Chạy tim phổi nhân tạo cứu bệnh nhân nặng gần 100kg bị nhồi máu cơ tim

Linh Trần
24/07/2020 - 15:53
Chạy tim phổi nhân tạo cứu bệnh nhân nặng gần 100kg bị nhồi máu cơ tim
Bệnh nhân nặng gần 100kg bất ngờ bị nhồi máu cơ tim nguy hiểm. BV đã áp dụng kỹ thuật ECMO để cứu sống bệnh nhân.

Ngày 24/7, bác sĩ Nguyễn Tiến Thắng, Khoa Hồi sức tích cực (BV Đa khoa tỉnh Quảng Ninh) cho biết, BV vừa cứu sống bệnh nhân Đặng Thị C.(56 tuổi, trú tại phường Hà Trung, TP.Hạ Long) nặng gần 100 kg bị nhồi máu cơ tim bằng kỹ thuật ECMO.

Trước đó, bệnh nhân đột ngột xuất hiện tình trạng choáng váng, đau tức ngực dữ dội. Gia đình nhanh chóng đưa bệnh nhân vào BV Đa khoa Quảng Ninh cấp cứu.

Tại BV, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim trước rộng, biến chứng sốc tim nên lập nhanh chóng đặt stent mạch vành tái thông lòng mạch. Tuy nhiên, do tắc nghẽn trong thời gian dài, chức năng tim không thể phục hồi nên bệnh nhân vẫn trong tình trạng rối loạn nhịp tim phức tạp, hôn mê, rối loạn ý thức, suy đa tạng.

Chạy tim phổi nhân tạo cứu bệnh nhân nặng gần 100kg bị nhồi máu cơ tim - Ảnh 1.

Các bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân

Sau khi hội chẩn, BV thống nhất áp dụng kỹ thuật ECMO  (hệ thống tim- phổi nhân tạo) nhằm phục hồi chức năng tim và tuần hoàn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, do bệnh nhân nặng gần 100kg, nên khi bắt đầu chạy hệ thống tim phổi nhân tạo, các bác sĩ phải tính toán kỹ lưỡng, điều chỉnh cho phù hợp với thể trạng người bệnh.

Sau 8 ngày điều trị tích cực, chức năng thận phục hồi, chức năng tim của bệnh nhân dần cải thiện. Tình trạng rối loạn nhịp tim đã được kiểm soát, bệnh nhân tỉnh, ý thức tốt. Trong quãng thời gian đó, bệnh nhân được rút ống nội khí quản nhiều lần. Tuy nhiên, bệnh nhân không thở được do thể trạng béo, ho khạc kém, đặc biệt tình trạng ngừng thở khi ngủ. Vì vậy, các bác sĩ đã mở khí quản cho bệnh nhân để bảo vệ đường thở.

Sau 2 tuần tập phục hồi chức năng, bệnh nhân đã sinh hoạt bình thường, ăn nuốt tốt và nói được.

Bác sĩ Thắng cho biết, bệnh nhân C. có thể trạng béo phì, cân nặng gần 100kg và nhiều bệnh lý đi kèm (tăng huyết áp, đái tháo đường) nên không thể thiết lập hệ thống tương tự như những ca ECMO khác. Do đó, BV phải  điều chỉnh liều chạy cho phù hợp với thể trạng người béo, nặng cân.

Ngoài ra, bệnh nhân còn bị hội chứng ngừng thở khi ngủ. Vì vậy, BV đã phải lưu thông đường thở cho bệnh nhân bằng mở khí quản kết hợp tập phục hồi chức năng hàng ngày, nhờ đó tình trạng trên được cải thiện đáng kể, bác sĩ Thắng chia sẻ.


Hệ thống tim phổi nhân tạo ECMO còn gọi là phương pháp trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể. Đây được xem là phương án cuối cùng để có thể cứu sống người bệnh có nguy cơ tử vong cận kề. Kỹ thuật này sử dụng vòng tuần hoàn và trao đổi khí bên ngoài cơ thể để hỗ trợ chức năng sống tạm thời cho bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng trong khi chờ cơ quan tim, phổi bị tổn thương hồi phục.

Đây là kỹ thuật cao, chuyên sâu phức tạp trong chuyên ngành hồi sức được ứng dụng chủ yếu tại các BV tuyến TƯ. Hiện nay, cũng có một số BV tuyến tỉnh cũng đã ứng dụng thành công kỹ thuật này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm