Cha mất vì ung thư, mẹ vừa qua đời bởi bệnh tim, cô gái trẻ kiên trì với ước mơ trở thành luật sư

Cha mất năm Hà lên 6 tuổi, gần đây sau 2 tháng chữa trị, mẹ của cô đã trút hơi thở cuối cùng. Ít ngày tới đây, sau khi đã lo đám hiếu chu toàn cho mẹ, cô gái nghị lực này sẽ quay trở lại Học viện Tư pháp để tiếp tục theo học kỹ năng hành nghề luật.

Tôi sinh năm 1994, còn Cử nhân Luật Nguyễn Thị Ngọc Hà (trú tại xã Văn Cẩm, Hưng Hà, Thái Bình) sinh năm 1996. Tôi và em vốn là hai người xa lạ. Trong một lần mẹ em - bệnh nhân Chu Thị Dần (66 tuổi) - cần máu cho ca mổ dự kiến vào ngày 25/5 tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), tôi là một trong số những người hiến máu dịp này.

Trong suốt quá trình hiến máu, chúng tôi cũng không trò chuyện với nhau quá mấy lời. Tôi chỉ biết, trước đó, mẹ Hà trong lúc chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai lên cơn đau tim cấp và được các bác sĩ chẩn đoán "tắc, hẹp 3 thân động mạch vành dạng phức tạp, phải mổ nối mạch vành". Tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn khi mẹ Hà còn mang những căn bệnh mãn tính: suy thận, đái tháo đường, tăng huyết áp. Vì vậy, các bác sĩ ở đây đã từ chối mổ và giới thiệu mẹ em tới Bệnh viện Việt Đức.

Tôi cứ ngỡ sự việc rồi sẽ trôi qua nhưng trong một ngày cuối tháng 6 vừa qua, Hà nhắn cho tôi với những lời dè dặt, ngại ngùng. Qua những dòng tin nhắn, tôi được biết Hà mất bố năm lên 6 tuổi, mẹ chạy thận 14 năm ở Hà Nội. Dù tuổi thơ thiếu vắng tình cảm của cha và cả của mẹ, song Hà đã nỗ lực vươn lên trong học tập, 12 năm liền là học sinh giỏi, tốt nghiệp loại giỏi Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà được nhận làm trợ lý luật sư cho một công ngay sau khi vừa mới ra trường.

Nghỉ việc trợ lý luật sư, vào viện ở nhà lưu trú chăm mẹ

Mới đây, trước tình trạng bệnh tật của mẹ, Hà đã xin nghỉ việc ở công ty luật để toàn tâm dành thời gian chăm sóc mẹ tại Khoa Gây mê hồi sức tích cực ngoại tim mạch, Bệnh viện E. Trước đó, do tình trạng bệnh phức tạp, ca mổ của mẹ Hà ở Bệnh viện Việt Đức đã không được thực hiện, các bác sĩ đều khuyên em cho mẹ về nhà uống thuốc. Vì đã tìm hiểu từ trước, Hà biết rằng, giải pháp này chỉ giúp bệnh nhân vượt qua được cơn đau, chứ không thể nào chữa khỏi được cho mẹ. Thương mẹ vô cùng, em tỏ ý nguyện bằng mọi giá để sức khỏe của mẹ trở lại như trước đây, vì mẹ là người thân thương nhất đối với em trong cuộc đời này.

Xúc động trước tấm lòng hiếu thảo ấy, bác sĩ đã giới thiệu ca bệnh của mẹ Hà tới Bệnh viện E. Trước ngày mổ, bác sĩ phụ trách tâm sự, không thể nói trước bao nhiêu phần trăm sẽ qua khỏi nhưng nếu gia đình quyết tâm, phải thực sự quyết tâm thì các bác sĩ sẽ tiến hành.

Cha mất vì ung thư, mẹ vừa qua đời bởi bệnh tim, cô gái trẻ kiên trì với ước mơ trở thành “luật sư” - Ảnh 3.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng theo dõi bệnh tình của mẹ Hà tại Khoa Gây mê hồi sức tích cực ngoại tim mạch, Bệnh viện E, ngày 29/6

Ca mổ vào ngày 10/6 diễn ra trong thời gian 7 tiếng. Ngay sau đó, các bác sĩ chia sẻ với Hà, đây là một ca mổ đặc biệt, bác sĩ lần đầu tiên gặp phải. Bệnh nhân suy thận nên trong máu có canxi không lọc được, số canxi này bám hết vào đến mạch vành của tim. Nó rất cứng, các bác sĩ thậm chí phải dùng dụng cụ y tế để cắt mạch vành rồi mới khâu lại được. "Mẹ em tuổi cao, canxi ít, xương ức bị vụn…, bác sĩ cho biết ca mổ đã ổn, còn phần hồi sức tích cực nữa là một giai đoạn rất khó khăn", Hà chia sẻ.

Kể từ đó đến hôm tôi gặp Hà (29/6), đã 19 ngày trôi qua, mẹ Hà vẫn đang hôn mê sâu, là 1 trong 2 bệnh nhân có tình trạng nặng nhất của Khoa Gây mê hồi sức tích cực ngoại tim mạch. Những ngày này, Hà không được gặp mẹ trực tiếp, em chỉ được nhìn mẹ qua ô cửa kính và mỗi lần chỉ được 5 phút vào lúc 18h hàng ngày.

Hà vào thăm mẹ lúc 18 giờ hàng ngày, mỗi lần được nán lại 5 phút và nhìn mẹ qua ô cửa kính tại Khoa Gây mê hồi sức tích cực ngoại tim mạch, Bệnh viện E

Trong 5 phút ngắn ngủi ấy, Hà xem số thuốc chữa trị cho mẹ có giảm loại nào không, dù không hiểu nhưng chỉ cần giảm 1 loại là em đã có cảm giác vui trong lòng. Tiếp đến, em nhìn huyết áp, nếu huyết áp ổn định 120/100mmHg, mẹ em sẽ có khả năng được bỏ máy thở và bóng đối xung. Tuy các bác sĩ nói mẹ em hôn mê sâu nhưng Hà nghĩ mỗi lần em vào thăm, mẹ đều biết, bởi em đã thấy nhiều lần mẹ mở mắt ra nhìn em qua cửa sổ. "Em vẫy vẫy tay, em gật đầu, cũng thấy mẹ có phản ứng", Hà kể lại.

Rời phòng bệnh, Hà trở lại nhà lưu trú trong bệnh viện, đối diện với nỗi lo chi phí chữa trị bệnh của mẹ. Gia đình chỉ có 2 mẹ con, số tiền em dành dụm được trong suốt hơn 3 năm đi làm trợ lý luật sư và dạy gia sư, số tiền người thân ở quê ủng hộ đã tiêu hết.

"Chi phí mổ, điều trị hồi sức hiện nay đã tạm ứng 130 triệu đồng. Tạm thời vượt qua cơn nguy hiểm, mẹ em vẫn phải tiếp tục lọc máu với chi phí rất cao (khoảng từ 4-5 triệu đồng/ngày) trong tình trạng hôn mê sâu chưa biết khi nào tỉnh lại. Từ lúc đưa mẹ đi chữa bệnh, em phải nghỉ làm và đi vay mượn khắp nơi để chạy chữa cho mẹ, dù em là lao động chính trong gia đình. Hoàn cảnh 2 mẹ con hiện tại hết sức khó khăn, bản thân em cũng đã cố gắng hết sức nhưng chi phí chữa bệnh cho mẹ quá lớn đối với gia đình", Hà bộc bạch trong một bức gửi tôi.

Cha mất vì ung thư, mẹ vừa qua đời bởi bệnh tim, cô gái trẻ kiên trì với ước mơ trở thành “luật sư” - Ảnh 6.

Hà và cậu ruột Chu Sỹ Thuấn (62 tuổi) thay phiên mẹ em tại Bệnh viện E

Dẫu vậy, nỗi lo lớn nhất của Hà là lo bệnh tình của mẹ chuyển biến nặng. Trong cái không gian tĩnh mịch, nặng nề nơi bệnh viện ấy, em rất sợ khi tiếng chuông điện thoại reo. Vì đó có thể là tiếng chuông điện thoại các bác sĩ thông báo tình hình của mẹ em không ổn. Ngày hôm nay, đối với Hà là một ngày may mắn, "Em vừa được vào thăm mẹ và cảm thấy tình trạng của mẹ cũng ổn hơn một chút so với sáng nay".

Lời nói đó Hà chia sẻ với tôi ngay sau Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), ngày cả nước tôn vinh những giá trị cao quý của gia đình. Trên khắp các trang mạng facebook mọi người chia sẻ những bức ảnh tình thân, những bữa cơm gia đình ấm cúng và ở đâu cũng xuất hiện nụ cười hạnh phúc. "Vậy hạnh phúc của em là gì?", tôi hỏi và Hà trả lời: "Em chỉ mong đến 6 giờ tối hàng ngày, được lên thăm mẹ và nhìn mẹ qua ô cửa kính. Chỉ cần vậy thôi, em cũng đã thấy yên tâm rồi".

Trong cuộc trò chuyện hơn 1 tiếng đồng hồ, điều tôi ấn tượng nhất ở Hà là trong những lời nói của em luôn lạc quan và tràn đầy niềm tin. Vì trong những tháng năm chăm sóc mẹ, em đã được chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh: "Em bé nằm đối diện với mẹ em cũng đã hơn 20 ngày rồi. Hai vợ chồng anh chị ấy kết hôn 10 năm mới có con, bây giờ con như thế... Mỗi lần nghe anh chị chảy nước mắt tâm sự với con qua ô cửa kính "Con ơi, cố gắng lên!", em thấy mình cũng phải cố gắng thôi!". 

Vượt khó học giỏi nức tiếng xóm làng

Ông Phạm Văn Hùy, Chủ tịch UBND xã Văn Cẩm, cho biết: "Cháu Hà mất bố từ sớm, hai mẹ con sống dựa vào nhau. Trong khoảng thời gian mẹ lên Hà Nội chữa bệnh, cháu ở nhà với bà ngoại và đã nỗ lực không ngừng vươn lên trong học tập, nhiều năm liền đạt học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh".

Được biết, mẹ Hà thoát ly gia đình lên các tỉnh Đông Bắc Bộ làm công nhân cầu đường từ rất sớm. Tuy hoàn cảnh vất vả, mẹ em vẫn nỗ lực học tập, tốt nghiệp trung học phổ thông, đỗ vào trường trung cấp kế toán tại Thái Nguyên và có tấm bằng Cao đẳng ở tuổi ngoài 30. Sau nhiều năm bươn trải với công việc kế toán ở một mỏ đá, năm 40 tuổi, mẹ Hà lập gia đình và ít lâu sau sinh Hà tại Bắc Kạn. Khi Hà 6 tuổi, bố mất vì ung thư, cuộc sống vất vả nên đến năm Hà học lớp 3, mẹ đã đưa em về quê ở với bà ngoại, rồi trở lại Bắc Kạn làm việc cho tới khi về hưu.

Khoảng thời gian xa mẹ cũng là lúc Hà nhận thức được sự khác biệt của mình so với chúng bạn, em tập trung vào việc học để quên đi tất cả. Suốt những năm tiểu học, em luôn là học sinh xuất sắc, đạt Học sinh Giỏi cấp huyện và được tuyển thẳng vào trường THCS chuyên của huyện.

Khi mẹ Hà nghỉ hưu từ Bắc Kạn trở về, tưởng rằng mẹ con sẽ đoàn tụ, hạnh phúc sẽ tràn đầy, nhưng không, ở với Hà được 3 tháng, mẹ phải lên Hà Nội để chạy thận và thuê nhà gần Bệnh viện Bạch Mai.

Chia sẻ về bệnh nhân Chu Thị Dần, ông Mai Anh Tuấn (55 tuổi), Trưởng "Xóm chạy thận" ngõ 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho biết, bà Dần là một trong những cư dân đầu tiên của "Xóm chạy thận". Ngoài những lúc chạy thận theo lịch định kỳ thứ 3, thứ 5, thứ 7, bà còn làm thêm nhiều việc như nhặt ve chai, lau dọn nhà cửa… để có tiền chữa bệnh và lo cho con gái ăn học ở quê.

Cha mất vì ung thư, mẹ vừa qua đời bởi bệnh tim, cô gái trẻ kiên trì với ước mơ trở thành “luật sư” - Ảnh 8.

Bệnh nhân Chu Thị Dần vui mừng nhận quà Tết Nguyên đán 2021 từ các nhà hảo tâm

Một lần Hà Nội lên thăm mẹ hồi năm lớp 6, Hà được mẹ dắt qua Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Đây là ngôi trường mà con cô giáo của Hà theo học, sau khi tốt nghiệp ra trường chị đã có việc làm ổn định. Nhìn ngôi trường bế thế ấy, Hà tràn đầy niềm tin nói với mẹ: "Con sẽ quyết tâm thi đỗ vào đây để về sau được ở gần mẹ".

Trở về quê nhà, Hà lao vào học tập quên mình và ngày càng trở nên tiến bộ, át đi nỗi cô đơn khi phải xa vắng mẹ.

Suốt 6 năm học cấp 2, cấp 3, chưa một lần họp phụ huynh nào của Hà có mẹ đến dự. Vào những dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu…, mẹ em đều phải ở trên Hà Nội chạy thận. Thương cháu gái, cậu mợ thường đưa em đi sắm quần áo mới vào những dịp này, con cái cậu mợ có cái gì em cũng có cái đấy. Về phía mẹ Hà, dù rất thương con, mẹ cũng chỉ có thể nán lại ở nhà lâu nhất là 3 ngày - từ chiều tối thứ Bảy tới chiều thứ Hai.

Thương mẹ bệnh tật ốm đau, Hà càng quyết tâm học. Không phụ sự cố gắng ấy, năm 2014, Hà đỗ vào Khoa Luật, Đại học Kinh tế Quốc dân, biến ước mơ học hành và ước mơ được ở gần mẹ thành hiện thực.

Ở bên mẹ là khoảng thời gian hạnh phúc nhất

Khoảng thời gian lên Hà Nội thi đại học và được ở với mẹ là khoảng thời gian hạnh phúc nhất với Hà. Tuy ngày em thi đại học, mẹ vì bệnh tật ốm đau không thể đưa em đi thi như những ông bố bà mẹ khác nhưng trong tận đáy lòng của mẹ là một tình yêu thương vô bờ bến dành cho con.

Cha mất vì ung thư, mẹ vừa qua đời bởi bệnh tim, cô gái trẻ kiên trì với ước mơ trở thành “luật sư” - Ảnh 9.

Hà và mẹ trong một lần đi lễ chùa, đây là những ngày hạnh phúc nhất đối với em

Vào ngày trường công bố điểm trúng tuyển, một bạn học cùng lớp xem điểm trên máy tính và vui mừng gọi điện báo với Hà: "Hà ơi, cậu đỗ đại học rồi!". Lúc ấy Hà đang ở với mẹ trong một căn phòng trọ chật và hẹp ở ngõ 121 Lê Thanh Nghị. Biết tin con gái đỗ đại học, mẹ Hà vui mừng phấn khởi đi khoe khắp "Xóm chạy thận".

Trong suốt những năm học đại học, buổi sáng học ở trường, buổi chiều, tối Hà đi làm gia sư cho các học sinh ở phố Kim Ngưu và khu đô thị Times City. Có những hôm em dạy 2 ca, từ 5-7h tối, từ 8-10h tối và 10h30 Hà mới về đến nhà. Dù hoàn cảnh và điều kiện học tập không thuận lợi như vậ, nhưng Hà đã vươn lên đạt nhiều kỳ học bổng, được trao học bổng Lotte 2017, tốt nghiệp đại học loại Giỏi với số điểm tích lũy là 3,58/4.

Cha mất vì ung thư, mẹ vừa qua đời bởi bệnh tim, cô gái trẻ kiên trì với ước mơ trở thành “luật sư” - Ảnh 10.

Hà nhận bằng tốt nghiệp loại giỏi tại Lễ trao bằng tốt nghiệp khóa 2014-2018, Đại học Kinh tế Quốc dân

Ngay sau khi tốt nghiệp ra trường, Hà đã được nhận làm trợ lý cho một công ty luật trên địa bàn Hà Nội. Với mức lương 7 triệu đồng/tháng, cộng với công việc gia sư đều đặn vào buổi tối hàng ngày, Hà cũng gom góp được một khoản, vừa để thêm tiền mua thuốc bồi bổ cho mẹ, vừa  chi trả sinh hoạt phí hàng tháng và tích lũy để có cuộc sống tốt đẹp sau này.

Chiều 13/5, khi đang tư vấn cho khách hàng, Hà nhận được cuộc gọi bất ngờ từ bác sĩ đang điều trị cho mẹ: "Em phải vào luôn, cô bị lên cơn đau tim, khó thở". Nghe tin sét đánh, chân tay run rẩy, em bỏ quên điện thoại, máy tính và chạy như bay từ đường Trần Duy Hưng tới đường Giải Phóng. 15 phút sau, Hà tới Bệnh viện Bạch Mai. Đứng trước Khoa Cấp cứu, em thấy hoang mang, lo sợ.

4 giờ kém, bác sĩ mới đưa mẹ em từ Khoa Thận xuống cấp cứu, lúc đó nhìn mẹ Hà thương lắm, mẹ vẫn tỉnh táo để nhận ra em. Nhưng có lẽ mẹ thương em, nên dù đau tim khó thở, mẹ vẫn nén nhịn, sợ rằng con gái lo lắng, sợ rằng rồi đây sẽ tốn kém.

Cha mất vì ung thư, mẹ vừa qua đời bởi bệnh tim, cô gái trẻ kiên trì với ước mơ trở thành “luật sư” - Ảnh 12.

Hà được các bác sĩ khuyên, mẹ em bây giờ tuổi cao rồi, sức cũng yếu. Mổ như thế này rất phức tạp, bác khuyên nên đưa mẹ về uống thuốc. "Nhưng em luôn luôn có một tâm niệm sẽ cố gắng đến cùng, khi nào bác sĩ bảo không thể chữa được nữa. Nếu thiếu thốn về vật chất, em sẽ đi vay mượn thêm, sẽ tìm hiểu nhiều cách khác, chứ không bao giờ nghĩ là sẽ đưa mẹ về đâu", Hà chia sẻ.

Ước mơ trở thành luật sư để giúp người

Tôi ngỡ rằng ước mơ chính đáng của Hà, một người con hiếu thảo, sẽ thành hiện thực. Nào ngờ sau khi Báo điện tử Phụ nữ Việt Nam đăng bài "Nữ cử nhân Luật có mẹ đang nguy kịch trong bệnh viện mong nhận được sự giúp đỡ" nhằm kêu gọi sự ủng hộ của độc giả đối với hoàn cảnh của Hà, chiều cùng ngày hôm đó (1/7), Hà nhắn với tôi: "Chiều nay em đưa mẹ về nhà, cho mẹ nghỉ ngơi anh ạ". Nhân đây, em cũng tỏ nguyện vọng dừng việc kêu gọi hỗ trợ, bởi người thân của em ở quê sẽ lo an táng cho mẹ.

Giờ đây, khi tôi viết những dòng chữ này, lễ an táng của mẹ Hà đã được gia đình lo chu toàn. Mẹ Hà đã ra đi sau một đời khó nhọc bôn ba xứ người, chạy thận nơi đất khách.

Trước ngày mẹ mất ít lâu, Hà có chia sẻ với mẹ ước muốn quyết tâm theo đuổi nghề luật sư của mình. Thương con cái vất vả, mẹ vẫn muốn em làm nhân viên tư vấn luật. Hà bày tỏ mong muốn làm luật sư để có thể giúp đỡ được nhiều người hơn.

Thực hiện ước mơ ấy, ngay sau khi ra trường, từ tháng 8/2018 đến nay, Hà đã lựa chọn công việc trợ lý luật sư ở một công ty luật trên địa bàn Hà Nội. Trong khoảng thời gian này, Hà may mắn gặp được người thầy đầu tiên trong nghề, được chia sẻ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc. Nhờ thầy tạo điều kiện, Hà nhiều lần được tham gia dự các phiên tòa tại Hà Nội, Thanh Hóa, Đà Nẵng.

Trước ngày mẹ lên cơn đau tim, Hà đã đăng ký lớp học Kỹ năng hành nghề luật sư tại Học viện Tư pháp. Hiện nay, em đã học xong môn Kỹ năng và đạo đức hành nghề luật sư nhưng vì bệnh tình của mẹ nên phải tạm dừng lại. Sau khi kết thúc khóa học này, Hà sẽ thực tập trong tổ chức hành nghề 1 năm, tiếp đó sẽ đăng ký tham gia kỳ thi Kiểm tra Kết quả tập sự hành nghề luật sư quốc gia để được cấp thẻ Luật sư. Dự kiến khoảng 2 năm sẽ xong.

Khi có thẻ luật sư, Hà dự định sẽ đi làm luật sư cộng tác tại các văn phòng luật để có thêm kinh nghiệm. "Theo em nghĩ, điều quan trọng nhất của một người luật sư là sự tin tưởng của khách hàng dành cho mình", Hà tâm sự.

Thực hiện: Trường Hùng