Cáu kỉnh, dấu hiệu ‘đèn đỏ’ sắp tắt?

02/10/2015 - 10:11
Khi biết mình mắc tiểu đường, chị Hà Hồng Nhung, 42 tuổi (Nghệ An), thấy đất dưới chân dường như sụp xuống. Chị không ngờ những biểu hiện lâu nay của mình lại là cách cơ thể báo hiệu căn bệnh này.

Đầu tiên, chị Nhung cảm thấy mình hay đi tiểu buổi đêm, vừa nằm một tí, ấn bụng đã thấy tê tê, buồn tiểu. Rất ghét cảm giác đó, chị vùng dậy đi giải nhưng chốc chốc cảm giác đó lại đến. Ban đầu, chị tưởng mình tự kỉ ám thị nên chị giảm uống nước vào buổi đêm, đặt lưng xuống giường chị phải nghĩ ngay đến việc khác nhưng có vẻ như không thành công.

Kèm theo đó, chị có cảm giác khát nước hơn, uống nước nhiều vẫn không đã khát; đồng thời với đó là cảm giác mệt mỏi trông thấy, cáu kỉnh không rõ nguyên nhân. Đôi mắt của chị giật giật liên hồi, có khi còn có cảm giác choáng choáng, mọi vật mờ đi.

Nhiều chị em nghĩ bỗng dưng cáu gắt là dấu hiệu của tiền mãn kinh nhưng đôi khi cũng là biểu hiện của bệnh tiểu đường. (Ảnh minh họa)

Chị Nhung được chồng chở đi khám bệnh tổng quát và khi bác sĩ nói bị mắc tiểu đường, chị hoang mang, bật khóc ngay giữa phòng khám. Bác sĩ phải giải thích rất cặn kẽ cho chị, căn bệnh này dễ gặp ở tuổi trung niên. Nhiều người nghĩ bỗng dưng cáu gắt là dấu hiệu của tiền mãn kinh nhưng đôi khi cũng là biểu hiện của tiểu đường.

Dù chưa có thuốc chữa nhưng có thể kiểm soát được tiểu đường bằng một chế độ dinh dưỡng hợp lý. 60% những người bị bệnh tiểu đường là do có thói quen ăn uống không tốt. Vì vậy, đây là một căn bệnh do miệng mà ra. Chị cần có chế độ ăn uống lành mạnh, cân nặng hợp lý sẽ hạn chế được các triệu chứng như tăng đường huyết, tăng đường niệu và đặc biệt là các biến chứng hoại tử gây tàn tật hoặc tử vong.

Nghe bác sĩ phân tích, chị yên tâm phần nào. Chị nằm lòng những nguyên tắc ăn uống mà người tiểu đường phải lưu ý. Đó là chia nhỏ bữa ăn để duy trì năng lượng cho cơ thể và không khiến đường huyết tăng đột biến sau ăn. Bây giờ, chị sẽ phải ăn làm 5-6 bữa nhỏ.

Chị Nhung cần phải ăn các thực phẩm nhóm bột đường ở dạng giàu chất xơ, chế biến thô như gạo lức, khoai môn, khoai lang... Đối với chất đạm, phải giảm các thực phẩm chứa nhiều cholesterol. Còn với nhóm chất béo, chị phải hạn chế ăn mỡ động vật, tăng cường sử dụng dầu thực vật để hạn chế tình trạng rối loạn mỡ trong máu và xơ vữa mạch máu.

Đặc biệt, chị phải tăng lượng chất xơ vì nó làm chậm sự hấp thu đường trong bữa ăn, tránh tình trạng tăng đường máu sau bữa ăn, làm giảm cholesterol toàn bộ. Các rau, trái cây nên ăn mỗi ngày khoảng 400g; hạn chế các loại hoa quả ngọt, chứa lượng đường cao. Chị cũng cần tránh uống bia, rượu vì nó làm mất ổn định đường huyết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm