pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chiều cháu, ông bà nội đuổi mẹ tôi ra khỏi nhà
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình tứ đại đồng đường. Có lẽ ở thời đại bây giờ chẳng còn mấy gia đình sống chung nhiều thế hệ với nhau như gia đình tôi.
Người ta hay nói rằng nhà tôi có phúc lớn mới đông con nhiều cháu lại chịu quây quần bên nhau. Thế nhưng, cứ phải ở trong chăn thì mới biết chăn có rận.
Ông bà nội của tôi là người thuộc thế hệ nhiều năm về trước. Ông bà luôn có những quan điểm rất khác so với lớp trẻ ngày nay. Khác biệt ấy lớn đến nỗi nó trở thành bất đồng thế hệ. Thứ bất đồng gần như chẳng thể nào tìm được cách dung hòa.
Dù ông bà tôi đông con nhưng các cháu nội ngoại thì đều là con gái. Và mọi vấn đề đều phát sinh khi em trai của tôi ra đời.
Ngày mẹ tôi biết mình đứa trẻ trong bụng là con trai, tôi cứ nghĩ mẹ sẽ phải vui mừng lắm vì nhà có cả nếp cả tẻ. Thế nhưng, kể từ đó mẹ luôn man mác buồn, đôi lần mẹ tết tóc cho tôi rồi nói thương tôi nhiều vì sau này sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi.
Cái sự thiệt thòi mà mẹ tôi nói đến rất nhanh tôi đã được trải nghiệm. Lúc đó tôi mới hiểu, quan niệm trọng nam kinh nữ cổ hủ đã làm khổ phụ nữ đến như thế nào.
Trong thời hiện đại như ngày nay ấy vậy mà vẫn có những gia đình coi trọng việc đẻ cho bằng được thằng con trai đến thế. Ông bà nội từ ngày có cháu trai thì tất cả những đứa cháu khác đều trở thành cái gai trong mắt.
Ông bà nuông chiêu "thằng cháu đích tôn" đến độ chỉ tay vào mặt và đuổi mẹ tôi ra khỏi nhà. Những thói hư tật xấu của một đứa trẻ mà đáng kẽ phải được nghiêm khắc chỉ bảo thì em trai tôi lại được ông bà cổ xúy cho. Thậm chí, cả những thái độ hỗn láo với cha mẹ.
Từ ngày mẹ tôi bỏ đi, tôi trở thành "bao cát" cho sự oái oăm của em trai mình. Ông bà nội ghét bỏ tôi vô cùng chỉ vì "mày giống hệt mẹ mày". Tuổi thơ dần trở nên u ám trong cái cảnh con yêu con ghét.
Mỗi lần ông bà phát hiện ra tôi liên lạc với mẹ, họ đều chì chiết vì cho rằng tôi ăn cây táo rào cây sung. Thậm chí, mỗi lần bà nội tôi mất tiền, mất vàng thì đều khăng khăng khặng định tôi là kẻ trộm để mang cho mẹ.
Dần dà, các bác, các cô chú đều xin ra ở riêng. Duy có bố con tôi thì vẫn ở với ông bà. Mọi cay nghiệt tôi mang từ tuổi thơ cho đến khi trưởng thành trở thành động lực để tôi vươn lên làm người tử tế.
Khi tôi tốt nghiệp đại học và xin việc thì em trai tôi cũng vừa trượt tốt nghiệp cấp ba. Ông bà nội đã có tuổi nhưng vẫn tìm đến tận điểm thi để làm ẫm ĩ lên vì cho rằng trường chấm sai điểm cho cháu trai mình.
Khi tôi có công ăn việc làm ổn định, thu nhập tốt thì em trai tôi vẫn đều đều mỗi sáng ngửa tay xin tiền bà nội.
Điều đáng sợ là, ông bà tôi không hề cảm thấy một thằng con trai gần 30 tuổi không nghề ngỗng, lười lao động là điều hoàn toàn bình thường.
Ngày ông nội tôi mất, bà không còn minh mẫn nữa, mọi tài sản cả đời gom góp đương nhiên đều được di chúc cho thằng cháu đích tôn. Kì lạ thay, dù ông bà để lại không ít đất đai tiền bạc nhưng không ai có ý định tranh chấp.
Điều tôi không mong muốn nhưng vẫn luôn có thể lờ mờ đoán trước cuối cùng vẫn xảy ra. Em tôi nợ nần chồng chất và phải bán đi căn nhà của ông bà.
Mấy hôm trước, tôi gặp lại bố. Người đàn ông nhu nhược cả một đời. Tận mắt nhìn thấy dấu hiệu thời gian tàn nhẫn trên gương mặt của ông, tôi không nhẫn tâm được...
Thế nhưng bố tôi từ chối mọi sự giúp đỡ của tôi. Giờ đây, bố tôi đã thuê một că nhà để chăm sóc bà những ngày cuối đời, cũng là để tránh phiền phức từ đứa con trai cưng nay đã xem như bỏ.
- Bố sai lầm cả đời rồi, giờ cũng đến lúc phải tỉnh thôi. Ít nhất, điều bố có thể làm lúc này đó là không bắt đứa con mình vô trách nhiệm phải gánh cùng cái giá mà mình phải trả.