Chế độ thai sản đáng mơ ước ở một số quốc gia

08/03/2016 - 07:00
Luật lao động của nhiều quốc gia đều quy định trợ cấp thai sản tối thiểu nhưng điều kiện mỗi nước mỗi khác, thời gian nghỉ thai sản cũng dài ngắn khác nhau.
 


Đức chi 53,7 tỉ Euro trợ cấp nuôi con năm 2014

Người Đức cho rằng, 3 năm đầu của trẻ rất cần có cha mẹ bầu bạn nên các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian để ở bên cạnh trẻ. Vì thế, trước khi trẻ 3 tuổi, cha mẹ đều có thể nghỉ thai sản. Nghỉ thai sản của nước Đức được chia thành nghỉ sinh con của người mẹ và nghỉ nuôi con của cả cha lẫn mẹ, thời gian nghỉ dài nhất đến khi bé tròn 3 tuổi. Trong đó, có 1 năm là nghỉ phép có lương.

Người mẹ nghỉ thai sản tổng cộng khoảng 14 tuần: trước khi sinh 6 tuần và sau khi sinh 8 tuần. 6 tuần trước khi sinh, trừ khi thai phụ đồng ý, nhà tuyển dụng không thể yêu cầu họ làm việc. 8 tuần sau sinh, cho dù sản phụ có muốn làm việc đi chăng nữa cũng vẫn phải nghỉ ở nhà. Trong trường hợp sinh sớm hoặc đa thai, thời gian nghỉ đẻ có thể kéo dài đến 12 tuần.

Từ khi đứa trẻ sinh ra đến khi 3 tuổi, cha mẹ bé đều có thể xin nghỉ ở nhà chăm con và hưởng 65% - 67% thu nhập bình quân trước khi nghỉ, trợ cấp trung bình mỗi tháng từ 300 Euro – 1800 Euro ( khoảng 6,8 triệu VND – 41 triệu VND).

Năm 2014, Chính phủ Đức đã thanh toán 53,7 tỉ Euro trợ cấp nuôi con, chiếm 73% tổng ngân sách dành cho gia đình.

Nga: Nghỉ thai sản 140 ngày hưởng 100% lương

Như chúng ta đã biết, tình trạng dân cư thưa thớt, thiếu lao động luôn là vấn đề nan giải ở Nga. Vì vậy, chế độ thai sản của quốc gia này rất ưu ái cho sản phụ để việc sinh nở thuận lợi hơn.

Theo pháp luật hiện hành của Nga, sản phụ có thể hưởng 3 hình thức nghỉ thai sản đó là 100% lương, 50% lương và không lương. Trong đó, 140 ngày hưởng 100% lương bao gồm 70 ngày trước sinh và 70 ngày sau sinh. Thời gian này, công ty phải trả đầy đủ lương cho sản phụ. Trường hợp song (đa) thai hoặc biến chứng khi sinh thì thời gian nghỉ thai sản sẽ gia tăng tương ứng. Sau khi nghỉ hết phép được trả 100% lương, sản phụ có thể tiếp tục nghỉ phép 50% lương, cho đến khi đứa trẻ được 1,5 tuổi. Trong thời gian này, sản phụ có thể lĩnh khoản trợ cấp tương ứng với 40% lương ban đầu, khoản trợ cấp này do quỹ Bảo hiểm Xã hội của quốc gia chi trả. Sau khi trẻ được 1,5 tuổi, nếu vẫn muốn nghỉ ở nhà chăm sóc con, người mẹ có thể tiếp tục nghỉ không lương cho đến khi trẻ 3 tuổi, nhà tuyển dụng vẫn phải bảo lưu chức vị của người mẹ.

Nga không có quy định riêng dành cho cha đứa trẻ nhưng nếu trong một số trường hợp người mẹ không nghỉ thai sản thì người giám hộ của đứa trẻ có thể hưởng 3 hình thức nghỉ thai sản như trên.

Thụy Điển: Con dưới 8 tuổi, cha mẹ được giảm 1/4 thời gian làm việc

Theo luật Thụy Điển, sản phụ có thể nghỉ ở nhà 7 tuần trước thời gian dự sinh. Từ khi đứa trẻ sinh ra đến khi được 1,5 tuổi, cha mẹ đều được nghỉ ở nhà chăm con. Trước khi trẻ lên 8 tuổi hoặc học xong tiểu học, cha mẹ có thể được giảm 1/4 thời gian làm việc. Chẳng hạn như mỗi ngày làm việc 8 tiếng, ông bố bà mẹ nào có con nhỏ chỉ cần làm việc 6 tiếng mà thôi.

Tuy nhiên, nhà tuyển dụng không trả lương cho nhân viên trong thời gian nghỉ thai sản, mà chủ yếu dựa vào trợ cấp của Chính phủ. Từ khi đứa trẻ sinh ra đến 8 tuổi, cả cha và mẹ có thể lãnh 480 ngày trợ cấp, số tiền tương đương 80% thu nhập thực tế trước khi nghỉ. Một số nhà tuyển dụng vì muốn giữ chân nhân tài vẫn sẵn sàng trả một phần lương cho nhân viên nghỉ thai sản.

 

Pháp: Hai vợ chồng có thể nghỉ thai sản tổng cộng 318 tuần

Ở đất nước hoa lệ này, hai vợ chồng có thể nghỉ thai sản tổng cộng 318 tuần, trong đó có 22 tuần nghỉ có lương. Trong thời gian này, nhà tuyển dụng không được sa thải phụ nữ đang nghỉ thai sản.

Anh: Chồng có thể thay vợ… nghỉ thai sản

Ở Anh, sản phụ có thể nghỉ 26 tuần, bất luận là làm việc toàn thời gian hay bán thời gian, sản phụ có thể nghỉ trước ngày dự sinh 11 tuần. Người cha có thể nghỉ phép 2 tuần, tuần đầu hưởng lương cơ bản, tuần thứ hai hưởng trợ cấp của Chính phủ. Tuy nhiên, người cha bắt buộc phải nghỉ phép trong thời gian từ khi đứa trẻ sinh đến 56 ngày, quá hạn sẽ không còn hiệu lực.

Nếu người mẹ không nghỉ hết thời gian thai sản đã đi làm lại thì người cha có thể tiếp tục nghỉ. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, những đứa trẻ nhận được sự chăm sóc của người cha sẽ thông minh, khỏe mạnh hơn.

Hàn Quốc: Chủ doanh nghiệp vi phạm chế độ thai sản có thể bị 2 năm tù giam

Theo luật mới sửa đổi tháng 7/2014 của Hàn Quốc, sản phụ sinh một lần hơn 1 thai trở lên (song thai, đa thai) có thể nghỉ thai sản từ 90 ngày đến 120 ngày. Theo thống kê, tỉ lệ sinh song thai, đa thai ở Hàn Quốc năm 2002 là 1,98% mà năm 2012 tỉ lệ này lên đến 3,23%. Chủ doanh nghiệp nào vi phạm quy định này sẽ bị xử phạt tối đa 2 năm tù giam và mức tiền phạt cao nhất là 10 triệu won, tương đương 187 triệu VND.

Trong 120 ngày nghỉ thai sản đó, trợ cấp 75 ngày do doanh nghiệp trả, 45 ngày còn lại do Chính phủ đảm nhiệm với mức trợ cấp là 100% lương bình thường.

Singapore: Chính phủ trả lương cho người chồng nghỉ thai sản

Ở Singapore, từ năm 2013 người chồng có thể nghỉ một tuần có lương để giúp đỡ người vợ mới sinh. Trường hợp người vợ sẵn sàng chia sẻ một tuần trong 4 tháng nghỉ thai sản của mình cho chồng thì người chồng có thể hưởng thêm một tuần nghỉ nữa. Lương trong 2 tuần nghỉ phép này của người chồng sẽ do Chính phủ chi trả. Số tiền cao nhất là mỗi tuần 2.500 đô la Singapore, khoảng 38 triệu VND.

Sản phụ sinh 2 con đầu có thể hưởng 8 tuần trợ cấp thai sản của Chính phủ, sinh con thứ 3 hoặc nhiều hơn có thể hưởng 16 tuần trợ cấp thai sản.

Khác với luật pháp về chế độ thai sản ở các nước, sản phụ Mỹ có thể nghỉ thai sản 12 tuần không hưởng lương. Mỹ là nước có kỳ nghỉ thai sản ngắn nhất trong các quốc gia phát triển. Người Mỹ không nghỉ thai sản, sinh con xong có thể đi làm ngay.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm