pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyển đổi số tác động tới sự sống của cơ quan báo chí
Sáng 27/10, hội thảo "Thúc đẩy chuyển đổi số các cơ quan báo chí, xuất bản" đã diễn ra tại Hà Nội, do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Sự bùng nổ của công nghệ thông tin và việc tiếp cận rộng rãi của Internet, chuyển đổi số trở thành vấn đề cấp thiết trên toàn thế giới, trong đó có báo chí.
Ngày 6/4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược "Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", đánh dấu cho bước tiến quan trọng trong cách mạng số của ngành báo chí và truyền thông.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên Hiệp hội Việt Nam (LHHVN), bày tỏ, dựa trên cơ sở chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về chương trình chuyển đổi số đến năm 2025 và 2030, LHHVN tổ chức hội thảo này để tham vấn, hướng tới mục đích xây dựng kế hoạch chuyển đổi số tốt nhất.
Với chủ đề "Công nghệ số cho hoạt động Báo chí, Truyền thông và Xuất bản trong xu hướng cách mạng công nghệ 4.0", hội thảo mở ra không gian trao đổi, tham vấn và lĩnh hội những kiến thức trong tác nghiệp báo chí thời đại mới, từ đó góp phần xây dựng kế hoạch chuyển đổi số báo chí Việt Nam hiểu quả nhất. Đồng thời, tạo cơ hội kết nối giữa đơn vị báo chí và các tổ chức công nghệ.
Tham gia hội thảo có các cán bộ lãnh đạo, nhà báo, phóng viên đến từ nhiều cơ quan báo chí.
Đặc biệt là sự góp mặt của nhiều diễn giả từ những tổ chức chuyên môn trong lĩnh vực báo chí - truyền thông, kỹ thuật - công nghệ để trình bày quan điểm, thảo luận về chính sách và đưa ra sáng kiến chuyển đổi số báo chí.
Các chuyên gia, cán bộ báo chí đều cho rằng, chuyển đổi số tác động tới sự sống của một cơ quan báo chí. Hai yếu tố chính báo chí cần quan tâm là hạ tầng số và nhân lực số.
Ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Vietnamplus, chia sẻ, chuyển đổi số là chuyển đổi nguồn thu, hướng tới một tương lai "trả tiền để đọc báo". Thực hiện được điều này, báo chí cần hành động ngay từ những bước như xây dựng mối quan hệ với độc giả, áp dụng công nghệ trong việc xử lý dữ liệu để tối ưu hóa trải nghiệm, nhu cầu của độc giả; thu thập dữ liệu độc giả để hiểu và phục vụ độc giả tốt hơn.
Bên cạnh đó, để chuyển đổi số hiệu quả, cần có nguồn nhân lực đủ chuyên môn trong chuyển đổi số qua giáo dục, bồi dưỡng và đào tạo phù hợp với thời đại.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Nguyên Vân, Phó viện trưởng, Viện sáng tạo và chuyển đổi số - LHHVN, nêu, chiến lược chuyển đổi số báo chí cần phân phối hiệu quả trải nghiệm người dùng, mở rộng thị trường và tăng doanh thu, tăng cường xây dựng cộng đồng.
Qua phần trình bày của các diễn giả, báo chí Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc áp dụng công nghệ vào hoạt động báo chí để bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của xã hội. Điều này mang lại nhiều cơ hội giúp báo chí phát triển và mở rộng thị trường.
Song, báo chí cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức. Ngân sách, tài chính để triển khai chuyển đổi số là vấn đề khó khăn được nhiều cơ quan báo chí chia sẻ. Đặc biệt là đối với những cơ quan báo chí, tạp chí có quy mô nhỏ.
Ngoài ra, an ninh mạng cũng là một thách thức lớn cho báo chí trong thời đại công nghệ số.
Chuyên gia bảo mật Smart Pro, ông Nguyễn Siêu Đẳng, cho biết, công nghệ phát triển kèm theo nhiều vấn nạn: hacker, tin giả,... Do vậy, an ninh thông tin đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình chuyển đổi của báo chí - truyền thông. Các tòa soạn cần thực hiện các biện pháp bảo mật và quy trình kiểm soát mạnh mẽ để bảo đảm lòng tin của độc giả và mức độ uy tín tờ báo.
Trước những thách thức trên, các đơn vị công nghệ khẳng định, sẽ hỗ trợ hết sức và đồng hành cùng báo chí trong quá trình chuyển đổi số được hiệu quả nhất.