Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em: Cần làm tốt khâu phòng ngừa từ gia đình

19/11/2019 - 19:27
“Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em” là chủ đề được Bộ LĐ,TB&XH chọn cho Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cấp quốc gia năm 2019 (từ 15/11 đến 15/12). Mục tiêu của chương trình là đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Số lượng gia tăng, mức độ nghiêm trọng, dã man... là điều vẫn được nhắc tới về nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, khiến dư luận và xã hội bức xúc. Những vụ việc được đưa lên mặt báo hay mạng xã hội dường như chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

 

Ảnh minh hoạ

 

Gia tăng số lượng và mức độ bạo lực 

Báo chí vào cuộc, mạng xã hội, hay các cuộc truyền thông quy mô lớn về việc phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em... dù liên tục được lên tiếng, song các vụ việc bạo lực trẻ em và phụ nữ vẫn diễn ra ở đâu đó trên khắp cả nước. Điều đáng nói là mức độ bạo hành ngày càng dã man, đối tượng ra tay không thương tiếc. Và đau xót hơn, nhiều nạn nhân bị bạo lực từ chính người thân của mình.

 

Sáng ngày 17/10, clip ghi lại cảnh người bố tát tới tấp vào mặt con được đăng tải bởi một tài khoản trên Facebook. Clip dài hơn 2 phút, ghi lại cảnh người đàn ông ngồi trên võng bắt cháu bé khoanh tay và liên tục tát mạnh vào mặt cháu. Khi có sự can ngăn của vợ và hàng xóm, anh ta đã lớn tiếng: “Mày có tin tao giết nó luôn không?!”. Vụ việc được xác định xảy ra ở xã Trung An, TP Mỹ Tho, An Giang. Đối tượng đánh con được xác định là Đoàn Văn Tí. Cơ quan chức năng vào cuộc điều tra và thấy rằng cảnh bố bạo hành con diễn ra thường xuyên khi anh này luôn ở trong tình trạng say rượu, vụ việc ghi trong clip cũng đã diễn ra từ cách đây 2 năm.

 

Vụ chồng đánh vợ dã man ở quận Long Biên (Hà Nội) vào tháng 8/2019 khiến dư luận bức xúc

 

Trước đó, vào đầu tháng 9/2019, Công an TP Cà Mau tiếp nhận thông tin 4 học sinh trường tiểu học Trần Quốc Toản (xã An Xuyên, TP Cà Mau) đến trường với nhiều vết bầm tím trên người. Kết quả điều tra cho thấy các em xa bố mẹ (bố mẹ đi làm thuê ở Đồng Nai, Bình Dương) và ở cùng chị họ, bị chính người chị họ đánh, thậm chí có em còn bị xát muối ớt lên vết thương. Do hai đối tượng bạo hành 4 em nhỏ mới 10 và 11 tuổi nên cơ quan công an không khởi tố vụ án.

 

Vụ việc khác tại tỉnh Tây Ninh cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía dư luận. Đó là về bé trai T.N.M.T (6 tuổi) bị mẹ và bạn tình đồng tính bạo hành thời gian dài. Ngày 13/6/2019, bé T được đội Cứu nạn giao thông Tây Ninh giải cứu và nhập viện trong tình trạng cơ thể có nhiều vết thương, như: tai trái sưng, lở loét, da đầu và gò má có nhiều vết bầm,... Kết quả điều tra của cơ quan chức năng xác định hai người phụ nữ đã bạo hành bé bằng cây sắt, cán chổi quét nhà và chân tay khiến cho bé T. bị đa chấn thương.

 

Với phụ nữ, không ít vụ bạo lực xảy ra thương tâm, mức độ nghiêm trong hơn khiến dư luận không khỏi xót xa. Phẫn nộ nhất là những phụ nữ này bị bạo hành bởi chính chồng của mình chỉ vì anh ta gia trưởng, có tính bạo lực, thường xuyên sử dụng chất kích thích, xem thường vợ... Rồi những cô gái bị quấy rối công khai nơi công cộng, trong thang máy, bị nam giới sỉ nhục, mạt sát... Cách đây không lâu, vụ võ sư ở Hà Nội đánh vợ khi chị này vẫn ôm đứa con đỏ hỏn trên tay, khiến dư luận dậy sóng.

 

Sau vụ việc này và trước đó là hàng loạt vụ việc bạo lực đối với phụ nữ diễn ra, Hội LHPNVN đã chính thức lên tiếng phản đối mạnh mẽ các hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Theo Hội LHPNVN, hành vi đánh vợ mới sinh con và đánh vợ trước mặt trẻ nhỏ là rất đáng lên án, một dạng bạo lực tinh thần nghiêm trọng đối với trẻ nhỏ. Hành động này đã vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại tới sự phát triển toàn diện của trẻ sau này. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định trẻ em sống trong môi trường gia đình bạo lực khi lớn lên có xu hướng lặp lại khuôn mẫu bạo lực trong các mối quan hệ cá nhân và quan hệ gia đình. Hội LHPNVN cực lực lên án các hành vi bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em và đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực thi nghiêm túc các quy định pháp luật, có các biện pháp xử lý, các chế tài xử phạt phù hợp...

 

Gia đình phải là môi trường an toàn nhất cho trẻ 

Bạo hành trẻ em là vấn nạn nhức nhối, không chỉ gây tổn thương về thể xác mà còn cả tinh thần đối với trẻ nhỏ. Người thân như ông bà, cha mẹ, anh chị,... tưởng chừng là những người gần gũi, quan tâm và chăm sóc các em nhỏ với không ít trường hợp được điểm qua ở trên, bạo hành xảy ra từ chính người thân cận nhất của trẻ, là cha, là chị, còn kẻ bạo hành phụ nữ lại là chính chồng của họ.

 

Tại buổi làm việc với một số địa phương phía Bắc trong chuyến Giám sát của Quốc hội về tình trạng xâm hại trẻ em, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhìn nhận, “mẫu số chung” cho nạn xâm hại, bạo hành trẻ là xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, tính chất mức độ ngày càng nguy hiểm hơn. Các thủ đoạn, hành vi xâm hại trẻ em đa dạng phong phú, diễn ra nhiều khu vực, nhiều lĩnh vực khác nhau, vượt ra ngoài môi trường gia đình, nhà trường, để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe và tinh thần của trẻ. “Số liệu thống kê vi phạm của các tỉnh chưa phản ánh hết bức tranh thực tế. Trong xã hội, gia đình và nhà trường, hành vi xâm hại, bạo lực dưới nhiều hình thức khác nhau thực tế còn có thể cao hơn”- ông Lưu nhấn mạnh.

 

Qua nhiều ý kiến của đại biểu, đặc biệt là ý kiến từ Hội LHPNVN, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, cần tăng cường nhiều hơn các hình thức phong phú, đa dạng để huy động tối đa sự tham gia của các lực lượng, đoàn thể, nhất là vai trò của Hội LHPNVN và cộng đồng nói chung trong phòng chống xâm hại trẻ em; lưu ý đến đề xuất các mô hình tốt của Hội LHPNVN để nghiên cứu vận dụng trong thời gian tới. Đặc biệt ông nhấn mạnh, xác định phòng ngừa là biện pháp hàng đầu. “Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, thông tin không chỉ cho đối tượng trẻ em mà còn dành cho người thân, các đối tượng liên quan đến trẻ em. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền đến trẻ em cần chú ý việc phân loại đối tượng trẻ em để có giải pháp phù hợp” - ông nói.

 

Nói về phòng ngừa nạn bạo lực trẻ em, bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Phú Yên, cho rằng, tuyên truyền vận động vẫn thực hiện nhưng thiếu hiệu quả về hình thức, thậm chí tài liệu chưa được cung cấp đầy đủ và bài bản để chính từng gia đình giáo dục, định hướng đúng đắn cho con em của mình về cách thức phòng ngừa bạo lực, hoặc khi xảy ra bạo lực, bạo hành thì trẻ em hay phụ nữ cần làm gì đầu tiên. Rõ ràng, cần làm thật tốt khâu phòng ngừa ở chính vòng đầu tiên, đó là gia đình. Cha mẹ hơn ai hết cần ý thức rõ các hành vi bạo lực bạo hành để định hướng cho con, dạy con cách tránh. Hơn ai hết, chính họ phải làm gương cho con trong việc không để xảy ra tình trạng bạo hành ngay trong chính gia đình như vợ chồng cãi nhau, đánh nhau... Rõ ràng, gia đình phải là môi trường tạo sự tin cậy, an toàn nhất cho trẻ, và phòng ngừa cần được thực thi ngay ở vòng này, sau đó mới cần đến sự vào cuộc của nhà trường, xã hội.

 

Vào tháng 3/2019, tại Lễ phát động Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em do TƯ Hội LHPNVN tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị từng cấp Hội cần xây dựng kế hoạch cụ thể, lựa chọn những việc làm thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng; huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em. “Hội cần tuyên truyền, giáo dục, động viên, hỗ trợ để phụ nữ, trẻ em và từng gia đình hiểu được quyền, trách nhiệm của mình và có kỹ năng để tạo lập môi trường sống, học tập, làm việc an toàn, lành mạnh. Hội cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện trong việc xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật về bảo đảm an toàn cho phụ nữ, trẻ em” - Thủ tướng nói.

 

Bên cạnh đó, hành lang pháp lý như Luật Trẻ em, Luật Phòng chống Bạo lực gia đình và cao nhất là Bộ luật Hình sự, là những cơ sở đủ sức bảo vệ phụ nữ, trẻ em khỏi vòng vây của những kẻ tàn ác. Người trong cuộc hãy cùng mạnh mẽ, dũng cảm lên tiếng và bước ra ánh sáng, họ sẽ được bảo vệ, kẻ xấu sẽ bị trừng trị. Đó cũng là cách để cảnh tỉnh những ai ra tay tàn ác với trẻ em, phụ nữ.

“Việc huy động giám sát phản biện xã hội của MTTQ, đoàn thể là cần thiết vì lợi ích vô cùng thiết thực, đặc biệt là đoàn thanh niên, hội phụ nữ. Thay vì chỉ để cho nhà trường làm, huyện nên xem xét huy động vai trò của các tổ chức. Việc hỗ trợ tâm lý cho các trẻ sau khi bị xâm hại bạo lực là cần thiết, đồng thời cần tăng cường tổ chức các trao đổi, đối thoại nhỏ để lắng nghe trẻ em nói lên ý kiến của mình về vấn đề xâm hại, bạo hành”, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam

 

“Vào năm học, đường dây nóng của chúng tôi chủ yếu nhận điện thoại báo về bạo hành trẻ. Có ngày vài chục cuộc gọi, Hội lại chuyển thông tin cho công an, địa phương để xác minh. Nhưng hầu hết, các vụ bạo hành nhỏ, các cơ quan chức năng đều xem đó là việc... gia đình, người lớn làm cam kết xong lại cho trẻ về lại nơi bạo hành. Vì thế việc bạo hành khó có thể chấm dứt. Đã đến lúc cần phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc này. Đánh trẻ, ngoài việc vi phạm pháp luật, các bậc làm cha làm mẹ hãy nghĩ tới tổn thương tinh thần mà con cái phải gánh chịu. Đó mới là hệ quả lâu dài”, LS Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM

 

“Phụ nữ thường  có tâm lý e ngại, lo lắng sợ hãi khi bị chồng bạo hành vì nghĩ rằng có người ngoài biết chuyện gia đình chồng sẽ đánh giá này nọ nên khiến chị em phụ nữ càng âm thầm chịu đựng hơn. Đặc biệt, khi cầu cứu tổ chức xã hội, hay công an, nguời thiệt thòi vẫn là phụ nữ. Những người chồng vũ phu sẽ rất khó thay đổi bản tính nếu thêm rượu chè thì người phụ nữ càng cam chịu - họ chính là người thiệt thòi. Chị em phụ nữ cần bỏ tâm lý này bởi vì cam chịu là chà đạp lên quyền con người. Người phụ nữ được bảo vệ bằng pháp luật, nếu chịu đựng họ sẽ mất quyền được bảo vệ”, BS Nguyễn Ngọc Quyết, nguyên Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe phụ nữ và bạo hành giới

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm