Rất dễ bắt gặp hình ảnh các mẹ la hét, quát mắng con nơi công cộng. Ảnh minh họa internet. |
Chỉ cần đi vào siêu thị hay các trung tâm thương mại, rất dễ nghe thấy những tiếng la hét chói tai của các bà mẹ: “Đi nhanh chân lên! Cấm con sờ vào bất cứ thứ gì. Chúng vỡ thì sao!”; hay “Im mồm, sao con cứ ra rả như thế nhỉ!”...
Nhiều bà mẹ cho rằng, họ không kìm chế nổi khi các con còn liên tục đánh nhau rồi khóc ầm ĩ cả nhà. Hay khi mẹ đã toát mồ hôi dọn dẹp nhà cửa thì các con lại nô đùa quăng quật mọi thứ khiến nhà không khác gì “bãi chiến trường”.
Các mẹ thường la hét con sau một ngày kiệt sức với việc nhà. Ảnh minh họa internet. |
Việc la hét của các bà mẹ thường diễn ra vào các buổi tối, khi cảm thấy kiệt sức với một “núi” việc nhà không tên, vậy mà không được nghỉ ngơi lại còn bị các con làm phiền. Thế nhưng, có những bà mẹ la hét con vì thất vọng về bản thân và lấy con ra để trút giận theo kiểu “giận cá chém thớt”.
Các nghiên cứu cho rằng, việc la hét (gồm quát tháo, chửi rủa, xúc phạm) có tác hại giống, thậm chí còn hơn hình phạt thể xác. La hét làm hạ thấp giá trị của trẻ và đôi khi còn khiến trẻ bị trầm cảm.
Gần gũi, bình tĩnh, kết nối sẽ giúp mẹ dễ kiểm soát cảm xúc. Ảnh minh họa internet. |
Để giảm thiểu việc la hét con, các bà mẹ nên thuộc làu câu “thần chú”: Gần gũi, bình tĩnh, kết nối. Các mẹ cần phải gần gũi với con cái, đôi khi chỉ là chạm nhẹ vào tay con để gây sự chú ý của chúng. Sau đó, nói với con về những gì mà cha mẹ mong đợi ở con. Có thể kết thúc cuộc nói chuyện với con bằng một cái vỗ nhẹ vào vai, một vòng tay âu yếm hay khuyến khích con: “Mẹ biết con có thể làm được điều này!”. Điều này sẽ giúp cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái được kết nối chặt chẽ.
Sử dụng câu “thần chú” sẽ nhắc nhở các mẹ rằng con cái chỉ muốn được hạnh phúc và vui vẻ. Câu “thần chú” cũng có tác dụng xoa dịu tình hình nhanh hơn so với việc cáu giận.