Cháu Phó Giám đốc Sở cũng được chia đất rừng

21/07/2016 - 06:30
Ông Lê Văn Đốc - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa - cho biết: Dư luận nói ông cũng được chia đất ở 200 hecta rừng phòng hộ chuyển đổi tại xã Xuân Thái, huyện Như Thanh là không đúng. Chỉ có cháu ông được chia và ông đang đầu tư cho cháu làm.

Như PNVN thông tin, với lý do khu rừng phòng hộ đầu nguồn đã nghèo kiệt, Sở NN&PTNT làm tờ trình gửi lên UBND tỉnh Thanh Hóa xin chuyển đổi sang rừng sản xuất. Tỉnh đồng ý và 200 hecta rừng phòng hộ đã rơi vào tay hàng chục cán bộ. Không những thế các cán bộ chia nhau đất rừng còn thực hiện không đúng mục đích chuyển đổi như đã đề nghị với UBND tỉnh Thanh Hóa.

Dư luận tại Thanh Hóa cho rằng, không chỉ có những người trong BQL rừng Như Xuân được chia đất mà còn có cả quan chức hàng tỉnh, trong đó có lãnh đạo Sở NN&PTNN. Về vấn đề này, ông Đốc nói: “Dư luận nói tôi có đất ở đấy là không đúng nhưng cháu tôi có và tôi có phối hợp với cháu để đầu tư sản xuất, cái này quy định cho phép”.

Liên quan đến hợp đồng giao khoán đất, ông Đốc cũng nói rằng, việc “Giám đốc BQL rừng Như Xuân tự ký quyết định giao đất cho mình chưa nói đến đúng hay sai nhưng cũng kỳ kỳ thế nào ấy. Về việc nghi ngờ một số người đang rao bán đất, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại vấn đề này. Về nguyên tắc, không được phép làm như vậy”. Cũng theo ông Đốc, không có quy định nào ưu tiên cán bộ BQL rừng Như Xuân được nhận đất.

Trên thực tế, trong 200 hecta đất rừng chuyển đổi, toàn bộ chỉ được giao cho cán bộ, còn người dân thì không. Thậm chí người dân còn không hề biết có chủ trương chuyển đổi.

Nghi vấn về những khuất tất bắt đầu lộ ra khi những người nhận rừng chỉ triển khai trồng được hơn 50 hecta sau đó dừng lại và tự ý trồng cây keo. Phải chăng, việc xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất của Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa chỉ là cái cớ để cán BQL rừng Như Xuân hợp thức hóa việc chiếm dụng rừng?

4.jpg
Trong 200 hecta rừng phòng hộ xin chuyển đổi, chỉ có 52,8 hecta được trồng cao su như đề nghị.


Để lý giải cho việc tại sao không tiếp tục trồng cao su như kế hoạch, ngày 15/5/2015 ông Lê Văn Đốc đã gửi tờ trình lên UBND tỉnh Thanh Hóa và giải thích: “Sau hơn 2 năm thực hiện (trồng cao su-PV) BQL rừng Như Xuân đã chỉ đạo các hộ gia đình nhận khoán trồng được 52,88ha/200ha theo Quyết định đã được phê duyệt. Hiện nay, mặc dù BQL rừng Như Xuân đã tích cực vận động các hộ tiếp tục trồng cao su trên diện tích đã quy hoạch nhưng việc triển khai thực hiện gặp rất nhiều khó khăn; nguyên nhân trong thời gian gần đây giá mủ cao su liên tục rớt giá, nhiều nơi đã dừng thu hoạch mủ cao su do sản phẩm thu không đủ bù chi phí. Hơn nữa mấy năm gần đây ở miền Trung cây cao su đổ bão hàng loạt gây hoang mang cho người trồng cao su, một số nơi chặt bỏ cao su trồng cây khác”.

Với lý do đó, trong công văn Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết: “Nguyện vọng của các hộ nhận khoán muốn được trồng cây keo tai tượng Úc trên diện tích còn lại đã quy hoạch trồng cây cao su”. Từ đó, Sở NN&PTNT đề nghị: “UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý để BQL rừng phòng hộ Như Xuân chỉ đạo các hộ nhận khoán trồng rừng cây gỗ lớn bằng cây keo Úc trên cho diện tích 147,2 ha còn lại đã được quy hoạch trồng cây cao su”.

Điều vô lý là trồng cao su phải mất 5-10 năm mới thu hoạch nhưng ở thời điểm năm 2015 ông Đốc lại lấy căn cứ là giá mủ cao su thời điểm đó để làm căn cứ không tiếp tục trồng cao su. Trong tờ trình của Sở NN&PTNT Thanh Hóa, ông Phó Giám đốc Sở nhiều lần nhắc đến “các hộ gia đình nhận khoán”, thực tế “các hộ” chính là những cán bộ BQL rừng Như Xuân.

1.jpg
Số còn lại đã được "phù phép" thành rừng keo tươi tốt

Sau khi nhận được tờ trình từ Sở NN&PTNT, lãnh đạo UBND tỉnh đã không đồng ý với lý do trên nên ngày 25/8/2015 UBND tỉnh Thanh Hóa ra văn bản số 4991/UBND-NN yêu cầu Sở NN&PTNT rà soát lại, làm rõ những khó khăn vướng mắc trong việc trồng cao su. Ngày 15/6/2015, thêm một lần nữa Sở NN&PTNT lại làm tờ trình. Vẫn những lý do “mủ cao su mất giá, vốn đầu tư chăm sóc lớn, trong khi các hộ nhận khoán nghèo không đủ vốn”… nên xin được trồng thay thế bằng cây keo.

Được biết, đến nay, gần 1 năm trôi qua UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa hồi đáp đề nghị của Sở này. Phải chăng, lãnh đạo UBND Thanh Hóa đã nhận thấy việc chuyển đổi rừng phòng hộ cũng như chuyển đổi rừng trồng ở đây có vấn đề nên cần thời gian thẩm tra, làm rõ?

Dù UBND tỉnh Thanh Hóa chưa đồng ý cho trồng keo nhưng mới đây khi chúng tôi về xã Xuân Thái để tìm hiểu “số phận” của 200 hecta rừng này. Điều khiến chúng tôi hết sức ngỡ ngàng là hầu hết diện tích rừng trên đã được trồng thay thế bằng cây keo xanh tốt. Cánh rừng keo đã lớn và chẳng bao lâu nữa là cho thu hoạch. Chắc chắn số tiền các hộ nhận khoán “linh động” chuyển đổi sang trồng keo thu về là rất lớn.

Trao đổi với PV PNVN, ông Lê Văn Đốc thừa nhận: Việc chuyển đổi từ rừng phòng hộ sang trồng cây cao su nhưng sau đó lại trồng keo là sai. Tuy nhiên, lý giải về việc tự ý chuyển đổi, ông Đốc vẫn điệp khúc, giá keo thấp, vốn đầu tư lớn, dễ gãy đổ…

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Việc đồng ý cho chuyển đổi từ rừng phòng hộ nghèo kiệt sang rừng sản xuất là đúng chủ trương. Việc trồng cao su sau đó có “vấn đề” và xin chuyển sang trồng keo nhưng Luật đã quy định, sau một năm không trồng cao su thì sau một năm phải trả lại rừng hoàn nguyên như thực trạng ban đầu. Do đó, tỉnh Thanh Hóa không đồng ý việc chuyển đổi”.

Cũng trong quá trình đi điều tra sự việc, PV còn phát hiện một con đường bê tông dài hơn 2km đang được mở vào diện tích 200 hecta rừng đã được giao khoán. Số tiền để làm đường là nguồn vốn từ tổ chức JICA (Nhật Bản). Dư luận cho rằng, con đường được mở vào “đất quan”, trong khi người dân xã Xuân Thái vẫn đang đi lại trên những con đường đất lầy lội.

Vậy thực hư việc mở con đường trên ra sao chúng tôi sẽ thông tin vào kỳ tới.

(còn nữa)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm