Chủ tịch Hội LHPN Bình Dương: Vận động, hỗ trợ tối đa để công nhân an tâm “ai ở đâu ở đấy”

Chủ tịch Hội LHPN Bình Dương: Vận động, hỗ trợ tối đa để công nhân an tâm "ai ở đâu ở đấy"


Số lượng công nhân lao động trên địa bàn hiện nay rất đông. Hội LHPN tỉnh Bình Dương đã phối hợp tuyên truyền vận động, cũng như hỗ trợ về đời sống để công nhân an tâm "ai ở đâu ở đấy" trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Đây là chia sẻ của bà Trương Thanh Nga - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Dương về công tác phòng, chống dịch của các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã, đang và sẽ triển khai. Theo bà Nga, ngoài các hoạt động của các đoàn thể, Hội sẽ chủ động huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ các nhu yếu phẩm cần thiết cho công nhân yên tâm ở lại địa phương.

- PV: Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn đang rất phức tạp. Hội LHPN phụ nữ có nắm số lượng phụ nữ bị mắc Covid-19 trên địa bàn không, thưa bà?

Bà Trương Thanh Nga: Trong thời gian qua, công tác phòng chống dịch của tỉnh được các cấp ủy chính quyền, các ngành chỉ đạo quyết liệt và vận động người dân thực hiện tốt theo quy định của ngành y tế. Tuy nhiên, biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh và bùng phát lần thứ 4 trên địa bàn tỉnh Bình Dương rất phức tạp.

Theo thống kê của ngành y tế, hiện đã ghi nhận 17.350 ca mắc Covid-19 (tính đến trưa ngày 2/8). Trong đó, phụ nữ chiếm số đông với tỉ lệ trên 50%, có 110 phụ nữ mang thai và 390 trẻ em dưới 15 tuổi.

Các bệnh viện dã chiến được tỉnh Bình Dương đưa vào hoạt động sau thời gian khẩn trương xây dựng trong tình hình dịch diễn biến phức tạp

-PV: Đối với các trường hợp là phụ nữ, trẻ em trong các khu cách ly, phong tỏa, Hội đã có những hỗ trợ cụ thể nào?

Bà Trương Thanh Nga: Từ khi đợt dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chủ động chỉ đạo các cấp Hội rà soát trong các khu cách ly, khu phong tỏa, biết được nhiều phụ nữ và trẻ em - là đối tượng gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, đời sống hằng ngày.

Hội LHPN cũng chỉ đạo các huyện, thị, thành phố tiến hành rà soát, nắm số lượng nữ công nhân đang mang thai trên địa bàn của mình. Ngay sau đó, Hội đã đến thăm 864 phụ nữ mang thai đang cách ly tập trung và trao số tiền 500.000 đồng/chị với tổng số tiền hơn 430 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh cũng đã đi thăm các tổ chức Hội Phụ nữ cơ sở bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với trị giá 300 triệu đồng tiền mặt, 300 thùng sữa, 500 tập vở trắng... để chăm lo cho phụ nữ, trẻ em địa phương.

Từ sự chỉ đạo, quan tâm của Hội LHPN cấp tỉnh, Hội phụ nữ cấp cơ sở cũng đã chủ động triển khai nhiều hoạt động phối hợp để chăm lo cho phụ nữ, trẻ em bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

- PV: Được biết, trong thời gian qua, đã có các trường hợp cán bộ hội mắc Covid-19. Xin bà chia sẻ rõ hơn về các trường hợp này?

Bà Trương Thanh Nga: Đến nay, cán bộ Hội chuyên trách 3 cấp và chi tổ Hội của tỉnh đều có trường hợp mắc Covid-19 khi tham gia nhiệm vụ phòng chống dịch. 

Khi nhận được thông tin về những trường hợp đầu tiên, đến lúc số lượng cán bộ Hội là F0, F1 ngày càng nhiều thì bản thân tôi thấy rất thương, xót xa. Qua chia sẻ, nắm bắt hoàn cảnh của các chị càng hiểu vì sao những người làm công tác phụ nữ càng làm lại càng yêu công tác Hội. Và sự đồng cảm của các chị em dành cho nhau trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp chứng tỏ những người làm công tác Hội luôn có sự chia sẻ, mối quan hệ khăng khít.

Khi nhìn các chị tình nguyện tham gia vào lực lượng tuyến đầu, vào các khu cách ly, phong tỏa rất thương. Xót xa hơn nữa là nhiều chị em F0 nhưng không biết được ngay do không có triệu chứng, ảnh hưởng đến cả gia đình.

Các phần quà được Hội LHPN tỉnh Bình Dương phối hợp, cũng như chủ động triển khai gửi tặng đến phụ nữ mang thai và trẻ em trong khu cách ly, phong tỏa

Tuy nhiên, vượt lên tất cả khó khăn, nguy hiểm, các chị đang tham gia hoạt động phòng chống dịch vẫn đang ngày đêm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, mong muốn góp sức ngăn chặn, đẩy lùi được dịch Covid-19 trong thời gian sớm nhất.   

- PV: Đối với những cán bộ Hội  mắc Covid-19, Hội đã có sự chia sẻ, hỗ trợ như thế nào?

Bà Trương Thanh Nga: Ngay từ đầu, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo cho HLPN các huyện, thị, thành phố nắm rõ tình hình, hoàn cảnh gia đình của các trường hợp cán bộ Hội là F0, F1 và có sự chia sẻ, hỗ trợ kịp thời. Gia đình nào cần hỗ trợ gì thì các chị em cũng sẽ đáp ứng tối đa trong khả năng.

Trong tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Hội LHPN tỉnh, huyện quan tâm gọi điện, nhắn tin để động viên các chị em. Và dự kiến triển khai các hình thức hỗ trợ, ý nghĩa hơn trong thời gian sắp tới.

Đối với các chị đang tham gia hoạt động phòng chống dịch, Hội cũng luôn động viên, chia sẻ với các chị; đồng thời khuyến cáo các chị em luôn tuân thủ quy định 5K. Bên cạnh đó, Hội cũng trang bị tấm kính giọt bắn cho tất cả lực lượng cán bộ Hội tham gia phòng chống dịch.

- PV: Trong thời gian qua, hoạt động phòng chống dịch được các cấp Hội tỉnh Bình Dương triển khai thế nào, thưa bà?

Bà Trương Thanh Nga: Các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh Bình Dương luôn bám sát các văn bản cấp ủy, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, đặc biệt là đặc thù giới trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

 Chủ tịch Hội LHPN Bình Dương: Vận động, hỗ trợ tối đa để công nhân an tâm “ai ở đâu ở đấy”  - Ảnh 3.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Bình Dương gửi tặng nhu yếu phẩm cho khu cách ly

Các cấp Hội, hội viên, phụ nữ đã tham gia tích cực vào công tác phòng chống dịch. Cán bộ Hội từ cấp huyện đến chi tổ đều tham gia vào lực lượng tình nguyện viên. Cùng với cấp ủy, chính quyền triển khai test nhanh diện rộng trên địa bàn. Bên cạnh đó, tham gia vào công tác hậu cần cũng như hỗ trợ các gian hàng 0 đồng, phân phối lương thực thực phẩm cho các khu phong tỏa, cách ly.

Tại các "vùng đỏ" như trên địa bàn phường Phú Mỹ (TP.Thủ Dầu Một), các chị tham gia vào đội shipper 0 đồng, nhóm đi chợ giúp cho người dân. Hay như Hội LHPN Bắc Tân Uyên cũng thành lập gian hàng online 0 đồng. Đối với những "vùng xanh" như huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng… cấp Hội vận động chị em làm bánh tét, muối tiêu, kính chắn giọt bắn chia sẻ với lực lượng tuyến đầu, khu cách ly, phong tỏa và tham gia vào Tổ Covid-19 cộng đồng.

Trong khi đó, Hội LHPN cấp tỉnh, huyện là thành viên Ban điều phối hàng hóa; vận động, huy động các nguồn lực để phòng chồng dịch. Hội LHPN tỉnh cũng được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương ban hành quyết định tham gia Trung tâm chỉ huy điều phối hoạt động của các đội phản ứng nhanh.

- PV: Là địa phương tập trung rất đông công nhân lao động, Hội LHPN tỉnh triển khai các giải pháp nào để góp phần cho họ an tâm "ai ở đâu ở đấy"?

Bà Trương Thanh Nga: Công điện của Thủ tướng Chính phủ cũng như văn bản của UBND tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm và quyết liệt, đúng chủ trương "ai ở đâu ở đấy". UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương rà soát không để bất kỳ người dân nào bị thiếu ăn. Tỉnh cũng đang thực hiện vận hành đường dây nóng 1022. Nơi nào người dân gặp khó khăn, không mua được lương thực, thực phẩm có thể gọi về 1022 để phản ánh. Tỉnh sẽ chuyển thông tin xuống địa phương rà soát, hỗ trợ kịp thời.

Về phía Hội, trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp, để thực hiện đúng chủ trương "ai ở đâu ở đấy", Hội LHPN tỉnh phối hợp với Hội LHPN các tỉnh thành, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long vận động người nhà gọi điện, nhắn tin động viên con em đang làm việc tại Bình Dương yên tâm ở lại.

Hội cũng tập truyên tuyên truyền về các nội dung, kế hoạch chăm lo của tỉnh đối với người lao động. Trong đó, UBND tỉnh Bình Dương có chủ trương tiêm vaccine cho công nhân lao động, đảm bảo lương thực thực phẩm và các nhu cầu thiết yếu cho công nhân yên tâm ở lại.

Ngoài các hoạt động của các đoàn thể như đến từng khu nhà trọ để trao quà cho công nhân bị mất việc, ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hội cũng sẽ chủ động huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ các nhu yếu phẩm cần thiết cho công nhân. Đặc biệt, hiện ở các khu nhà trọ, Hội đều có chi hội nữ công nhân nhà trọ, thông qua đó có thể nắm bắt được từng trường hợp, hoàn cảnh cụ thể để có sự hỗ trợ kịp thời.

- PV: Vừa qua, Hội cũng đã phối hợp triển khai "Phiên chợ online 0 đồng", vậy phiên chợ này đã mang lại hiệu quả gì và sẽ tiếp tục triển khai thế nào trong thời gian tới?

Bà Trương Thanh Nga: "Phiên chợ online 0 đồng" được Hội LHPN tỉnh Bình Dương phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Viễn thông Bình Dương (VNPT Bình Dương) triển khai từ ngày 19/7 dành cho những người trong khu cách ly. Trong thời gian diễn ra phiên chợ, người mua sẽ thông qua một ứng dụng "App" theo mã QR Code do VNPT Bình Dương xây dựng để đăng ký mua các sản phẩm thiết yếu với giá 0 đồng. Hội LHPN tỉnh vận động các nguồn lực từ xã hội hóa, chuẩn bị các loại hàng hóa là những sản phẩm thiết yếu và chuyển cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để trao đến các khu cách ly.

Hoạt động từ ngày 19/7, "Phiên chợ online 0 đồng" đã được tổ chức 7 phiên tại các khu cách ly với tổng giá trị các phần quà gần 100 triệu đồng


Tính đến nay, "Phiên chợ online 0 đồng" đã tổ chức được 7 phiên với trị giá gần 100 triệu đồng. Với những hiệu quả và ý nghĩa mang lại, phiên chợ đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình rất cao.

Sắp tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh "Phiên chợ online 0 đồng", đưa phiên chợ vào những khu cách ly có đông công nhân trong số 126 điểm cách ly hiện nay trên địa bàn.

- PV: Thưa bà, trong thời gian qua, tỉnh Bình Dương cũng đã nhận được sự chia sẻ của Hội LHPN, hội viên, phụ nữ của các tỉnh thành trên cả nước. Xin bà chia sẻ về sự chia sẻ, hỗ trợ này?

Bà Trương Thanh Nga: Bản thân tôi rất cảm động trước sự chia sẻ, hỗ trợ của Hội LHPN cũng như các cán bộ, hội viên phụ nữ của rất nhiều tỉnh thành trong cả nước. Có nhiều tình thành tình hình dịch Covid-19 hiện cũng đang diễn biến phức tạp nhưng cán bộ, hội viên vẫn sẵn sàng chia sẻ với người dân, phụ nữ Bình Dương.

Như Hội LHPN Tiền Giang gửi gạo, trái cây cho các khu cách ly Bình Dương. Rồi tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Gia Lai, Đồng Nai, Long An… hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho Bình Dương với số lượng lớn. Thật không thể kể hết và xin gửi lời cảm ơn, trân trọng với những chia sẻ, tình cảm mà Hội LHPN các tỉnh thành gửi đến người dân, phụ nữ Bình Dương trong lúc khó khăn này.


Chủ tịch Hội LHPN Bình Dương: Vận động, hỗ trợ tối đa để công nhân an tâm “ai ở đâu ở đấy”
 - Ảnh 5.

Chủ tịch Hội LHPN Bình Dương Trương Thanh Nga (thứ 4 từ trái qua) trao quà cho khu cách ly dịch Covid-19

- PV: Được biết, bản thân bà cũng luôn có mặt tại các "điểm nóng" trong thời gian qua. Vậy bà có lo lắng hay gặp áp lực nào không?

Bà Trương Thanh Nga: Bản thân tôi nhận thấy rằng, khi làm công tác Hội thì càng ngày càng yêu nghề. Hiện nay, toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là Ban thường vụ MTTQ tỉnh và các đoàn thể tỉnh Bình Dương đều rất xông pha trong công tác phòng chống dịch.

Là cán bộ làm công tác phụ nữ trong quãng thời gian gần 11 năm, tuy thời gian chưa thật sự dài nhưng bản thân tôi rất trân trọng, yêu nghề "Công tác Hội Phụ nữ". Tôi quan điểm rằng, các chị ở cơ sở, các chị chi tổ Hội đã tham gia vào tuyến đầu phòng chống dịch thì bản thân cũng phải xông pha, xứng đáng trong vai trò lãnh đạo, thường trực Hội LHPN tỉnh. Các chị em làm công tác Hội cũng luôn động viên, chia sẻ với nhau để tham gia vào công tác phòng chống dịch, nhất là hỗ trợ cho người dân, phụ nữ gặp khó khăn do dịch Covid-19 hiệu quả nhất.

Ai cũng có hoàn cảnh của riêng mình cả. Với bản thân tôi, trong điều kiện chồng phải đi công tác xã nhà, không thể về nhà thường xuyên, con gái 12 tuổi thường phải gửi cho ông bà ngoại chăm sóc. Những khi đi vào tâm dịch, tôi phải tự cách ly tại nhà, không dám đến gặp con. Nhiều lúc con gái gọi điện nói nhớ mẹ quá. Thương lắm. Nhưng tôi luôn được sự động viên, chia sẻ của gia đình, chị em phụ nữ; từ đó có thêm động lực để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất.

- PV: Xin cảm ơn bà!

Đình Hưng (thực hiện)