pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chồng rạch bụng vợ bầu để biết giới tính thai nhi
Một phụ nữ Ấn Độ và đứa trẻ đi ngang qua bảng quảng cáo khuyến khích việc sinh con gái ở New Delhi
Theo cảnh sát và người thân của người phụ nữ, một người đàn ông ở miền Bắc Ấn Độ đã bị bắt sau khi rạch bụng vợ đang mang thai để biết giới tính của thai nhi. Vụ tấn công xảy ra vào ngày 19/07 đã khiến đứa bé tử vong và người mẹ trong tình trạng nguy kịch. Cảnh sát ở Budaun, bang Uttar Pradesh cho biết người mẹ phải nhập viện và ở phòng chăm sóc đặc biệt của thủ đô New Delhi.
Golu Singh - anh trai của người phụ nữ bị tấn công - cho biết: "Anh ta tấn công em tôi bằng một cái liềm và xé toạc bụng cô ấy. Hắn nói muốn kiểm tra giới tính của đứa trẻ trong bụng".
Theo nguồn tin, đôi vợ chồng đã có 5 con gái. Cảnh sát cho biết đứa bé đã chết lưu vào cuối ngày Chủ nhật và người chồng đã bị giam giữ.
Ấn Độ từ lâu đã phải "đau đầu" với tình trạng bất bình đẳng giới ngày càng lan rộng cũng như quan niệm thích con trai hơn con gái. Con gái thường bị coi là gánh nặng kinh tế, một điều thường thấy trong các tập quán văn hóa như yêu cầu cô dâu phải có của hồi môn.
Theo Khảo sát Kinh tế 2017- 2018, một số cặp vợ chồng sẽ tiếp tục cố gắng sinh con cho đến khi có con trai. Điều này dẫn đến sự ra đời của hàng chục triệu bé gái "không mong muốn".
Phá thai là một việc làm hợp pháp ở Ấn Độ và phân biệt giới tính của thai nhi vẫn diễn ra. Theo Tổ chức phi chính phủ Invisible Girl Project có trụ sở tại Mỹ, mỗi năm có hàng trăm nghìn bào thai mang giới tính nữ bị phá bỏ ở Ấn Độ.
Thực trạng đó dẫn tới, Ấn Độ là một trong những quốc gia có tỷ lệ giới tính lệch lạc nhất trên thế giới. Cứ 107 nam sinh ra trên cả nước thì có 100 nữ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ số giới tính tự nhiên khi sinh trên toàn cầu là 105 nam trên 100 nữ.
Ngay cả khi con gái được sinh ra thay vì bị phá bỏ, chúng thường phải đối mặt với tỷ lệ tử vong cao hơn do không được chăm sóc đầy đủ. Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy ước tính có khoảng 239.000 trẻ em gái dưới 5 tuổi tử vong ở Ấn Độ mỗi năm do không được quan tâm, chăm sóc. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vấn đề này thường là ở các vùng nông thôn, với trình độ học vấn thấp, mật độ dân số cao và tỷ lệ sinh cao.