Chị gác lại hạnh phúc riêng, nguyện là đôi mắt của em gái suốt cuộc đời

Dương Ngọc Ánh
26/10/2024 - 19:33
Chị gác lại hạnh phúc riêng, nguyện là đôi mắt của em gái suốt cuộc đời

Bà Nguyễn Thị Tình chấp nhận gác lại hạnh phúc cá nhân để chăm sóc cho người em gái mù lòa

Đó là tâm nguyện của bà Nguyễn Thị Tình (SN 1949), trú tại thôn 6 (xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Chứng kiến cảnh người em gái sinh ra đã chịu thiệt thòi khi mắc căn bệnh về mắt dẫn tới không thể nhìn rõ, bà Tình đã từ bỏ hạnh phúc riêng để ở vậy chăm sóc em. Bà nguyện trở thành nguồn sáng của em gái đến hết cuộc đời.
Câu chuyện cảm động về tình chị em

Hơn 2 tuần nay, bà Nguyễn Thị Bính (SN 1956), em gái của bà Tình, phải nhập viện để điều trị căn bệnh phổi mãn tính nên trong căn nhà nhỏ chỉ còn có bà Tình. Lâu lâu không thấy bà Tình, hàng xóm lại phải đánh tiếng gọi, chỉ khi nghe thấy tiếng bà đáp lại, họ mới an tâm rời đi. "Chúng tôi sợ bà Tình ở nhà một mình, nhỡ đâu có chuyện gì xảy ra", một người hàng xóm lý giải.

Ở thôn 6 (xã Canh Nậu), nỗi khổ của hai chị em bà Tình hầu như ai cũng biết. Vậy nên, mỗi khi có người lạ đến hỏi thăm, bên cạnh ánh mắt ái ngại, người dân trong thôn ai cũng gá thêm câu: "Chú xem có giúp gì được không, chứ hoàn cảnh các bà ấy tội quá". 

Sống vất vả là thế nhưng theo những người dân tại đây, chị em bà Tình là tấm gương sáng về tình cảm chị em gái yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.

Bà Bính từ khi sinh ra đã mang trong mình nhiều bệnh nên sức khỏe rất yếu. Do thị lực yếu nên từ nhỏ, hầu như bà Bính không ra khỏi nhà nếu như không có người theo kèm. Cuộc sống của bà Bính chỉ quẩn quanh trong căn nhà nhỏ, xa nhất là đi ra được ngoài sân, mảnh vườn trước nhà. 

Càng có tuổi, khả năng nhìn của bà Bính càng giảm sút và đến bây giờ, bà gần như chẳng nhìn thấy gì. Việc di chuyển trong phạm vi căn nhà chủ yếu đến từ việc bà Bính đã quen với cách sắp xếp đồ đạc từ nhiều năm nay. 

“Tôi nguyện là đôi mắt của em gái đến hết cuộc đời”- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Tình (phải) và bà Nguyễn Thị Bính Ảnh: Mạnh Mường

Ngẫm phận mình mù lòa, lại bệnh tật, ốm yếu quanh năm nên bà Bính sống thu mình. Bà cũng chẳng dám mở lòng với ai nên ở vậy, không lấy chồng. Ngày thường, bà Bính vẫn ra vườn, hái rau và nhờ người ta đi chợ bán hộ hoặc đổi lấy bìa đậu, hai chị em ăn qua ngày. 

Nhiều người thường mua những mớ rau được bó xộc xệch ấy của bà Bính với giá cao hơn mức bình thường.

Gác lại hạnh phúc riêng, ở vậy nuôi em

Sức khoẻ yếu, tiền của đổ vào những đơn thuốc của bà Bính không biết bao nhiêu nhưng bệnh tình chẳng thuyên giảm. Mọi công việc trong gia đình đều do một tay người chị gái là bà Tình gánh vác.

Khác với bà Bính, trong số 5 chị em, bà Tình từ nhỏ là người có sức khỏe tốt. Mọi công việc trong nhà, ngoài đồng, chăm sóc các em, bà đều thay bố mẹ cáng đáng. Thấy bà Bính sức khỏe yếu, lại thiệt thòi khi không nhìn được rõ như người khác nên bà Tình luôn gần gũi, chăm sóc em gái. 

“Tôi nguyện là đôi mắt của em gái đến hết cuộc đời”- Ảnh 2.

Sau một vụ tai nạn, bà Tình bị gãy chân phải, đi lại gặp khó khăn

Lớn lên, khi các chị em đều yên bề gia thất thì bà Tình lại quyết định gác lại hạnh phúc cá nhân, chấp nhận ở vậy để chăm sóc em. Thời ấy, vì là người có nhan sắc, lại có tiếng khỏe mạnh, chăm chỉ nên bà Tình cũng được nhiều đám để ý. Tuổi đôi mươi, bà cũng có một tình yêu sâu nặng. 

Tuy nhiên, khi người ta đến đặt vấn đề cưới xin, bà Tình lại từ chối. Bà không đành lòng bỏ lại người em gái mù lòa, sống thui thủi một mình để đi hưởng hạnh phúc riêng. Cứ như thế, nhiều năm qua, bà Tình chính là chỗ dựa của em gái. Bà Tình tâm sự rằng, bà nguyện là đôi mắt của em gái đến hết cuộc đời.

Trước đây, ngoài thời gian chăm sóc diện tích ruộng khoán của gia đình, có ai thuê mướn gì bà Tình đều nhận lời. Từ mò cua, bắt ốc đến chạy chợ, làm hàng sáo, không công việc nào bà từ nan, chỉ mong có tiền để nuôi em. 

 Thế nhưng, cách đây hơn 2 năm, trong một lần đi chợ, bà Tình bị một chiếc xe máy tông trúng. Vụ tai nạn ấy khiến bà gãy chân phải, phải đóng đinh. Tất cả số tiền tích góp bao năm trời đều dồn vào để chữa trị. 

Sau biến cố ấy, sức khỏe của bà Tình giảm sút rõ rệt. Bà không thể đi chợ cũng như làm các công việc nặng nhọc khác. Kinh tế gia đình vốn đã bấp bênh nên sau biến cố, cuộc sống của bà và em gái càng vất vả.

Hơn 2 tuần nay, sau nhiều lần trì hoãn, bà Bính phải nhập viện để điều trị căn bệnh phổi mãn tính. Thương em, muốn vào bệnh viện để chăm sóc em gái nhưng do chân đau, di chuyển gặp khó khăn nên bà Tình chẳng thể làm gì được. 

"Cô ấy mới đi viện về được mấy ngày thì huyết áp lại tụt, đầu óc quay cuồng. Nhờ người đưa đi khám thì thấy bác sĩ bảo phải nhập viện để điều trị nhưng cô ấy cứ lần lữa mãi vì biết tôi cũng không có tiền, mà mỗi lần điều trị như vậy dễ chừng mất cả bạc triệu. Tôi phải động viên mãi, thậm chí là gắt lên thì cô ấy mới đồng ý vào viện điều trị", bà Tình tâm sự.

“Tôi nguyện là đôi mắt của em gái đến hết cuộc đời”- Ảnh 3.

Căn nhà nơi chị em bà Tình đang sinh sống

Không thể vào bệnh viện để chăm sóc cho em gái, lúc nào trong lòng bà Tình cũng bồn chồn như có lửa đốt. Mỗi khi đêm xuống, trằn trọc một mình trên chiếc giường trong căn nhà cũ, những ký ức ngày xưa cứ ùa về trong bà. 

Bà nhớ những khi bão đến, nước mưa ngập vào tận bên trong nhà. Thấy chị dậy tát nước, bà Bính thương chị cũng dậy, lọ mọ vào chạn lấy bát rồi hai chị em cùng tát nước. Rồi những khi mưa dột qua lỗ hổng trên mái nhà, nước nhỏ tanh tách vào tận giường ngủ, hai chị em lại lọ mọ dậy kéo giường sang một bên, lấy chậu hứng nước mưa. 

Lúc em ốm, bà Tình phải thức trắng đêm để thuốc thang, chăm sóc. "Chị em tôi gắn bó với nhau đến giờ cũng gần hết cuộc đời một con người. Dù vất vả nhưng còn sống trên đời này ngày nào thì chị em tôi vẫn rau cháo nuôi nhau. 

Chỉ mong ông trời cho tôi chút sức khỏe để đi làm, kiếm thêm đồng mua cá, mua rau để nuôi em gái. Đời cô ấy đã bất hạnh lắm rồi. Nói thật, bây giờ tôi cũng chỉ ước nếu có chết thì ông trời cho tôi chết sau cô ấy. Chứ nói gở tôi mà đi trước thì lấy ai chăm sóc cho cô ấy", bà Tình nghẹn ngào nói.

Ông Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch Hội Người mù huyện Thạch Thất, cho biết, bà Bính sống dựa vào số tiền trợ cấp 2 triệu đồng cho người khuyết tật và người cô đơn. Tuy nhiên, do sức khỏe yếu, bà Bính thường phải đi bệnh viện nên khoản trợ cấp này không thấm vào đâu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm