Chương trình cứu trợ Covid-19 cần nhìn từ lăng kính giới và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương

PV
30/07/2021 - 11:41
Chương trình cứu trợ Covid-19 cần nhìn từ lăng kính giới và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương

Ảnh minh họa

Các chính sách được ban hành trong thời gian qua khá kịp thời, đa dạng và bao phủ nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn để duy trì thu nhập cơ bản. Tuy nhiên, các chương trình cứu trợ của Chính phủ chưa đề cập cụ thể về giới để hỗ trợ hiệu quả hơn nữa đối với những tác động của Covid-19 đến nam, nữ và các nhóm giới khác.

Ngày 30/7, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới-Gia đình-Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) phối hợp cùng Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet) và Tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến "Khuyến nghị về các chương trình tái thiết và cứu trợ của chính phủ nhằm ứng phó với Đại dịch COVID-19 từ lăng kính giới và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương dưới góc nhìn của các tổ chức xã hội".

Tọa đàm chia sẻ kết quả từ Dự thảo Báo cáo nghiên cứu "Đánh giá nhanh các chương trình tái thiết cứu trợ của nhà nước ứng phó với đại dịch Covid-19 từ lăng kính giới và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương" do CSAGA và Oxfam thực hiện. Nghiên cứu đã rà soát các chính sách hỗ trợ, giảm thiểu tác hại của đại dịch COVID-19 của Chính phủ cập nhật tới tháng 5/2021. Đồng thời, nghiên cứu thực hiện các phỏng vấn sâu với các nhà hoạch định chính sách và các nhóm dễ bị tổn thương nhằm xác định những điểm sáng và những khoảng trống liên quan đến đáp ứng giới và bảo vệ quyền cho các nhóm thiệt thòi trong thời kỳ dịch bệnh, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Kết quả cho thấy các chính sách được ban hành trong thời gian qua khá kịp thời, đa dạng và bao phủ được nhiều nhóm kể cả các nhóm vốn ít được hỗ trợ trước đây. Có thể kể tới các chính sách an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn để duy trì thu nhập cơ bản, các chính sách nhằm đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu trong thời gian diễn ra đại dịch như khám chữa bệnh từ xa, hỗ trợ bệnh nhân HIV/AIDS, hỗ trợ học sinh các vùng khó khăn…

Tuy nhiên, các chương trình cứu trợ của Chính phủ chưa đề cập cụ thể về giới để hỗ trợ hiệu quả hơn nữa đối với những tác động của dịch bệnh đến nam, nữ và các nhóm giới khác.

Chương trình cứu trợ COVID-19 cần nhìn từ lăng kính giới và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương

Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm CSAGA

Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm CSAGA - cho biết: "Các văn bản chính sách cứu trợ của nhà nước cần lưu ý tới các quy định hay hướng dẫn cụ thể để có những biện pháp hỗ trợ phù hợp căn cứ vào những tác động khác biệt của đại dịch COVID-19 tới nam giới, phụ nữ và các đa dạng giới khác".

Sức khoẻ của phụ nữ và trẻ em bị tác động tiêu cực vì sự tái phân bổ nguồn lực và ưu tiên của các chương trình y tế quốc gia, tập trung chăm sóc và điều trị cho các trường hợp nhiễm COVID-19 và đóng cửa các dịch vụ y tế thiết yếu khác. Phụ nữ và trẻ em gái cũng phải chịu các gánh nặng chăm sóc không được trả lương tăng lên; 73% số phụ nữ tại Việt Nam trong một đánh giá của UNICEF đã phải dành từ 3 giờ trong ngày trở lên để dành cho các công việc chăm sóc nhà cửa. Các căng thẳng kinh tế đi đối với việc hạn chế đi lại và các biện pháp giãn cách xã hội đã dẫn tới tình trạng bạo lực giới gia tăng một cách đáng kể; 99% cặp vợ chồng có xung đột gia đình trong thời gian đại dịch, tỷ lệ nam giới gây ra cao hơn. Tỷ lệ mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp của nữ giới tăng cao.

Các điều kiện của các nhóm trẻ khác nhau khiến trẻ em thuộc các nhóm dễ bị tổn thương không có được cơ hội học tập bình đẳng trong đại dịch và có thể làm tăng gánh nặng tài chính cho các gia đình khó khăn.

Chương trình cứu trợ COVID-19 cần nhìn từ lăng kính giới và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương

Lao động di cư là nhóm khó khăn nhất

Về đối tượng nhận hỗ trợ, lao động di cư trong khu vực phi chính thức là nhóm khó khăn nhất trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ của chính phủ. Đại dịch COVID-19 cũng gây ra các tác động tiêu cực đến nhóm dễ bị tổn thương khác như nhóm LGBTI+, nhóm lao động tình dục, và các hộ gia đình mẹ đơn thân. Trong hoàn cảnh mất việc làm, không có thu nhập và nuôi con nhỏ, nhiều người đã phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của gia đình và người quen để đảm bảo các chi tiêu cơ bản trong gia đình như tiền thuê nhà, tiền ăn và tiền điện nước.

Các đại biểu đã đưa ra những khuyến nghị từ lăng kính giới và đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương. Các khuyến nghị có tham khảo ý kiến của các nhà hoạch định chính sách, nguyện vọng của các nhóm dễ bị tổn thương và đề xuất của một số các tổ chức phi chính phủ và tổ chức cộng đồng tham gia các cuộc phỏng vấn và thảo luận nhóm.

Khuyến nghị đề cập đến các hành động/giải pháp trước mắt nhằm xoá bỏ những khoảng trống về giới và các rào cản đối với các nhóm dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó là các giải pháp mang tính hệ thống và lâu dài nhằm tăng cường hiệu quả của việc ứng phó với đại dịch COVID-19 và các tình huống khẩn cấp tương tự trong tương lai.

Chương trình cứu trợ Covid-19 cần nhìn từ lăng kính giới và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương - Ảnh 3.

Ông Phạm Quang Tú - Phó giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam

Ông Phạm Quang Tú - Phó giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam - nhấn mạnh: "Đại diện của phụ nữ và của các nhóm dễ bị tổn thương cần được tham gia quá trình thực hiện chính sách để loại trừ sự bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận hỗ trợ của nhà nước, xoá bỏ các rào cản mang tính hệ thống và các khó khăn khiến các nhóm này không được nhìn nhận và hỗ trợ. Như vậy, tất cả những người bị tác động, ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 hoặc các sự kiện y tế khẩn cấp khác có thể xảy ra trong tương lai đều có thể tiếp cận một cách bình đẳng và công bằng với các chính sách hỗ trợ của chính phủ".


* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm