pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyện đằng sau ngôi làng hơn 30 năm chỉ có phụ nữ ở Kenya
Làng Umoja, nơi phụ nữ nông thôn chạy trốn những nghịch cảnh: Ảnh: Thomson Reuters Foundation
Ngôi làng nơi phụ nữ chạy trốn khỏi nghịch cảnh
30 năm trước, Jane Nolmongen bị chồng đuổi khỏi nhà ở miền bắc Kenya sau khi phát hiện bà bị một người lính Anh hãm hiếp. Sau đó, Nolmongen đã đến một ngôi làng, nơi trú ngụ của những phụ nữ chạy trốn khỏi nghịch cảnh và hoàn toàn không có đàn ông.
Trong 30 năm qua, bà Nolmongen đã sống ở làng Umoja ở quận Samburu, và nuôi 8 đứa con. Hiện tại, bà được sở hữu một miếng đất, bất chấp nền văn hóa nơi đây coi phụ nữ được coi là "tài sản" của cha và chồng.
Bà Nolmongen, hiện tại 52 tuổi, cho biết: "Ngôi làng là nguồn hỗ trợ cho chúng tôi, vì chúng tôi đã cùng nhau nỗ lực để có được thành tựu trong cuộc sống và dạy cho nhau tầm quan trọng của quyền phụ nữ". Bà chia sẻ: "Với những người chồng Samburu, chúng tôi – những người phụ nữ không khác gì rác rưởi".
Nolmongen là một trong những cư dân đầu tiên của Umoja, một ngôi làng được thành lập vào năm 1990. Nơi đây là không gian ẩn náu cho những phụ nữ Samburu bị tấn công tình dục, bị đuổi ra khỏi nhà và bị tước bỏ quyền thừa hưởng tài sản, cũng như những người chạy trốn khỏi nạn tảo hôn và tục cắt âm vật.
Umoja được thành lập bởi Rebecca Lolosoli, người đã bị đuổi ra khỏi cộng đồng sinh sống. Chưa kể, bà còn bị một nhóm đàn ông đánh đập vì lên tiếng chống lại tục cắt bỏ âm vật. Trong khi nằm bệnh viện điều trị, bà nảy ra ý tưởng thành lập một ngôi làng không có đàn ông.
Umoja, có nghĩa là 'hợp nhất' trong tiếng Swahili. Khi mới được thành lập, làng có 15 phụ nữ sinh sống, lúc nhiều nhất có đến khoảng 50 gia đình, Nolmongen giải thích. Hiện tai, có tổng số 37 phụ nữ và con cái của họ sống trong làng. Đó là một cộng đồng mà những người phụ nữ đã cùng nhau xây dựng, trong đó có một ngôi trường. Tất cả đều được bao quanh bởi hàng rào cây gai.
Nơi phụ nữ được quyền sở hữu đất
Ngày nay, phụ nữ ở đây được chính quyền quận cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu một khu đất chăn thả gia súc - quyền mà họ không bao giờ có được bên ngoài làng. Hiện tại các cộng đồng gần đó cũng đang được thúc đẩy về việc trao quyền đất đai cho phụ nữ.
"30 năm trước, điều đó không thể xảy ra đối với một phụ nữ ở cộng đồng Samburu. Phụ nữ không được phép sở hữu đất đai và các tài sản khác vì chồng của họ không cho phép ", Nolmongen nói.
Nolmongen cho biết, phụ nữ kiếm tiền từ việc bán mật ong và làm đồ thủ công như chuỗi hạt để bán cho khách du lịch. Mặc dù việc hạn chế đi lại do đại dịch COVID -19 đồng nghĩa với việc họ hiện không có thu nhập. Bà nói: "Sau khi đại dịch bùng phát, khách du lịch không còn đến nữa, và chúng tôi phải nghĩ cách khác để sinh tồn. Nếu ai đó có tiền tiết kiệm, họ sẽ sử dụng cho đến khi có thể buôn bán lại".
Henry Lenayasa, người phụ trách bộ phận hành chính của khu vực làng Umoja, cho biết việc phụ nữ được đăng ký sở hữu đất đai là một ví dụ cho thấy người Samburu ngày càng công nhận quyền bình đẳng. "Chúng tôi, với tư cách là quản lý, được hiến pháp hướng dẫn để đảm bảo phụ nữ được hưởng công bằng. Tôi thường tổ chức cuộc họp ở nhiều làng khác nhau để đảm bảo truyền tải thông điệp này đến được với mọi người, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải trao quyền cho trẻ em gái", ông nói.
Phụ nữ chiếm ít hơn 2% quyền sở hữu đất ở Kenya
Hiến pháp của Kenya quy định rằng tất cả phụ nữ đều có quyền sở hữu tài sản như nhau, nhưng trên thực tế, đất đai thường được truyền từ cha cho con trai theo phong tục, khiến phụ nữ khó có cơ hội sở hữu đất đai .
Theo Liên minh Đất đai Kenya (một mạng lưới vận động về đất), phụ nữ sở hữu ít hơn 2% tổng số đất có quyền sở hữu ở Kenya. Người Samburu thực hiện quyền sở hữu công cộng, với tất cả các quyết định về quyền sử dụng và phân bổ đất đai do nam giới thực hiện.
Nhưng chẳng bao lâu phụ nữ ở làng Umoja đã có thể sở hữu hợp pháp đối với khu đất họ cày cấy và chăn nuôi. Đó là mảnh đất họ đã mua cách đây vài năm bằng tiền tiết kiệm và quyên góp.
Chính phủ hiện đang xem xét đơn xin cấp quyền sở hữu mảnh đất này cho cộng đồng làng Umoja. Nếu đạt được điều đó, quyền sở hữu đất sẽ giúp bảo vệ phụ nữ và sinh kế của họ khỏi các vấn đề về đất và nước thường xuyên gặp phải giữa Samburu và các cộng đồng khác.
Phụ nữ ở làng Umoja cũng đến các cộng đồng gần đó để tuyên truyền về tầm quan trọng của việc sở hữu đất đai và tài sản đối với phụ nữ. Ở ngôi làng lân cận Nashami, Samuel Leyapem, 75 tuổi, cho biết trong hơn ba thập kỷ qua, phụ nữ ở Umoja đã truyền cảm hứng cho cộng đồng của ông để giúp phụ nữ có được nhiều quyền lợi hơn.
"Ngày nay, làng của chúng tôi cũng cho phép phụ nữ sở hữu tài sản ví dụ như gia súc và thậm chí mua đất", ông cụ 75 tuổi chia sẻ. "Nhưng cá nhân tôi, tôi còn muốn nhiều hơn thế nữa. Đó là người phụ nữ mua đất với sự góp mặt của chồng mình. Sau đó cả hai cùng chung sống hạnh phúc."
Juliana Nnoko-Mewanu, một nhà nghiên cứu về phụ nữ và đất đai của nhóm vận động Human Rights Watch, cho biết phụ nữ không nên cảm thấy họ phải rời xa đàn ông để có thể sở hữu tài sản.
Bà nói: "Phụ nữ thường không thể sử dụng các không gian riêng để trải nghiệm khả năng tiếp cận, sử dụng, kiểm soát và hưởng lợi từ đất đai cũng như nhận thức sự an toàn về quyền sở hữu. Chính phủ nên thiết lập các biện pháp giúp bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ đối với tài sản trong thời kỳ hôn nhân, khi ly hôn và trong trường hợp vợ hoặc chồng qua đời."
Đối với làng Umoja, Nolmongen rất biết ơn nơi đây vì dù không sống cùng chồng nhưng bà có thể cho tất cả các con của mình đến trường và được quyền sở hữu chính mảnh đất bà đang sống và lao động. Đó cũng là cách mà bà nuôi dưỡng và dạy dỗ các con của mình. Hiện tại, con trai bà đang làm việc trong lực lượng cảnh sát và con gái làm nghề báo. Bà nói: "Giờ mọi người đều đã nhận thức được và có thể sở hữu tài sản theo bất kỳ cách nào họ muốn".