bèn nói: "Tôi, tôi làm chứng cho! Tôi sẽ đưa những cứ liệu lịch sử để xác nhận".
Ngay sau đó, bà Thanh đã đến gặp gỡ đồng chí Cao Hồng Lãnh để xin giấy xác nhận. Bất ngờ trước cuộc viếng thăm của người em đồng chí mình khi xưa, ông Lãnh xúc động nói:
"Trời ơi, mãi tới bây giờ, tôi mới gặp các em của anh Điếm. Tôi với anh Điếm gặp gỡ nhau ở Quảng Châu (1929), hoạt động ở tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Thời đó, chúng tôi hoạt động cách mạng gian khổ lắm, thực dân Pháp và tay sai bủa vây bắt bớ khắp nơi, nên cán bộ ta hy sinh nhiều không kể xiết".
"Bởi vậy, đồng chí Nguyễn Ái Quốc có căn dặn, các anh không được hỏi han gia đình, quê quán, cha mẹ của bạn mình. Các anh hỏi cho vui nhưng đến khi bị Tây bắt, các anh khai ra thì Đảng có nguy cơ bị đổ vỡ", bà Thanh nhớ lại lời ông Cao Hồng Lãnh.
Cho nên, vì nguyên tắc hoạt động bí mật, thành ra mọi người khi ấy tuy hoạt động cùng nhau nhưng cũng không biết người bên cạnh mình tên thật là gì (vì dùng bí danh hoạt động), quê quán ở đâu, cha mẹ là ai. Vì lẽ đó, khi đồng chí Lê Duy Điếm qua đời ở Thái Lan vào năm 1930, các đồng chí của ông cũng không có thông tin để báo về gia đình bà Thanh.
Sau buổi trò chuyện, ông Cao Hồng Lãnh giới thiệu một đồng chí ở Quảng Ngãi cho bà Lê Thanh tìm gặp để tiếp tục xác nhận. Đến ngày 22/9/1998, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ra quyết định công nhận liệt sĩ và cấp bằng "Tổ quốc ghi công" đối với nhà cách mạng Lê Duy Điếm: "Thành viên Tổng bộ Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Nguyên quán: xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh cách mạng và giải phóng dân tộc".
Vậy là đã hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, bà Lê Thanh mới biết được tường tận về cuộc đời hoạt động cách mạng của anh trai mình. Từ một học sinh giỏi của Trường Quốc học Huế, rồi bỏ học đi làm cách mạng, sẵn sàng đối diện với cái chết, bị thực Pháp khép án tử hình vắng mặt. Chỉ với khoảng 5 năm tham gia hoạt động (1925 - 1930) tại Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội, ông đã cùng đồng chí Nguyễn Ái Quốc và những nhà cách mạng buổi ban đầu ấy đặt nền móng sơ khai cho sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng sau này.
"Anh Lê Duy Điếm ở lại Thái Lan hoạt động và vì cuộc sống gian nan vất vả, anh đã lâm bệnh và từ trần, để lại một sự nghiệp còn dang dở. Một thanh niên có tài năng, có chí khí, đã hiến trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc! Trong lúc đó, ở nhà, cha mẹ tôi vẫn âm thầm trông đợi những tin tức về con mình. Con đang ở đâu và đang làm gì, cha mẹ tôi hoàn toàn không hay biết", bà Lê Thanh phát biểu tại lễ cắt băng khánh thành Nhà thờ Liệt sĩ Lê Duy Điếm tại xã Xuân Viên, năm 2001.
Được biết, nhà cách mạng Lê Duy Điếm là con cả của một gia đình nhà Nho giàu truyền thống yêu nước. Thân phụ là cụ Lê Duy Hy từng tham gia phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh; thân mẫu là cụ Lê Thị Viễn, hết lòng ủng hộ cách mạng và được Nhà nước tặng bằng "Có công với nước". Các em trai, em gái đều tham gia hoạt động cách mạng từ sớm, có một người em trai hy sinh trong phong trào hoạt động ở Nhà máy xe lửa Trường Thi (TP Vinh, Nghệ An). Em trai Lê Duy Khang là cán bộ lão thành cách mạng…
Tưởng nhớ về những chí sĩ cách mạng buổi ban đầu ấy, nhân dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh nhà cách mạng Trần Phú (1/5/1904 - 1/5/2024), NXB Kim Đồng đã xuất bản cuốn sách "Trần Phú" của nhà văn Sơn Tùng. Cầm cuốn sách trên tay, dù đã bước sang tuổi 91 nhưng bà Lê Thanh vẫn không giấu nổi xúc động khi kể về người anh trai và gia đình mình.
"Tôi mong muốn những cuốn sách như thế này cần được xuất bản nhiều hơn, để giáo dục cho thanh niên những lý tưởng cao đẹp, hiểu hơn về quá trình đấu tranh, cũng như những hy sinh mất mát của những thế hệ đi trước trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc", bà Lê Thanh bày tỏ.
Như vậy, kể từ khi xuất bản lần đầu tiên vào năm 1980, đến nay cuốn sách "Trần Phú" của nhà văn Sơn Tùng đã được xuất bản thêm 3 lần (1990, 2004, 2024). Điều này, chứng tỏ tác phẩm có sức sống vượt thời gian, đó là đối với riêng bạn đọc. Còn đối với bà Lê Thanh và gia đình nhà văn Sơn Tùng, mối quan hệ từ buổi đầu gắn bó ấy lại càng thêm khăng khít.
Năm 2021, khi nhận được tin nhà văn Sơn Tùng qua đời, bà Lê Thanh dù tuổi cao sức yếu nhưng đã sớm có mặt tại tư gia để chia buồn cùng gia đình. Trong khoảnh khắc nỗi đau quá lớn ấy, hai người phụ nữ đã ôm nhau - một người là phu nhân của nhà văn Sơn Tùng, một người là em gái nhà cách mạng Lê Duy Điếm. Dường như, cuốn sách đã gắn kết cuộc đời của hai người phụ nữ với sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp yêu nước.
Thực hiện: Trường Hùng
Ảnh: NVCC, Trường Hùng