Chị Hoàng Thị Hải, 46 tuổi, ở Hà Tĩnh, khá quan tâm tới sức khỏe của mình và các thành viên trong gia đình. Chị Hải mắc bệnh chân tay lạnh nên rất sợ lạnh. Mặc dù là mùa hè, chị thường phải đi tất khi ngủ. Mùa đông, gần như chị phải mặc quần áo rất dày khi ngủ. Vậy mà khi cơn bốc hỏa đầu tiên đến, chị không còn nhận ra mình.
Mùa đông năm ngoái là lúc chị chứng kiến cơn bốc hỏa của tiền mãn kinh, khi bỗng dưng chị nóng bừng người nhiều lúc cơ thể đang nóng, bỗng dưng lại lạnh.
Cơn nóng bừng làm chị cảm thấy một sức nóng lan khắp nơi, từ người lên đến mặt. Có lúc mặt chị đỏ bừng, tim đập nhanh, mồ hôi vã ra như tắm. Có khi chị còn thấy da mặt, thân mình, tay, chân có từng đốm đỏ. Cơn nóng bừng có thể hành hạ chị vài phút, sau đó cơn ớn lạnh ập đến. Chị luôn trong cảm giác mệt mỏi, sợ hãi đón chờ những cơn bốc hỏa.
Ban đầu, bốc hỏa chỉ xuất hiện một cơn/ngày nhưng hiện mỗi ngày, con số này tăng lên vài lần và thường diễn ra ban đêm. Nóng, lạnh thất thường làm chị mất ngủ, da sạm đen và cũng là nguyên nhân khiến chị mệt mỏi, cáu bẳn. Chị trở thành con người khác hẳn khiến chồng, con lẫn đồng nghiệp “kính nhi viễn chi”, không dám nặng lời, to tiếng với chị.
Qua tư vấn bác sĩ, chị Hải hiểu những cơn bốc hỏa giai đoạn tiền mãn kinh là sự thay đổi của nồng độ nội tiết tố nữ trong máu giảm. (Ảnh minh họa)
Cơn bốc hỏa trong thời gian tiền mãn kinh, mãn kinh của chị Hải đã kéo dài 2 năm nay. Đó thực sự là ác mộng đối với chị. Qua tư vấn bác sĩ, chị hiểu đó là sự thay đổi của nồng độ nội tiết tố nữ trong máu giảm, xảy ra vào thời kỳ nhạy cảm này. Chị cố gắng thực hiện theo những chỉ dẫn tận tình của bác sĩ nhằm thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng.
Một trong những cách chị lựa chọn là thực hiện một chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý. Chị giữ mát cho cơ thể. Khi cảm thấy cơn nóng bừng sắp xuất hiện, chị hạ nhiệt bằng cách uống nước lạnh và các cách làm mát cơ thể thông thường.
Ngoài ra, chị Hải còn thư giãn tinh thần bằng cách luyện tập dưỡng sinh, tập rung động thư giãn, ngồi thiền, tập phương pháp thở sâu hằng ngày để làm giảm cơn bừng bốc hỏa; tránh các thức ăn cay, nóng.
Bên cạnh đó, chị cũng luyện tập thể dục, vận động để làm nóng người và tim đập nhanh hơn, giúp bớt cơn nóng bừng và ngủ ngon hơn. Chị lên lịch đi bộ 30 phút mỗi ngày. Mặc dù cơn bốc hỏa vẫn còn song chị cũng đã tự tin, chuẩn bị tâm lý đối diện với thời kì này.